Vì sao Ấn Độ cần mua gấp máy bay chiến đấu Nga?

Các máy bay 'Rafale' của Pháp làm các tướng lĩnh New Delhi thất vọng

Trong ảnh: Máy bay chiến đấu MiG-29 (Ảnh: Alexander Ryumin / TASS)

Trong ảnh: Máy bay chiến đấu MiG-29 (Ảnh: Alexander Ryumin / TASS)

Gần đây, báo chí Ấn Độ còn lớn tiếng khẳng định rằng máy bay Nga là vô giá trị nhưng sau khi xảy ra cuộc xung đột vũ lực với Trung Quốc họ đã bắt đầu tỉnh ra.

Lực lượng Không quân Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ với lời đề nghị phải khẩn trương chữa cháy, mua ngay lập tức 33 máy bay chiến đấu bao gồm 12 chiếc Su-30MKI mới chế tạo và 21 chiếc MiG-29 hiện có trong Bộ Quốc phòng Nga.

Theo nguồn của ANI, một hãng tin của chính phủ Ấn Độ, cho biết: “Không quân Ấn Độ đã lên kế hoạch này trước đây một thời gian, nhưng bây giờ họ muốn thúc đẩy nhanh quá trình này. Đề xuất sẽ được đệ trình lên Bộ Quốc phòng Ấn Độ để phê duyệt lần cuối vào tuần tới”. Số lượng hàng mua vào khoảng 800 triệu đô la.

Su-30MKI là máy bay chiến đấu của công ty “Sukhoi” được thiết kế cho Ấn Độ. Việc lắp ráp các bộ phận của máy bay được phía Nga nhượng quyền cho các nhà máy của Liên hiệp chế tạo máy bay Ấn Độ HAL.

Tổng cộng, Ấn Độ đã có 272 máy bay Su-30MKI. 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKI mà Không quân Ấn Độ có ý định đặt mua là để bù đắp vào những tổn thất của loại máy bay này trong quá trình hoạt động.

Còn đối với MiG-29 đang hiện diện ở Bộ Quốc phòng Nga được lên kế hoạch theo một hợp đồng riêng nhằm hiện đại hóa lên cấp độ của MiG-29UPG - một phiên bản được phát triển đặc biệt cho Ấn Độ, bao gồm một số yếu tố cho máy bay thuộc trước "thế hệ thứ năm" như:

Buồng lái bằng kính, chỉ định mục tiêu gắn trên mũ, hệ thống radar có lưới ăng-ten hoạt động theo từng giai đoạn. Kế hoạch là sẽ tổ chức một phi đội mới trong Không quân Ấn Độ, bổ sung cho 3 phi đội đang sử dụng loại máy bay chiến đấu này.

Nghĩa là, chỉ khi có mối đe dọa thực sự về nguy cơ mất một phần lãnh thổ của mình, Ấn Độ mới thấy cần phải chiến đấu không phải bằng những chiếc “Rafale” của Pháp, mỗi chiếc có giá hơn 200 triệu euro, mà bằng những chiếc máy bay của Nga.

Vào cuối năm ngoái, tờ Thời báo Kinh tế Ấn Độ đã viết rằng các máy bay chiến đấu “Rafale” của Pháp vượt trội đáng kể so với Su-30MKI của Nga về khả năng chiến đấu.

Và họ đã đưa ra số liệu thống kê kiểu như: Để chặn được một chiếc F-16 Fighting Falcon của Pakistan cần phải có hai chiếc Su-30MKI của Ấn Độ, trong khi để đánh chặn một chiếc “Rafale” cần phải có hai chiếc F-16 Fighting Falcon.

Tuy nhiên, những thống kê đó không phải người ta tự bịa ra mà đó là số liệu thống kê thực tế về các trận chiến huấn luyện xảy ra định kỳ giữa các phi công Mỹ và Ấn Độ khi thì ở Ấn Độ, khi thì ở Hoa Kỳ.

Đồng thời, người Mỹ sử dụng vào các trận chiến thử nghiệm những máy bay F-16 và F-15 đời mới nhất, còn Ấn Độ thì sử dụng Su-30MKI. Tuy vậy, chiến thắng theo kết quả các cuộc đọ sức luôn thuộc về Su-30MKI. Với số điểm khác nhau trong những năm khác nhau, lợi thế luôn đứng về phía Ấn Độ.

Hợp đồng mua 36 máy bay “Rafale” của Pháp được ký kết vào năm 2016, mặc dù Ấn Độ đã chuyển một số tiền khổng lồ 7,9 tỷ euro cho số máy bay trên nhưng việc cung cấp đầy đủ số máy bay chiến đấu này chỉ sẽ được hoàn thành vào tháng 4 năm 2022.

Lô 4 chiếc máy bay đầu tiên dự kiến sẽ bàn giao cho Ấn Độ vào tháng Tư năm nay. Tuy nhiên do đại dịch coronavirus nên thời hạn phải lui lại khoảng 3 tháng. Nhưng, với sự gia tăng tỷ lệ người bị nhiễm Covid ở Ấn Độ, một sự trì hoãn mới lại sẽ diễn ra. Ấn Độ hiện đang đứng sau lưng Nga, xếp thứ ba trong bảng xếp hạng đại dịch toàn cầu.

