Vi phạm xây dựng ở phố cổ vẫn tràn lan, ai phải chịu trách nhiệm?

Khu vực phố cổ nơi tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp. Nhiều công trình xây dựng trái phép tồn tại lâu năm khiến bộ mặt phố cổ bị biến dạng, gây bức xúc cho nhân dân.

Chủ tịch xã, phường phải chịu trách nhiệm?

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản gửi 8 sở của TP, Công an TP, Thanh tra TP, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.

Các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có thể bị tạm dừng điều hành cho đến khi xử lý xong vi phạm.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những vi phạm phát sinh mới và kết quả xử lý 197 công trình còn tồn đọng. Trường hợp cần thiết, các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có thể bị tạm dừng điều hành cho đến khi xử lý xong vi phạm.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo của thành phố dù quyết liệt là vậy, tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại hàng loạt công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch thủ đô, gây bức xúc trong nhân dân.

Những "cái mụn" về TTXD phá nát "bộ mặt" phố cổ

Phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử cấp Quốc gia, lâu nay vốn là niềm tự hào của người dân Thủ đô. Nhằm bảo vệ di tích lịch sử cấp Quốc gia này UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định về quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tại khu phố cổ để bảo vệ nhiều di sản quốc gia.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt công trình xây dựng sai phép, vượt phép tại nhiều tuyến phố thuộc quy hoạch phố cổ đang ồ ạt mọc lên “như nấm sau mưa” phá nát quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội. Kéo theo đó là những hệ lụy cảnh quan, môi trường du lịch thủ đô.

Hệ quả để lại là những công trình cao vút từ 5 đến 10 tầng hoặc thậm chí là cao hơn chen lẫn vào những công trình cổ kính.

Khảo sát dọc tuyến phố Hàng Bông (phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm) tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp. Mặc dù theo quy định quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, phường Hàng Bông chỉ được phép xây dựng từ 1 – 3 tầng nhà mặt phố, 2 – 4 tầng đối với lớp phía sau và mật độ xây dựng từ 60 – 70%. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại không khó để nhìn thấy những căn nhà cao từ 7 – 10 tầng, khác xa hoàn toàn so với những ngôi nhà cũ tại đây.

Phường Hàng Bông chỉ được phép xây dựng từ 1 – 3 tầng nhà mặt phố, 2 – 4 tầng đối với lớp phía sau và mật độ xây dựng từ 60 – 70%. Tuy nhiên tại phố Hàng Bông xuất hiện các công trình cao vút từ 5 đến 10 tầng hoặc thậm chí là cao hơn.

Điển hình, các công trình 151- 153, công trình 191, 205, 211 Hàng Bông cao từ 7 đến 10 tầng vẫn đang trong quá trình xây dựng. Cạnh đó là một công trình đồ sộ với 3 số nhà liên tiếp 195-197-199 Hàng Bông đã hoàn thiện và đi vào hoạt động làm khách sạn.

Tiếp tục khảo sát tại công trình 61 Hàng bè, phường Hàng Bạc, một khối công trình cao hơn 10 tầng nổi bật nhất tuyến phố vẫn đang tiếp tục thi công và hoàn thiện.

Tương tự, các con phố tại phường Hàng Buồm, khu vực bảo vệ tôn tạo cấp 1 của quy hoạch kiến trúc bảo tồn phố cổ. Trên hầu hết các tuyến phố đã xuất hiện những công trình cao tầng hiện đại nằm xen kẽ các khu nhà cổ kính. Điển hình, công trình 60 – 62 Đào Duy Từ, dù chỉ được cấp phép 4 tầng nhưng hiện nay cũng đã xây vượt tầng, thậm chí mật độ xây dựng cao gây lún nứt nhà lân cận.

Được biết, công trình trên đã từng bị đình chỉ và ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên hiện công trình vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và đưa vào sử dụng, không có dấu hiệu nào liên quan đến cưỡng chế và tháo dỡ.

Câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng trên cũng diễn ra khá phổ biến tại phường Cửa Đông, dù đã nhiều lần các cơ quan báo chí phản ánh về những sai phạm tại công trình số 24 Nguyễn Văn Tố, công trình số 33 Đường Thành. Tuy nhiên đến nay, các công trình này không bị xử lý và hiện nay công trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Điều đáng ngạc nhiên, mặc dù các công trình này nằm ở khu vực thuộc quy hoạch phố cổ và cách trụ sở UBND Phường Cửa Đông vài chục mét, nhưng dường như chính quyền và lực lượng chức năng nơi đây đang “bất lực”, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý để chủ đầu tư mặc nhiên mắc sai phạm.

Trên đây chỉ là một trong số rất ít những công trình khủng vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng có thể ngang nhiên tồn tại trong khu vực quy hoạch phố cổ. Những "cái mụn" về trật tự xây dựng này đã vô hình chung phá nát bộ mặt phố cổ mà bao năm nay nhà nước đang bỏ bao nhiêu công sức và tiền của để giữ gìn.

Thực tế, hàng loạt công trình xây dựng vượt phép, sai phép tại các tuyến phố thuộc quy hoạch phố cổ Hà Nội vẫn ồ ạt mọc lên, thách thức pháp luật. Vậy, trách nhiệm của Chủ tịch các phường, Đội Thanh tra Xây dựng, Phòng Quản lí Đô thị quận Hoàn Kiếm đến đâu?. Có hay không việc “bật đèn xanh”, bao che, tiếp tay cho sai phạm?.

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-pham-xay-dung-o-pho-co-van-tran-lan-ai-phai-chiu-trach-nhiem-post61948.html