Vi phạm tràn lan trong xây dựng chung cư tại TP.HCM: Luật chưa nghiêm, cư dân lãnh đủ

Thời gian qua tại TP.HCM xảy ra hiện tượng chủ đầu tư các dự án chung cư sai phạm rất nhiều. Không chỉ sai phạm về xây dựng, giấy phép, công tác hoàn công, PCCC, nhiều chủ đầu tư còn không cấp sổ hồng cho người mua nhà khiến xung đột giữa chủ đầu tư và cư dân hết sức gay gắt.

Nhiều chủ đầu tư do vướng thủ tục pháp lý, hoặc chưa hoàn công, hoàn thiện hệ thống PCCC, khiến việc cấp sổ hồng cho cư dân bị vướng

Nhiều chủ đầu tư do vướng thủ tục pháp lý, hoặc chưa hoàn công, hoàn thiện hệ thống PCCC, khiến việc cấp sổ hồng cho cư dân bị vướng

Sai phạm tràn lan do luật chưa nghiêm?

Sai phạm chủ yếu của các chủ đầu tư xây nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM thời gian qua chủ yếu xoay quanh tính pháp lý của dự án, xây dựng vượt quy mô cho phép, xây chưa xong đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở. Đặc biệt, tình trạng bán nhà nhưng không thể bàn giao sổ hồng cho người dân diễn biến hết sức phức tạp.

Tại nhiều quận huyện có mật độ cư dân đông và phát triển nóng như Quận 2, Thủ Đức, Quận 9, Gò Vấp, Quận 7…tình trạng cư dân mua nhà đã nhiều năm nhưng không thể nhận nhà vì bị chủ đầu tư ngâm, hoặc đã nhận nhà vào ở vài năm nhưng chủ đầu tư vẫn không thể bàn giao sổ hồng dẫn đến tranh chấp, kiện tụng là chuyện không hiếm thấy.

Nguyên nhân một phần đến từ chính khách hàng khi mua căn hộ đã không xem xét kỹ hợp đồng, tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, phần lớn là do sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chính sự cố tình của chủ đầu tư.Trường hợp vi phạm nghiêm trọng về công tác xây dựng mới đây tại quận 7 và Quận 2 là một ví dụ điển hình.

Dự án Green Star Sky Garden ở phường Phú Mỹ (quận 7, TP. HCM) do Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư tuy chưa được chính quyền giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đơn vị này đã tiến hành xây dựng và bán cho khách hàng hơn 110 biệt thự liền kề.

Điều đáng nói là dù chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng sau hơn 1 năm tiến hành xây lụi hàng trăm căn biệt thự, các đơn vị quản lý có trách nhiệm mới phát hiện khiến dư luận hết sức nghi ngờ.

Một góc Dự án Green Star Sky Garden ở phường Phú Mỹ, quận 7 xây trái phép 110 căn biệt thự

Trường hợp sai phạm tại chung cư Oriental Plaza (phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM) do Công ty Sơn Thuận làm chủ đầu tư còn cho thấy sự xem thường pháp luật của các chủ đầu tư.

Theo đó, tại chung cư Oriental Plaza chủ đầu tư đã tự ý xây dựng sai so với thiết kế được phê duyệt. Có tới 43 căn hộ đã được chủ đầu tư xây dựng sai phép khiến các cư dân ở đây không được cấp sổ đỏ.

Tương tự là trường hợp của Dự án Laimain City nằm trong trung tâm khu đô thị An Phú - An Khánh (Q.2, TP.HCM) do Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư.

Đơn vị này vừa bị UBND Quận 2 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1502/QĐ-XPVPHC do có hành vi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng.

Ngoài xử phạt 40 triệu đồng, quyết định cũng nếu rõ, HDTC phải dừng thi công xây dựng công trình dự án Laimanin City (tên cũ là Raemian Galaxy City), làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng chung cư CC04 (tại ngã giao đường Trần Lựu và đường Vành đai Tây, đường số 37), thuộc khu D, dự án khu đô thị An Phú – An Khánh.

Mới đây nhất là trường hợp vi phạm về xây dựng của chủ đầu tư chung cư Khang Gia Chánh Hưng Quận 8 (Công ty CP đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia là chủ đầu tư) vì các vi phạm trong xây dựng và đảm bảo PCCC.

