Vì sao 73 thành viên giáo phái ở Kenya tuyệt thực đến chết?

Kể từ tuần trước, lực lượng cảnh sát tại Kenya đã khai quật được 73 thi thể của những người được cho là chết đói tại một thị trấn ở vùng ven biển của quốc gia này.

Thi thể những người chết đói được tìm thấy tại làng Shakahola của Kenya. Ảnh: AP.

Theo Al Jazeera, tại trung tâm của "vụ thảm sát" này là mục sư Paul Mackenzie, một nhà truyền giáo nổi tiếng và gây tranh cãi tại nhà thờ quốc tế Good News.

Mackenzie được biết tới vì có hành vi "tẩy não" những tín đồ của mình, kêu gọi họ từ bỏ cuộc sống "trên thế gian" và tụ họp tại trang trại rộng 325 hecta của vị mục sư này tại làng Shakahola với mục đích tuyệt thực để "gặp Thượng đế".

Chuyện gì đã xảy ra?

Mackenzie, một nhà truyền giáo qua truyền hình, thành lập nhà thờ của mình tại thị trấn Malindi vào năm 2003. Kể từ đó, Mackenzie luôn có xung đột với chính quyền tại Kenya, những người cáo buộc nhà truyền giáo này yêu cầu trẻ em nghỉ học.

Vào năm 2019, Mackenzie đã đóng cửa nhà thờ và chuyển đến làng Shakahola cùng một số tín đồ của người này.

Mackenzie thường xuyên tuyên bố rằng bản thân có khả năng tiên tri và đã nhìn thấy sự xuất hiện của Chúa Jesus.

Nhà truyền giáo này đã yêu cầu tín đồ của mình bỏ việc, bỏ học dừng tiêu thụ "thức ăn trần tục" và không đi điều trị tại bệnh viện nếu bị ốm. Nhóm tín đồ này gặp mặt bên dưới một cái cây trong khoảng thời gian 9-17h để tiếp thu "những bài học cuộc sống".

Trả lời cảnh sát, Mackenzie cho biết đã nói với tín đồ rằng việc tuyệt thực sẽ chỉ có tác dụng nếu họ tụ tập cùng nhau tại trang trại của người này.

Các tín đồ không được giao tiếp với người từ "thế giới bên ngoài" nếu muốn lên thiên đường. Họ cũng được yêu cầu phải tiêu hủy những giấy tờ được chính phủ cấp như chứng minh thư và giấy khai sinh.

Quá trình tìm kiếm và giải cứu của chính phủ bắt đầu vào hôm 13/4 sau khi nhận được thông tin về 2 đứa trẻ bị bỏ đói và sát hại bởi bố mẹ chúng theo yêu cầu của Mackenzie trong các ngày 16-17/3.

Vào hôm 23/3, Mackenzie đã xuất hiện trước tòa và được bảo lãnh với khoảng tiền mặt 74 USD. Nhà truyền giáo này đã bị bắt giữ vào năm 2019 do có liên quan đến cái chết của một số đứa trẻ nhưng cũng được bảo lãnh sau đó.

Cuộc điều tra của cảnh sát đã dẫn lực lượng này đến làng Shakahola nơi họ phát hiện 16 người đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Bốn người trong số này đã qua đời trước khi đến bệnh viện.

Ít nhất 73 thi thể đã được khai quật kể từ khi quá trình tìm kiếm bắt đầu. Bên cạnh đó, có 27 người được giải cứu và đưa đến bệnh viện để điều trị tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Số thi thể được tìm thấy có thể tiếp tục tăng khi có khoảng 300 người sống tại trang trại của Mackenzie. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, 39 thành viên của giáo phái này vẫn đang mất tích. Số thi thể và người được giải cứu vẫn có thể tăng thêm khi những người dân địa phương cho biết có khoảng 300 người sống tại trang trại của Mackenzie.

Quá trình tìm kiếm vẫn đang được thực hiện, bao gồm việc phát hiện thi thể lẫn người sống sót. Một số người sau khi được giải cứu vẫn từ chối ăn uống. Những người này cho biết họ phải nhịn đói để tránh bị đầy đọa tại địa ngục.

Công chúng giận dữ

Tổng thống Kenya William Ruto vào hôm 24/4 cho biết nhà truyền giáo Mackenzie xứng đáng phải ngồi tù do "vụ việc tại làng Shakahola giống như hành vi khủng bố".

Những nhà lãnh đạo khác đã tới thăm hiện trường hoặc ra tuyên bố về vụ việc. Một số tuyên bố còn bày tỏ sự nghi ngờ đối với tình hình an ninh tại Kenya cũng như khả năng giám sát cộng đồng và thu thập tin tình báo của quốc gia châu Phi này.

"Làm thế nào mà một tội ác có tổ chức, được thực hiện trong thời gian dài có thể thoát khả năng thu thập, giám sát tin tình báo của chúng ta", bà Amason Kingi, người đứng đầu Thượng viện và cựu thống đốc hạt Kilifi nói trong tuyên bố.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Kithure Kindiki đã gọi sự việc là "một vụ thảm sát", cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo của giáo phái sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

"Mặc dù Kenya tôn trọng tự do tôn giáo. Hung thủ đứng sau những tội ác này phải bị trừng phạt thích đáng vì đã làm hại quá nhiều người vô tội. Ngoài ra, trong tương lai, chúng ta cần phải siết chặt quy định với các nhà thờ, đền thờ Hồi giáo và đền thờ Do thái", ông Kindiki khẳng định.

Mục sư Paul Mackenzie, người đứng đầu nhà thờ quốc tế Good News. Ảnh: UGC.

Các tổ chức xã hội và giới chức sắc tôn giáo đã lên án vụ việc, gọi đây là những hành động "cực đoan", lợi dụng người dân vô tội.

"Tôn giáo không thể là nguyên nhân khiến mọi người mất mạng bởi niềm tin rằng họ chỉ có thể được Thượng đế ban phước nếu có những hành động cực đoan", Anthony Muheria, giám mục giáo phận Công giáo Nyeri ở miền Trung Kenya, cho biết.

Mục sư Mackenzie một lần nữa ra đầu hàng cảnh sát vào hôm 14/4 và đang bị giam giữ trong khi việc điều tra diễn ra. Vị mục sư này đã tuyệt thực trong quá trình giam giữ và từ chối nói nói chuyện với cảnh sát trong những ngày qua.

"Tôi cảm thấy bàng hoàng về những cáo buộc nhằm vào mình. Tôi đã đóng cửa nhà thờ quốc tế Good News vào tháng 8/2019 và mọi người cần phải chấp nhận điều này. Tôi thậm chí còn bán hết thiết bị và đồ nội thất của nhà thờ", Mackenzie phát biểu sau khi được bảo lãnh vào tháng 3.

"Nếu một người muốn bày tỏ lòng thành kính cùng tôi thì họ nên tự làm điều đó thay vì lấy tôi làm người đại diện cho đức tin của họ. Hãy đi theo Thượng đế, đừng đi theo mục sư Mackenzie", nhà truyền giáo này bổ sung.

"Tôi chỉ nói ra một lời tiên tri và mỗi người có cách tiếp thu khác nhau. Tôi truyền giáo nhưng không ép buộc ai phải tin vào những điều tôi nói", Mackenzie cho hay.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-73-thanh-vien-giao-phai-o-kenya-tuyet-thuc-den-chet-post1425675.html