Và trong một tình huống khó khăn như vậy, Ấn Độ bỗng nhớ về những chiếc máy bay Nga, những chiếc máy bay mà mới đây họ còn lớn tiếng chê bai.

Một điều khá dễ hiểu là 36 chiếc “Rafale”, ngay cả khi chúng đã được các phi công Ấn Độ tiếp nhận và làm chủ cũng sẽ không thể xoay sở được trong những trận chiến với máy bay Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc đã có máy bay chiến đấu J-20 thế hệ thứ năm với vũ khí tên lửa rất tốt.

Vì vậy, tình huống đối đầu với Pakistan, được tờ báo The Economic Times xem xét, đã biến thành một cuộc đối đầu với một đối thủ còn đáng gờm hơn.

Lẽ ra Ấn Độ đã có thể có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Trong một thời gian dài, từ thập kỷ trước, khi tham gia vào liên doanh Nga-Ấn, lẽ ra Ấn Độ đã có thể tham gia vào việc phát triển phiên bản Ấn Độ của Khu liên hợp hàng không Front-End (PAC FA).

Tuy nhiên, suốt trong một thời gian dài, Ấn Độ đã gần như không có đóng góp gì cho sự nghiệp chung để tăng khả năng phòng thủ của mình.

Và khi tất cả các thời hạn đã bị phá vỡ, Ấn Độ đột nhiên tuyên bố rằng họ không hài lòng với dự án này, rằng máy bay này thậm chí không thể gọi là thế hệ thứ năm. Ấn Độ còn chê loại máy bay mới này không có khả năng tàng hình, động cơ yếu và hệ thống điện tử không hoàn hảo và họ rời khỏi dự án.

Quả thật, Ấn Độ đã có những tuyên bố rằng giá như kết quả tăng lên gấp ba lần mà phía Nga đã đạt được trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu hiện được gọi là Su-57, thì họ đã có thể mua một lô máy bay này.

Cần phải nói rằng ý đồ chê bai việc Nga phát triển máy bay mới đã được thực hiện với hy vọng rằng có thể giảm giá – nghĩa là chỉ phải đầu tư ít tiền hơn vào dự án chung theo hợp đồng. Tuy nhiên, ý đồ đó thất bại, Nga không nhượng bộ về tài chính và kết quả là Ấn Độ tự mình trừng phạt mình.

Vào dịp mùa xuân và đầu hè 2020, bốn cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra trong khu vực tranh chấp lãnh thổ ở Thung lũng Havlan thuộc dãy Himalaya.

Cuộc đụng độ cuối cùng, trong đó mỗi bên có 250 người tham gia, biến thành một vụ thảm sát thực sự, trong đó 20 người Ấn Độ và 43 người Trung Quốc đã thiệt mạng mặc dù có một thực tế là, theo thỏa thuận năm 1962, không có loại súng ống nào được sử dụng - họ đã chiến đấu bằng gậy gộc và đá.

Bình luận về tình hình này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: "Đất nước (Ấn Độ) đã có được những khả năng để không ai dám xâm phạm dù chỉ là một tấc đất của chúng ta".

Đồng thời, Ấn Độ cũng đã đưa trực thăng tấn công Apache mang tên lửa không đối đất vào khu vực xung đột. Các biện pháp đối phó của Trung Quốc ra sao hiện chưa được rõ.

Cần phải nói thêm rằng, ngài Modi đánh giá quá cao khả năng của Ấn Độ trong cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực tranh chấp này, nơi không quân có thể được coi là lực lượng tấn công chính.

Không quân Trung Quốc chắc chắn mạnh hơn, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong Không quân Trung Quốc có 1.150 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tấn công đang được vận hành.

Đó là chưa kể đến 520 bản sao của máy bay chiến đấu MiG-21 lỗi thời của Liên Xô. Ấn Độ chỉ có 533 máy bay thường trực và con số này bao gồm 150 chiếc MiG-21.

Còn nói về chất lượng thì có đến một nửa số máy bay của Ấn Độ là Su-30MKI hiện đại và hiệu quả. Và 60 chiếc MiG-29 như đã được đề cập ở trên. Những máy bay còn lại thì hoặc là đã lỗi thời hoặc do sự phát triển yếu của Ấn Độ.

Trung Quốc có một dàn máy bay hiện đại đa dạng hơn bao gồm Su-35 và Su-30 gồm 3 sửa đổi, và Su-27, cũng như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20. Ngoài ra, còn có những phát triển riêng của Trung Quốc cũng khá tốt.

Như vậy chúng ta có thể thấy, Ấn Độ có những khả năng tốt nhưng không phải là trong các trận chiến trên không, mà chỉ là những khi có những vụ va chạm xảy ra với sự trợ giúp của gậy gộc và gạch đá.

Tất Thịnh (Theo “Svobodnaia pressa”)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vi-sao-an-do-can-mua-gap-may-bay-chien-dau-nga-3409381/