Vì sao 2 bệnh viện tuyến cuối xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện?

Sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nguyên nhân triển khai thí điểm tự chủ toàn diện thất bại được chỉ ra là thiếu cơ chế và hành lang pháp lý.

Khó khăn khi triển khai tự chủ toàn diện

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, sau 2 năm triển khai, bệnh viện đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ toàn diện vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Bệnh viện đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP (theo nhóm 2) - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Ảnh: Văn Nam.

Nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong các yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của đề án tự chủ toàn diện. Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Nguyên nhân dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động bị đình trệ, chủ yếu tập trung chống dịch, nguồn thu sụt giảm 50%.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, về tự chủ tài chính, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm. Thêm vào đó, bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí dẫn đến thu không đủ bù chi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất, chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

GS.TS Lê Văn Quảng cho biết, đến tháng 9, Bệnh viện K đã đủ 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Bệnh viện đã họp và phân tích những ưu, nhược điểm, khó khăn, thách thức của việc tự chủ toàn diện. Hiện bệnh viện đã có văn bản báo cáo về quá trình 2 năm thực hiện tự chủ bệnh viện gửi Bộ Y tế xin chuyển sang hình thức tự chủ theo Nghị định 60.

Còn theo GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, Bệnh viện K cũng gặp những khó khăn về mọi mặt như: giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều.

Nghị quyết 33 cũng cho phép bệnh viện được đầu tư nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn vốn để đầu tư. Trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào.

Nếu không có dịch Covid-19, một năm bệnh viện tích lũy được khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng nếu mang số tiền này để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nhiều khi không đủ bởi các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư rất đắt tiền. Ví dụ một hệ thống máy xạ trị có giá khoảng 150 tỷ đồng/máy, các máy khác khoảng 40 - 50 tỷ đồng/máy.

"Trong khi đối với ngành Y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc phục vụ người bệnh. Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị chạy cho khoảng 50 - 70 người bệnh/ngày thì với số lượng người bệnh đang điều trị Bệnh viện K phải cần thêm 6 - 7 máy nữa mới đủ” - ông Quảng cho hay.

Thực hiện tự chủ toàn diện khi các thể chế pháp lý đầy đủ

Để thực hiện được tự chủ toàn diện, theo TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), thứ nhất, bệnh viện được tự chủ xác định quy mô bệnh viện theo yêu cầu chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực hay tự quyết định về chỉ tiêu nhân lực hoạt động và tự quyết định phát triển các chuyên ngành. Nhưng để thực hiện được các vấn đề này phải dựa vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

Thứ hai, bệnh viện tự chủ phải thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của Bộ Y tế và thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao, đặt hàng. Nhưng khi bệnh viện tự chủ, không có cơ chế tài chính nào Nhà nước sẽ chi tiền để cho bệnh viện thực hiện các nhiệm vụ trên.

Thứ ba, về tổ chức nhân sự cũng có các bất cập. Bệnh viện thành lập hội đồng quản lý (HĐQL) để ra quyết định cho ban giám đốc thực hiện, nhưng mối quan hệ giữa HĐQL và ban giám đốc bệnh viện, Đảng ủy bệnh viện cũng chưa được phân định rõ ràng. Vì vậy các quyết sách liên quan đến hoạt động bình thường của bệnh viện về nhân sự, đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, tiền lương, giá dịch vụ y tế chậm trễ hơn so với các bệnh viện khác.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Hà.

Thứ tư, là vướng mắc về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản. Do quy định đầu tư mua sắm chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng nên vấn đề đầu tư mua sắm các thuốc, vật tư y tế, các vấn đề tài sản gặp rất nhiều khó khăn ở cả bệnh viện tự chủ toàn diện như Bạch Mai và K lẫn các bệnh viện khác. Điều này dẫn đến tình trạng toàn tuyến y tế từ trung ương đến cấp xã, phường thiếu thiết bị y tế 73%, thiếu vật tư y tế 75%.

Thứ năm, đất đai, tài sản thuộc sở hữu nhà nước nhưng nếu thực hiện theo cơ chế tự chủ, bệnh viện phải đóng thuế sử dụng đất. Bệnh viện khó khăn về mặt tài chính lại phải trả tiền thuế đất, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Thứ sáu, là về tiền lương và giá dịch vụ y tế. Bệnh viện có quỹ tiền lương để chi trả theo doanh thu nhưng không có cơ chế nếu bệnh viện không đạt doanh thu đó, khi có thiên tai, dịch bệnh không có tiền, ai sẽ chi trả lương cho cán bộ công nhân viên. Ví như, Bệnh viện Bạch Mai báo cáo trong 2 năm 2020-2021 bị giảm nguồn thu 4.000 tỷ đồng, bệnh viện không đủ tiền trả lương cho hơn 4.000 nhân viên y tế, phải trích từ quỹ sự nghiệp và quỹ dự phòng để chi trả.

Thứ bảy, muốn tự chủ tài chính giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Nhưng hiện nay, Nhà nước chỉ cho phép áp dụng 4/7 yếu tố cấu thành giá. Bên cạnh đó, bệnh viện tự chủ được khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng giá bệnh viện quyết định theo khung giá do Bộ Y tế ban hành, nhưng bộ hơn 2 năm nay chưa ban hành./.

3 mục tiêu ban đầu đặt ra theo Nghị quyết 33 đều không đạt

TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, cơ chế tài chính, cơ chế pháp lý đều chưa rõ ràng, cụ thể, nên sau 2 năm tổ chức thí điểm, 3 mục tiêu ban đầu đặt ra theo Nghị quyết 33 đều không đạt. Vì vậy, nên dừng thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện. Tuy nhiên dừng lại không có nghĩa là chấm dứt việc xác lập và xây dựng mô hình bệnh viện tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ toàn diện khi các điều kiện đã chín muồi trong đó có các thể chế pháp lý đầy đủ.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vi-sao-2-benh-vien-tuyen-cuoi-xin-dung-thi-diem-tu-chu-toan-dien-111958.html