Vì quyền lợi người tiêu dùng

Thời đại công nghệ số phát triển, hoạt động mua sắm hàng hóa diễn ra sôi động dưới nhiều hình thức, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phát triển đa dạng các hình thức sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra khó khăn, thách thức đối với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng trong việc quản lý, lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Lực lượng QLTT tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa dịp cuối năm.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật...

Bám sát các quy định của Luật và diễn biến thực tế của thị trường hàng hóa, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Qua đánh giá của Sở Công thương, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; tăng cường công tác bảo hành sản phẩm, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, tặng quà để tri ân khách hàng, kích cầu tiêu dùng.

Là một trong những đơn vị kinh doanh bán lẻ hàng đầu trên địa bàn tỉnh, siêu thị Go! Việt Trì đặc biệt quan tâm tới quyền, lợi ích của khách hàng. Chị Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Siêu thị cho biết: “Tất cả các loại hàng hóa kinh doanh tại Siêu thị đều truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chúng tôi thường xuyên kiểm tra hàng hóa khi nhập đầu vào và trong suốt quá trình lưu trữ, kinh doanh để bảo đảm chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng, từ đó xây dựng niềm tin, góp phần tăng giao dịch mua bán sản phẩm, dịch vụ tại Siêu thị”.

Phát huy vai trò, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Tổ chức chương trình bình ổn giá; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh có điều kiện và hàng giả; cung cấp thông tin, hướng dẫn, xử lý chống hàng giả, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng. Trong đó, chương trình bình ổn thị trường thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa không để khan hiếm cục bộ và duy trì giá cả ổn định vào các dịp nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Cùng đồng hành với ngành Công thương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt để đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 142 vụ, phát hiện, xử phạt hành chính 98 vụ gồm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, giá, đầu cơ găm hàng, VSATTP, kinh doanh và vi phạm khác với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 230 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước từ đầu năm đến nay gần 3,5 tỉ đồng.

Từ nay tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự báo nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao, do vậy nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với các lực lượng chức năng là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên; theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Riêng đối với hoạt động mua bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng cần chú trọng lựa chọn địa chỉ có uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như quyền lợi của bản thân trong mua sắm hàng hóa.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/vi-quyen-loi-nguoi-tieu-dung/202930.htm