Vi phạm trong kiểm soát xung đột lợi ích, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 40 triệu đồng

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang được Thanh tra Chính phủ soạn thảo là cụ thể hóa quy định về kiểm soát xung đột lợi ích.

Dự thảo đưa ra 3 tình huống xung đột lợi ích, gồm: người có chức vụ, quyền hạn hoặc vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của người đó có cổ phần, góp vốn, tham gia hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực do người đó trực tiếp quản lý.

Tình huống thứ 2 là người có chức vụ, quyền hạn có vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đó.

Cuối cùng là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn có khả năng tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các đại biểu nghe ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, thanh tra Chính phủ giới thiệu quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Dự thảo Nghị định .

Các đại biểu nghe ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, thanh tra Chính phủ giới thiệu quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong Dự thảo Nghị định .

Theo Dự thảo, người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo bằng văn bản cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

Với vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, Dự thảo quy định nếu người thực hiện công vụ, nhiệm vụ nếu thấy có xung đột lợi ích mà không báo cáo, người có thẩm quyền nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích mà không áp dụng các biện pháp theo luật định để ngăn ngừa theo quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đều sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.

Với khu vực ngoài Nhà nước, Dự thảo quy định sẽ xử phạt hành chính. Cụ thể, phạt cảnh cáo đối với các hành vi: Không ban hành văn bản trả lời người có tình huống xung đột lợi ích khi người đó có văn bản báo cáo tình huống xung đột lợi ích; Không ban hành văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo bằng văn bản với người có thẩm quyền để xử lý trong trường hợp biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ được giao có xung đột lợi ích.

Mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng sẽ áp dụng cho các hành vi: Thực hiện không đầy đủ quy định về kiểm soát nội bộ, quy tắc ứng xử trong DN, tổ chức để kiểm soát xung đột lợi ích; Không xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; Không áp dụng các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định.

Mức phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng sẽ áp dụng với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm soát nội bộ, quy tắc ứng xử trong DN, tổ chức để kiểm soát xung đột lợi ích và không ban hành quy định về kiểm soát nội bộ, quy tắc ứng xử trong DN, tổ chức để kiểm soát xung đột lợi ích.

Góp ý vào Dự thảo, ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, cho biết, xung đột lợi ích là khái niệm rất mới, luật đã quy định chung chung rồi, nên nếu nghị định cũng quy định chung chung nữa thì rất khó áp dụng.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng, cần giải thích rõ xung đột lợi ích là gì, nhận diện thế nào là xung đột lợi ích, đồng thời liệt kê những tình huống về xung đột lợi ích để những người có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra biết để thực hiện.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, các tình huống về xung đột lợi ích được quy định trong Dự thảo không rõ ràng. Ông Dũng dẫn chứng, nếu bố làm GĐ Sở, con làm trưởng phòng thì có phải là xung đột lợi ích không, trong khi thực tế có rất nhiều trường hợp như thế? Theo ông Dũng, để PCTN thì nên chăng quy định bố làm GĐ Sở thì con phải đi làm chỗ khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Văn, cho rằng, Dự thảo nên tập trung vào các biện pháp để kiểm soát xung đột lợi ích hơn là đi mô tả các biểu hiện và tình huống xung đột lợi ích vì làm vậy sẽ không bao giờ có lối ra.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-pham-trong-kiem-soat-xung-dot-loi-ich-doanh-nghiep-co-the-bi-phat-den-40-trieu-dong-142094.html