Vi phạm trùng tu di sản tại đình Lương Xá: Cứu đình khi sự đã rồi

Sáng 16/8, Sở VH&TT Hà Nội đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý và nghe đề xuất của chính quyền địa phương về biện pháp xử lý công trình vi phạm tại đình Lương Xá (xã Lương Xá, thôn Liên Bạt, huyện Ứng Hòa). Tham dự hội nghị không chỉ có lãnh đạo thôn, xã, huyện – nơi để xảy ra vi phạm, mà còn có các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và các kiến trúc sư chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn tôn tạo di tích.

Công trình vi phạm trùng tu di sản tại đình Lương Xá. Ảnh: Lại Tấn

Bác bỏ đề xuất của địa phương
Sau vụ việc tự ý hạ giải di tích đình Lương Xá, khiến ngôi đình dù chưa được xếp hạng, nhưng được đánh giá là có nhiều mảng chạm khắc giá trị có từ thời hậu Lê đã bị phá hỏng; các cơ quan chức năng đã đình chỉ công tác thi công xây dựng.

Tại hội nghị sáng 16/8, trưởng thôn Lương Xá Phạm Tự Khải đề xuất lên cơ quan cấp trên tiếp tục cho địa phương được xây dựng ngôi đình theo hình thức 5 gian đại bái làm bằng bê tông, những cấu kiện gỗ của đình đã hạ giải còn có giá trị sẽ được khắc phục lắp ghép vào các cột bê tông. Phần dưới hậu cung làm bằng bê tông, từ xà trên làm bằng gỗ. Còn các mảng chạm có giá trị mà không thể gắn kết với bê tông, thôn đề xuất lưu giữ tại đình để trưng bày.

Ngoài yêu cầu Sở VH&TT hướng dẫn UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Liên Bạt bàn phương án xử lý vi phạm tại công trình, trong công văn ký ngày 13/8, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý còn yêu cầu kiểm điểm xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm quy định. Vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa cho biết sẽ tổ chức một hội nghị kiểm điểm trách nhiệm riêng, và hoàn thành báo cáo UBND TP trong tháng 8/2018. Tuy nhiên, phương án này đã gặp phải sự phản ứng của các nhà khoa học. PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: Nếu thực hiện phương án này thì là sự lố bịch. Bởi “ngôi đình định hình bằng bê tông cốt thép lại đi gắn mảng chạm khắc bằng gỗ. Phương án này khó chấp nhận, nó sẽ lệch vai” – PGS.TS Phạm Mai Hùng cho biết. KTS Lê Thành Vinh – nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cũng phản đối phương án này vì không đồng nhất về cấu trúc, vật liệu và phong cách.

Ngoài phương án địa phương đề xuất, còn có 2 phương án: Phá bỏ công trình bê tông đang vi phạm, phục dựng ngôi đình bằng gỗ mang giá trị nguyên gốc gần nhất với ngôi đình ban đầu. Tuy nhiên, phương án này được cho là quá tốn kém, lại hao phí tiền của đóng góp của Nhân dân cho công trình đang xây dựng, nên đã bị các nhà khoa học và nhà quản lý bác bỏ.
Đồng thuận một phương án
Phương án 3 được coi là khả thi và nhận được sự đồng thuận nhất đó là giữ nguyên vật liệu bê tông của tòa đại bái. Trên mái tòa đại bái phục hồi toàn bộ phần trang trí, đặc biệt tòa đại bái phải lợp mái ngói không được dùng mái fibro xi măng. Phần hậu cung làm hoàn toàn bằng vật liệu gỗ, một số cấu kiện có giá trị của công trình đã hạ giải đưa về hậu cung.

Theo các nhà khoa học, tu sửa, sửa chữa làm sao để thành ngôi đình theo kiến trúc truyền thống, trả lại không gian tương đối gần với di sản vốn có trước đó. Ngoài ra, các mảng chạm khắc có giá trị ở tòa đại bái, nên được bảo quản lưu giữ trưng bày tại di tích.

PGS.TS Phạm Mai Hùng bày tỏ quan điểm về các phương án tu bổ được đề xuất. Ảnh: Linh Anh

Hầu hết các nhà khoa học và các nhà quản lý đều đồng thuận với phương án 3. Nhưng KTS Lê Thành Vinh nhấn mạnh, đây chỉ là giải pháp cho vi phạm đã xảy ra, nhằm cứu đưa di sản trở về gần nhất với nguyên gốc, chứ không thể là phương án nhân rộng cho các công trình tu bổ di tích sau này.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan quản lý, Chủ tịch UBND xã Liên Xá cũng đồng ý với phương án 3. Phó Chủ tịch UBND huyện ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh cam đoan sau khi thống nhất lựa chọn phương án sửa chữa vi phạm sẽ chỉ đạo thực hiện từ xã đến thôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định.
Bài học không chỉ của riêng Hà Nội
Tại hội nghị, ông Phạm Tự đề xuất: “Hiện nay chúng tôi đang phải nuôi 20 thợ nằm chờ thi công công trình. Nếu không sớm được thi công lại, kinh phí xây dựng sẽ đội thêm”. Ngay từ đầu Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Minh Tiến bày tỏ, ngay từ khi hạ giải công trình, Ban Khánh tiết, Ban Xây dựng công trình đã đánh giá, nhìn nhận sai về công tác tu bổ tôn tạo di sản, việc thi công trở lại theo ý nguyện của địa phương là không thể thực hiện được khi chưa có ý kiến của UBND TP và các cơ quan chuyên ngành. Thực tế, nhiều công trình có cột gỗ đã mục rỗng, nhưng các nhà khoa học vẫn có phương pháp tái sử dụng để giữ nguyên giá trị gốc.
Hội nghị sáng 16/8 với mục đích tìm giải pháp cứu ngôi đình 300 tuổi, nên các đại biểu không đi sâu mổ xẻ vi phạm khi sự việc đã xảy ra. Cho dù, chính quyền địa phương ra sức giải thích đình Lương Xá đã qua nhiều lần trùng tu, nên giá trị 300 năm chỉ còn thể hiện ở các mảng chạm khắc, nhiều cấu kiện và yếu tố gốc đã thay đổi, nhưng PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, hành động phá hỏng hoàn toàn di tích lần này là vi phạm mà ông không hiểu nổi.

“Các quy định về thủ tục trùng tu tu bổ di tích Luật Di sản đã quy định rõ, các văn bản dưới luật có đầy đủ hướng dẫn thực hiện, mà tại sao cho thời điểm này ngay tại Thủ đô lại có vi phạm luật nghiêm trọng như việc ở đình Lương Xá. Sự việc là một bài học không chỉ của di sản Hà Nội mà của cả nước” – PGS.TS Phạm Mai Hùng bày tỏ.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-pham-trung-tu-di-san-tai-dinh-luong-xa-cuu-dinh-khi-su-da-roi-323270.html