Vi phạm bản quyền âm nhạc - vì đâu nên nỗi?

Nghị định 142 được cho là có kẽ hở pháp lý, gây cản trở cho việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên của Công ước Berne.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC tại cuộc gặp CLB Cựu đại biểu Quốc hội

Những thay đổi luật pháp và kẽ hở

Ngày 9.10.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP, trong đó điều 6 của Nghị định này “bãi bỏ thành phần hồ sơ “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” tại thủ tục cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu".

Trước đó, ngày 18.4.2018, Bộ VHTTDL đã ra Quyết định số 1396/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, làm cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP:

Tại Phụ lục lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (kèm theo Quyết định 1396) có nêu phương án cắt giảm điều kiện “hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” trong thủ tục cấp giấy phép biểu diễn và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (tại Điều 9, Điều 24 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP).

Theo nhiều nhạc sĩ và VCPMC, những thay đổi về chính sách pháp luật vô hình đã tạo ra những bất cập trong việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng, cảnh báo nguy cơ triệt tiêu sáng tạo.

Tình trạng vi phạm tràn lan về quyền tác giả âm nhạc hiện nay là thực tế không thể phủ nhận. Người sử dụng tác phẩm âm nhạc chưa thực sự tự nguyện, tự giác thực hiện nghĩa vụ, việc triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả ở các địa bàn chưa đồng bộ nên chưa hiệu quả, chưa đủ tác động tích cực đến ý thức tuân thủ pháp luật về quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân, công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa kịp thời, chưa triệt để và chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.

Do đó, việc “bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ đề nghị cấp phép biểu diễn nghệ thuật và phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình” trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay cho thấy sự bất cập trong việc thực thi quyền tác giả, gây tổn hại về tài sản và tổn thương về tinh thần cho tác giả.

Không đồng nhất với cam kết quốc tế

Theo điều 18, điều 19, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền tài sản “do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”; tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả “phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”; việc trả tiền nhuận bút, thù lao do các tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả nhưng trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc phải xin phép trước mới được sử dụng.

Điều 9, điều 11, điều 11bis, điều 11ter Công ước Berne đều quy định rõ tác giả được toàn quyền hoặc độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm.

Khoản 1 điều 36 Công ước Berne quy định: Mỗi thành viên liên hiệp sẽ cam kết ban hành các biện pháp cần thiết, phù hợp với hiến pháp của mình, nhằm đảm bảo việc áp dụng Công ước này

Theo đại diện VCPMC, điều này cho thấy Nghị định 142 ra đời không chỉ không phù hợp mà còn không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đồng thời mâu thuẫn với nguyên tắc tại khoản 2, điều 2 của Quyết định số 1396: “Phải tính đến các điều kiện hoạt động thực tiễn, khả năng gia nhập thị trường và tuân thủ theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

VCPMC cũng cần được bảo hộ

Hiện nay, VCPMC đang đại diện cho khoảng 4.000 tác giả Việt Nam thông qua hợp đồng ủy quyền của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, VCPMC đã ký kết hợp tác song phương với trên 70 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, có phạm vi điều chỉnh trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời VCPMC có tư cách là thành viên chính thức của tổ chức CISAC (Liên minh quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc) với 238 tổ chức thành viên đại diện cho hơn 4 triệu chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo ông Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc VCPMC, trước tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan và thách thức trong suốt thời gian qua, Nghị định số 142 sẽ càng gây khó khăn thêm cho hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có VCPMC. Những quy định trong Nghị định có thể sẽ xảy ra những rủi ro pháp lý không chỉ đối với người sử dụng nhạc, mà còn là những hệ lụy về hình ảnh, thói quen ứng xử thiếu nghiêm túc, văn minh đối với một loại tài sản đặc thù được kết tinh từ trí tuệ và sáng tạo mà hiện nay cả nhân loại đều chung tay bảo vệ.

Mặt khác, phản ứng xã hội có tính nhạy cảm và những hậu quả, thiệt hại nặng nề mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phải gánh chịu, không chỉ với các tác giả Việt Nam mà còn với các tác giả quốc tế, sẽ tạo nên tiền lệ xấu làm cản trở tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Vì thế, theo ông Cẩn, là thành viên của CISAC, VCPMC cũng cần được bảo hộ để đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/vi-pham-ban-quyen-am-nhac-vi-dau-nen-noi-930085.html