Cụ thể, UBND quận 8 vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành có liên quan có biện pháp xử lý các vi phạm của Công ty CP đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia, có chế tài buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục như: nghiệm thu hoàn thành công trình, nghiệm thu hệ thống PCCC và vận hành nhà chung cư…

Đây là chung cư thứ 2 của Công ty CP đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia bị phát hiện có nhiều sai phạm. Trước đó, chung cư Khang Gia Tân Hương, quận Tân Phú cũng bị chủ đầu tư chia nhỏ tầng thương mại thành 71 căn hộ để bán.

Những tầng thương mại bị chia thành căn hộ chưa được nghiệm thu PCCC, chủ đầu tư cũng chưa bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị. Hiện các cơ quan chức năng quận Tân Phú đang chuẩn bị các phương án để cưỡng chế tháo dỡ các căn hộ ở tầng thương mại.

Nói về các sai phạm trong xây dựng xảy ra tại các dự án nhà ở chung cư thời gian qua trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng: Nguyên nhân chính là do các quy định của chúng ta còn chưa nghiêm, công tác giám sát, quản lý còn lỏng kẻo, thậm chí có tình trạng cả nể, ‘nhắm mắt” làm ngơ cho các sai phạm của chủ đầu tư của không ít cán bộ địa chính quận, huyện…

Vì vậy, ông cho rằng với các sai phạm của chủ đầu tư, hoặc vì sai phạm của chủ đầu tư mà không thể cấp sổ hồng cho cư dân thì cơ quan nhà nước cần vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho các chung cư bị treo sổ hồng, chứ không thể để người dân tự bơi.

Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM vừa lập biên bản việc sai phạm của chủ đầu tư tại dự án chung cư Khởi Thành (tên thương mại là Paris Hoàng Kim), Quận 2

Cần có chế tài đủ mạnh

Xây dựng không phép, sai phép hai năm trở lại đây trở thành vấn đề gây nhiều bức xúc trong quá trình phát triển đô thị tại TP.HCM. Mặc dù TP.HCM đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn chưa được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Trọng Trí-đại biểu HĐND TP.HCM nguyên nhân tình hình xây dựng sai phép, không phép tại TP.HCM gia tăng (cả chung cư và nhà đơn lẻ) là do quản lý tại địa phương chưa nghiêm.

Trong khi đó, việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép còn nhiều khó khăn, thiếu các chế tài đủ mạnh. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này chứ không thể để dân tự bảo vệ và tranh chấp với chủ đầu tư.

Có chung quan điểm với ông Trí, tại kỳ họp thứ 17 vừa qua của HĐND TP.HCM, ông Tăng Hữu Phong- Phó Bí thư quận ủy quận Tân Phú cho rằng: Với những vướng mắc đã và đang nảy sinh ngày càng gay gắt giữa chủ đầu tư và cư dân tại các chung cư trong thời gian qua không được xử lý triệt để, hơn lúc nào hết TP cần phải có một “nhạc trưởng” giải quyết vấn đề giữa khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng; đồng thời cần có giải pháp mạnh mẽ nếu không sẽ phát sinh những vấn đề không lường trước được.

Nhìn nhận những tồn tại đang có, ông Lê Hòa Bình- Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định; tình trạng xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua nguyên nhân từ sự yếu kém trong phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị quận, huyện.

Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, ngay cả nhà thầu xây dựng và đơn vị giám sát dự án cũng làm chưa tốt.

Cư dân tại một chung cư căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả sổ hồng

“Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2019 sửa đổi các Thông tư về quản lý, sử dụng nhà chung cư thay thế Thông tư 02 với rất nhiều điểm mới. Triển khai Thông tư này, TP.HCM sẽ thực hiện mô hình 3 chân, gồm có cư dân (giữ vai trò trung tâm), Ban quản trị chung cư (chịu trách nhiệm chính) và chủ đầu tư (chịu trách nhiệm về chất lượng công trình).

Các quận, huyện phường xã sẽ tham gia quá trình giám sát chặt chẽ , đồng thời Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn, sử dụng nhà chung cư và sẽ bổ sung cho phù hợp với Thông tư 06 nhằm siết và chấn chỉnh lại tình trạng vi phạm trong xây dựng hiện nay”- ông Bình nói.

Trước khi thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy TP.HCM về trật tự xây dựng, năm 2017 trung bình có 7,8 vụ sai phạm/ngày, năm 2018 có 6,6 vụ/ngày, 6 tháng đầu năm 2019 có 8,5 vụ/ngày. Sau hơn 3 tháng thực hiện Chỉ thị 23, số vụ giảm 4,8%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vi-pham-tran-lan-trong-xay-dung-chung-cu-tai-tphcm-luat-chua-nghiem-cu-dan-lanh-du-4052592-v.html