Vi phạm đạo đức báo chí: Nhà báo sẽ 'tự chết' một cách vô ích

Từ câu chuyện đại dịch COVID-19 và sự thay đổi của nền tảng công nghệ số đã dẫn tới cách thức làm báo có nhiều thay đổi, trong đó có những vấn đề về sự suy đồi của đạo đức nghề nghiệp.

Phóng viên tác nghiệp trong dịch bệnh cần biết tự bảo vệ mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phóng viên tác nghiệp trong dịch bệnh cần biết tự bảo vệ mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với những thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo trong những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cũng ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức báo chí trong nhiệm kỳ 2015-2020. Cụ thể, có đến 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên bị xử lý vì đưa tin sai sự thật, tống tiền doanh nghiệp bị bắt quả tang...

Trong nhiệm kỳ, hội quyết định giải thể 7 tổ chức hội, khai trừ 9 trường hợp và xóa tên 1.425 hội viên. Đây cũng là những con số nhức nhối đòi hỏi phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhằm xây dựng một đội ngũ những người làm báo "tâm sáng, chí bền".

Vì đâu đạo đức báo chí suy đồi?

Đạo đức báo chí là vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhà báo Tạ Bích Loan (Đài Truyền hình Việt Nam) khẳng định: “Dù chúng ta có làm gì, có chuyển đổi đi đâu hay chúng ta có bước vào kỷ nguyên nào và có bao nhiêu sự thay đổi nữa trong cuộc đời này thì quay trở lại nguồn gốc giải quyết vẫn chính là ở bài toán con người và câu chuyện đạo đức người làm báo.”

Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng dịch bệnh đã làm thay đổi cách chúng ta sống, cách chúng ta giao tiếp và tạo ra rất nhiều những thay đổi trong truyền thông, trong báo chí toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam. Từ câu chuyện đại dịch COVID-19 và sự thay đổi của nền tảng công nghệ số đã dẫn tới cách thức làm báo có nhiều thay đổi, trong đó có những vấn đề về sự suy đồi của đạo đức nghề nghiệp.

Nhà báo Tạ Bích Loan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lý giải nguyên nhân dẫn tới những “con sâu làm rầu nồi canh,” ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng báo chí cũng chịu ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, từ đó người làm báo phát sinh tiêu cực, vi phạm pháp luật, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí; nhiều cơ quan báo chí, nhà báo, hội viên bị thi hành kỷ luật, bị thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên, khai trừ khỏi hội...

“Báo chí vì thế cũng bị suy giảm về uy tín, vị thế. Mạng xã hội phát triển phần nào chi phối thông tin báo chí, gây nên tình trạng thông tin nhiễu loạn, thiếu kiểm chứng, sai sự thật... Tất cả những diễn biến mới trong hoạt động báo chí đòi hỏi cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và tổ chức Hội Nhà báo phải quan tâm chỉ đạo và xử lý,” ông Lợi nói.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh thì cho rằng sự thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, cách làm báo truyền thống đã bị phá bỏ, đồng nghĩa với việc tạo nên một thế hệ nhà báo mới, không chỉ nhạy bén với xử lý thông tin mà còn khoa học và năng động trong làm chủ công nghệ.

“Yêu cầu bắt buộc của nhà báo hiện nay là phải xử lý thông tin trong mọi hoàn cảnh và phải cập nhật tin tức vào bất cứ thời điểm nào. Chính vì vậy, một bộ phận nhà báo trở nên dễ dãi với nghề, biến tướng, thậm chí là trục lợi nghề nghiệp, làm méo mó hình ảnh của người làm báo,” nhà báo Nguyễn Xuân Hải nói.

Ông chỉ ra một số hiện tượng “nhà báo salông,” “nhà báo cắt dán,” “nhà báo bàn phím” trên “cái chợ” mạng xã hội, một xa lộ thông tin kiểu mới.

“Nhiều phóng viên sa đà vào những thông tin trái chiều, thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin phản văn hóa trong khi một người làm báo nghiêm túc, tôn trọng phẩm chất nghề nghiệp cần phải phát ngôn trung thực, khách quan, nhân văn và có tính chính kiến cao để góp phần định hướng thông tin, bảo vệ cái đúng, đấu tranh đả phá những thông tin sai lệch, bôi nhọ,” ông nói.

