Vì sao Ấn Độ khó trở thành Trung Quốc thứ hai?

Nhiều người đang đặt câu hỏi rằng hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc, liệu hai thập kỷ tiếp theo có phải là câu chuyện về Ấn Độ hay không?...

Chỉ hơn 30% nữ giới trong độ tuổi làm việc của Ấn Độ đang tham gia lực lượng lao động - Ảnh: Getty Images

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt khủng hoảng, Ấn Độ trở thành điểm đến nổi lên trong tầm ngắm của các nhà đầu tư và nhà sản xuất toàn cầu.

Nhiều người đang đặt câu hỏi rằng hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc, liệu hai thập kỷ tiếp theo có phải là câu chuyện về Ấn Độ hay không?

Theo tờ báo Wall Street Journal, có một số lý do để lạc quan về điều này. Năm ngoái, dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc và hơn 50% dân số của quốc gia Nam Á là người dưới 25 tuổi. Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Ấn Độ có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng chưa đầy một thập kỷ tới. Chỉ mới gần đây, nước này đã vượt qua Anh để giữ vị trí thứ 5. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ vừa trải qua năm thứ 8 tăng trưởng liên tiếp. Đây cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi.

Tuy nhiên, con đường của Ấn Độ được đánh giá sẽ rất khác và nhiều chông gai hơn so với những gì Trung Quốc đã trải qua.

KHÓ "CẤT CÁNH" VÌ LOẠT RÀO CẢN

Dù sở hữu nguồn lao động dồi dào, ở Ấn Độ vẫn tồn tại nhiều rào cản trong việc kết nối người lao động và chủ doanh nghiệp. Việc này khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình không thể tích lũy lượng tiền cần thiết để đón đầu làn sóng đầu tư tương tự làn sóng từng giúp những “con rồng châu Á” khác như Đài Loan và Hàn Quốc thoát nghèo.

Một vấn đề khác là những rào cản tương đối lớn với hoạt động thương mại, đặc biệt là khi Ấn Độ muốn trở thành một trung tâm lắp ráp điện tử như Trung Quốc.

Trên thực tế, loạt rào cản trên không có nghĩa là những thành tựu gần đây của Ấn Độ kém ấn tượng. Các công ty lắp ráp điện tử lớn như Foxconn và Pegatron đã rót hàng trăm triệu USD vào nước này. Thị phần xuất khẩu toàn cầu của quốc gia tỷ dân cũng tăng lên đáng kể.

Về nhân khẩu học, Ấn Độ khá giống Trung Quốc khi dân số bắt đầu tăng mạnh từ những năm 1990. Theo dự báo của Liên hợp quốc (UN), tới năm 2030, gần 20% dân số trong độ tuổi 15-64 trên thế giới sẽ là người Ấn Độ. Tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ – một thước đo gánh nặng chăm sóc trẻ em và người già của lực lượng lao động – đã giảm từ mức 82 vào năm 1967 xuống 47 vào năm 2022, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Tỷ lệ phụ thuộc thấp giúp tăng tiết kiệm và đầu tư bởi lực lượng lao động dồi dào giúp các doanh nghiệp kiểm soát chi phí nhân công, còn các hộ gia đình có thu nhập dư thừa để đầu tư thay vì chi tiêu cho con cái hoặc cha mẹ già.

Dù sở hữu nguồn lao động dồi dào, ở Ấn Độ vẫn tồn tại nhiều rào cản trong việc kết nối người lao động và chủ doanh nghiệp - Ảnh: WSJ

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là nữ giới Ấn Độ gặp khó khăn khi tham gia lực lượng lao động. Theo số liệu từ Bộ Lao động và Việc làm Ấn Độ, trong năm tài khóa 2022, chỉ hơn 30% nữ giới trong độ tuổi làm việc của nước này đang tham gia lực lượng lao động. Dù con số này đã tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2018 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân của các nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới (khoảng 50%) và thấp hơn nhiều với Trung Quốc (71%). Hơn nữa, phần lớn sự tăng trưởng này là ở khu vực nông thôn và không giúp ích nhiều cho các nhà máy đang “khát lao động” ở thành thị.

