Vi phạm nồng độ cồn: Nhiều người vẫn quá xem thường pháp luật

Đợt cao điểm 3 tháng vừa qua, CSGT Công an TPHCM đã đã xử lý 6.965 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn (trong 73.559 trường hợp vi phạm). Như vậy vẫn còn nhiều trường hợp đã nhậu nhưng vẫn cầm lái tham gia giao thông bị xử lý. Chủ quán mở cửa kinh doanh thì cần có khách, nhưng một khi 'ma men' cầm lái thì khó ai cản, do vậy việc ý thức ngay từ lúc đầu, đã đi ăn nhậu thì không nên điều khiển phương tiện giao thông… là rất quan trọng.

Tiếp tục xử lý "ma men" đến cuối năm

Ngày 02-10, theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm từ nay đến cuối năm 2022 tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt. Trong đó, chú trọng việc xử lý các "ma men" cầm lái, điều khiển các loại phương tiện giao thông.

TPHCM có nhiều nhà hàng, quán nhậu, bên cạnh đó thường xuyên diễn ra những buổi tổ chức tiệc tùng có rượu, bia, do vậy vừa tuyên truyền sâu rộng việc mọi người ý thức ngay từ đầu khi đã đi ăn nhậu thì kiên quyết không tham gia điều khiển các loại phương tiện giao thông.

Một chủ quán nhậu tại Q.Bình Thạnh, TPHCM cho biết: "Mặc dù tuyên truyền, vận động, cũng như các bảo vệ, giữ xe ở quán sẵn sàng trông giữ xe cho thực khách để sau khi ăn nhậu ra về bằng phượng tiện khác, như đi xe ôm, xe công nghệ, xe taxi... hoặc do người nhà đến chở. Tuy nhiên, để quán kinh doanh, thu hút khách thì không thể nào ngăn cản được một số trường hợp khách khi đã uống rượu, bia vẫn khăng khăng đòi lái xe. Do vậy, nói đến ý thức khi đi ăn nhậu, di chuyển bằng các loại xe công cộng, người khác chở là điều vô cùng quan trọng mà mọi người cần thực hiện nghiêm túc".

Anh Huỳnh Công Sáng (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết: "Kể từ khi được chủ quán - nơi tôi thường lui tới vào dịp cuối tuần để cùng bạn bè cụng ly - khuyến cáo về di chuyển bằng xe gắn máy sau khi uống rượu bia sẽ bị xử phạt rất nặng, cũng như biết các thông tin xử phạt qua phương tiện truyền thông, báo chí, bản thân tôi quyết định cứ đi nhậu là phải lên taxi hoặc đặt xe công nghệ. Điều này khiến bản thân tôi được an toàn, gia đình, bạn bè cũng yên tâm hơn mỗi khi tôi đi nhậu...".

CSGT phối hợp cùng CSCĐ Công an TPHCM ra quân xử lý về nồng độ cồn

Anh Nguyễn Hữu Phương (ngụ Q2, TPHCM) giãi bày: "Hôm trước làm việc quá buổi đêm một chút, bạn bè mời nhậu, lúc đầu định uống một, hai lon bia rồi về. Nhưng uống rồi lại thêm, cho đến gần 12 giờ khuya khi tôi từ Q.Phú Nhuận về Q2, đến vòng xoay Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh thì gặp lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ tại đây.

Thế là xe gắn máy bị tạm giữ, hôm sau tôi đến nhận biên bản phạt 8,5 triệu đồng, giấy phép lái xe bị tạm giữ nhiều tháng... Đây là bài học cho tôi, cũng như là bài học cho mọi người, đã nhậu thì nên đi bằng xe người khác chở, đón taxi hay đi xe ôm công nghệ cho chắc chắn. Vừa an toàn cho bản thân, an tâm cho gia đình bạn bè, mà không gây mất an toàn giao thông cho người khác".

Theo các CSGT, những người đã nhậu vào thì khi điều khiển xe gắn máy, kể lái cả ôtô đều không chuẩn. Ban đêm, lực lượng CSGT tuần tra hay chốt trực đều rất dễ nhận diện bằng ánh đèn chiếu từ xa đến. Người có men rượu, bia thường lái xe không thẳng, hay lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí là cúp đầu các xe cùng chiều rất nguy hiểm...

Theo PC08, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022 là sẽ tiếp tục tham mưu Công an TPHCM triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm (chú ý xử lý nồng độ cồn), đấu tranh, phòng, chống tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép trên địa bàn. Kết hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần lan tỏa ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.

Tuyên truyền nâng cao ý thức xã hội đến người dân "khi uống rượu, bia thì không điều khiển xe"

Cảnh báo hàng chục ngàn trường hợp vi phạm

Qua 3 tháng triển khai (20-6 đến 20-9-2022), PC08 đã phát hiện và xử lý 73.559 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái 19.738 trường hợp, tạm giữ 10.783 phương tiện (trong đó có 208 ôtô, 10.561 xe môtô, xe gắn máy và 14 phương tiện khác). Đợt cao điểm vừa qua cho thấy, việc kiểm tra trong thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn như kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, Quốc khánh 2/9, khai giảng năm học mới... nên mật độ người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến.

PC08 đã chủ động trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án, giải pháp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Do đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Đặc biệt, một số chuyên đề nổi bật trong đợt cao điểm cũng được triển khai, đã xử lý đến 6.965 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 11.016 trường hợp vi phạm quy định về tốc độ, 785 trường hợp cơi nới thùng xe và chở hàng quá tải, quá khổ...

Theo PC08, nhìn chung công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Đặc biệt văn hóa không lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia ngày càng được nhân rộng, mô hình treo băng rôn cảnh báo "không lái xe sau khi uống rượu bia" được thực hiện nghiêm tại các cơ sở có kinh doanh rượu, bia.

PC08 tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm phương án bố trí lực lượng trên địa bàn đảm trách, phối hợp có hiệu quả với các lực lượng trong công tác điều tiết, phân luồng giao thông, nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chú trọng việc áp dụng triệt để phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục khai thác, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác xử lý vi phạm, đẩy mạnh việc triển khai xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống camera giám sát cố định, di động, với mục đích nhằm làm thay đổi nhận thức của người điều khiển phương tiện, chấp hành tốt pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi kể cả ở những khu vực, những thời điểm không có CSGT thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường công tác kiểm tra và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ huy các Đội - Trạm đối với việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình công tác, bảo đảm tư thế, tác phong người chiến sĩ CANDtrong quá trình thi hành nhiệm vụ.

Theo thống kê của Phòng PC08, thực hiện đợt cao điểm 3 tháng vừa qua (từ ngày 20-6 đến 20-9-2022), TPHCM xảy ra 472 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 156 người, bị thương 304 người. So với thời gian liền kề, giảm cả 3 tiêu chí, giảm 65 vụ (-12%), giảm 5 người chết (-03%), giảm 34 người bị thương (-10%). Từ nay đến cuối năm 2022, CSGT tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, nhằm giảm tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài... và đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nhóm PV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/nhieu-nguoi-van-qua-xem-thuong-phap-luat_137804.html