Tự bảo vệ mình trước cám dỗ

Bàn về đạo đức nghề nghiệp trong thời đại mới, nhà báo Tạ Bích Loan nhắc tới bộ phim tài liệu “Ranh giới.” Đạo diễn đã phải chạm tới “ranh giới” của quyền riêng tư khi đưa những cảnh rất đau thương trong bệnh viện vào bộ phim.

Một cuộc tranh luận rất lớn đã nổ ra giữa một bên cho rằng bộ phim đã chạm vào nỗi đau và nhà báo đang sử dụng nỗi đau của con người để làm báo. Nhiều ý kiến khác cho rằng, phải làm như vậy bởi nhà làm phim cần cho người dân hiểu về thảm kịch COVID-19 đang đến mức nào, sự thật đang ở đâu.

Cảnh trong phim "Ranh giới" của Đài Truyền hình Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

“Vậy điều gì giúp chúng ta xác định rằng đâu là đúng, đâu là sai, đâu là chạm vào quyền riêng tư và đâu là không? Tôi cho rằng thước đo duy nhất của đạo đức báo chí là “bạn làm điều ấy vì ai? Câu trả lời là... vì công chúng,” nhà báo Tạ Bích Loan nói.

Nhà báo khẳng định nếu như mục đích của phóng viên là vì đất nước, vì xã hội, vì sự thật, vì lợi ích chung của cộng đồng thì điều đó chấp nhận được. Còn nếu như bất cứ điều gì làm vì bản thân mình thì ngay lập tức khán giả, độc giả vô cùng tinh tế sẽ nhận ra ngay.

Nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng tình với quan điểm của đồng nghiệp. Ông cho rằng “Ranh giới”là ví dụ điển hình về câu chuyện tác nghiệp báo chí trong tình hình mới.

“Có thể nói đây là bộ phim tài liệu xuất sắc, gây xúc động cao độ cho người xem, lấy được nước mắt của số đông khán giả, và vượt lên tất cả, nó lột tả được sự khốc liệt của cuộc chiến chống COVID-19 thông qua những cảnh quay sống động tại một góc bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh,” ông nói.

Nhà báo suy rộng ra rằng trong bối cảnh COVID-19 đang gây ra những tác động tiêu cực hiện nay, nhà báo Hà Minh Huệ kiến nghị cần bổ sung thêm khía cạnh “nhân văn và biết bảo vệ mình” trong phẩm chất của người làm báo.

“Họ tác nghiệp an toàn để khai thác thông tin trong ranh giới của sự sống, cái chết mong manh đồng thời họ biết tự bảo vệ mình, không để xã hội phải bận tâm về chính sự an toàn của họ. Đây là một nét mới trong tác nghiệp báo chí thời COVID-19,” ông nói.

Nhà báo Hà Minh Huệ trăn trở rằng tác nghiệp trong điều kiện chiến tranh, dịch bệnh, nhà báo có thể hy sinh hoặc bị thương tật suốt đời, song trong hoàn cảnh bình yên, nhà báo vẫn có thể “tự chết” một cách vô ích khi không tự bảo vệ mình trước những cám dỗ về vật chất, đồng tiền bất chính, bán rẻ lương tâm để mắc sai phạm về đạo đức. Ông hy vọng đội ngũ người làm báo chúng ta sẽ lớn lên từng ngày qua mỗi kỳ đại hội.

Ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi khẳng định đạo đức nghề nghiệp người làm báo là vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí: “Việc tu dưỡng, nêu cao đạo đức người làm báo là trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam. Bởi lẽ, đạo đức làm nghề là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí.”

Nói đến giải pháp củng cố đạo đức nghề nghiệp, ông Lợi đưa ra một số giải pháp như: Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho nhà báo; thực hiện Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên phụ trách địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý khi có vụ việc xảy ra; các cấp hội phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; tăng cường kiểm tra theo chuyên đề thực hiện Điều lệ Hội và Quy định đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam ở các tổ chức hội./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vi-pham-dao-duc-bao-chi-nha-bao-se-tu-chet-mot-cach-vo-ich/766017.vnp