Nguyên nhân có thể là các khoản trợ cấp khổng lồ của Chính phủ cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, lao động nữ Ấn Độ cũng ít chấp nhận sống và làm việc xa nhà hơn. Trong khi ở Trung Quốc, nhiều lao động nữ sống ở ký túc xá của doanh nghiệp. Theo một khảo sát của Chính phủ Ấn Độ năm ngoái, 45% lao động nữ được hỏi cho biết việc chăm sóc con cái và làm việc nhà khiến họ không thể đi làm.

Một vấn đề khác nữa là lập trường thương mại, đặc biệt là các biện pháp bảo hộ nhằm làm hài lòng người dân. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ấn Độ là một trong những quốc gia áp đặt thuế nhập khẩu cao nhất thế giới năm 2022, với mức thuế dành cho các nước Tối huệ quốc (MFN) là 18,1%. Trong khi đó, thuế suất tương tự của Trung Quốc là 7,5%, của Liên minh châu Âu (EU) là 5,1%, còn của Mỹ là 3,3%.

Tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN) là một nguyên tắc cơ bản của Hiệp định chung về Mậu dịch và Thuế quan (GATT), trong đó yêu cầu các bên tham gia trong quan hệ kinh tế - thương mại phải dành cho nhau những điều kiện ưu đãi không kém hơn những điều kiện ưu đãi mà mình dành cho những nước khác.

Thuế nhập khẩu cao có thể gây khó khăn cho những nhà sản xuất Ấn Độ phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.

BÀI TOÁN FDI

Những năm gần đây, Ấn Độ đầu tư mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó mạng lưới giao thông lạc hậu đã được cải thiện đáng kể. Theo dữ liệu từ công ty Macquarie, tốc độ bình quân của các tàu hỏa chở hàng ở nước này đã tăng hơn 50% trong vòng hai năm qua, trong khi đó thời gian chờ tại các cảng biển đã giảm 80% so với năm 2015. Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ đang gánh khối nợ lớn, quốc gia Nam Á khó có thể tiếp tục đầu tư hạ tầng nếu nguồn thu thuế không tăng lên.

Nợ công của Ấn Độ hiện tương đương khoảng 85% GDP, cao thứ hai sau Brazil trong số các nền kinh tế mới nổi lớn. Đầu tư hạ tầng của của Chính phủ Ấn Độ được dự báo sẽ tăng lên khoảng 3,3% GDP vào cuối năm tài chính 2024, mức cao nhất trong gần hai thập kỷ. Để duy trì mức đầu tư cơ sở hạ tầng như trên đòi hỏi thu ngân sách từ thuế phải tăng lên, còn trợ cấp giảm đi hoặc có sự tham gia lớn hơn của khu vực tư nhân.

Tất cả những điều trên buộc Ấn Độ phải làm mọi thứ để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Nước này cần đầu tư nước ngoài để đẩy tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong GDP tăng lên mức mục tiêu 25%, từ mức dưới 15% suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, hiện tại, những tín hiệu để quốc gia Nam Á đạt được mục tiêu này vẫn chưa rõ ràng. Sau khi lập kỷ lục năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ lại giảm trong hai năm 2022 và 2023. Nguyên nhân là sự đi xuống của ngành công nghệ toàn cầu mà trong đó Ấn Độ đóng một phần quan trọng, cũng như làn sóng rút vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu.

Theo ngân hàng HSBC, FDI vào các mảng như sản xuất máy tính vốn đóng góp khoảng 0,5% GDP của Ấn Độ, đã giảm rõ rệt. Đây là điều đáng lo ngại bởi nước này đang rất cần việc làm liên quan tới lắp ráp. Các gã khổng lồ như Foxconn dù đang đầu tư lớn nhưng cũng phải đối mặt với luật lao động thiếu linh hoạt cùng nhiều vấn đề khác ở quốc gia này.

Ít nhất ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn là một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiêu dùng và dịch vụ. Nếu không thể thúc đẩy mạnh FDI vào lĩnh vực sản xuất, nước này có thể gặp trở ngại lớn để theo kịp quỹ đạo cất cánh như Trung Quốc trước đây.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-an-do-kho-tro-thanh-trung-quoc-thu-hai.htm