Vì sao ăn dứa có thể say?

Dứa là trái cây được nhiều người yêu thích, có tác dụng phòng bệnh tim mạch nhưng nó vẫn có thể gây dị ứng, ngộ độc.

Cấp cứu vì miếng dứa

Anh Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) chia sẻ tháng trước hai vợ chồng anh vào miền Nam chơi. Sau khi ăn trưa xong, mọi người bắt đầu mua dứa tráng miệng. Kết quả, 5 người chỉ có anh Kiên và em gái anh ăn dứa, 30 phút sau thì nôn ói, đau bụng… Khi vào cơ sở y tế cấp bác sĩ cho biết ngộ độc dứa.

Bà Nguyễn Thị Cảnh (Hưng Hà, Thái Bình), cho biết kinh nghiệm ăn dứa từ xa xưa đó là khi gọt xong dứa giữ vỏ lại để nếu đau bụng, say dứa thì nấu nước vỏ dứa lên uống. Có một lần, con trai bà Cảnh bị ngộ độc dứa đau bụng, buồn nôn và bà cũng lấy ngay vỏ dứa đó nấu nước để con uống là hết.

Theo bác sĩ Hoàng Sầm - Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, dứa có rất nhiều tác dụng với sức khỏe con ngoài. Dứa là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong dứa có axit phenolic có tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư và chống viêm.

Trong khi đó, flavonoid không chỉ có tác dụng tương tự mà còn có tác dụng bảo vệ và chữa bệnh tim mạch.

Ăn dứa tốt nhưng có thể gây dị ứng, ngộ độc.

Ngoài ra, dứa là một loại trái cây ngon ngọt và tươi mát có thể giúp cung cấp nước và chất dinh dưỡng độc đáo như bromelain. Bromelain là một nhóm các enzym trong quả và thân dứa có tác dụng phân hủy protein. Lượng calo trong dứa ngang bằng với các loại trái cây khác. Ngoài ra dứa có rất nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe.

Vì sao ngộ độc?

Tuy nhiên, dứa có thể gây ra phản ứng bất lợi cho một số người. Phản ứng của cơ thể bao gồm kích ứng (bỏng hoặc đau) trong miệng do hàm lượng bromelain của dứa và độ pH có tính axit; hội chứng dị ứng miệng như cảm giác ngứa hoặc sưng; và trong một số trường hợp hiếm hoi, sốc phản vệ thở khò khè hoặc không thở được.

BS Sầm cho biết say dứa hay tình trạng ngộ độc dứa là do dị ứng với nấm Candida trepicalis nằm ở những mắt của quả dứa nhất là dứa dập nát. Triệu chứng chính của người ngộ độc dứa như nôn ói, ỉa chảy, ngứa, nổi mề đay, có trường hợp khó thở như ho hen co quắp phế quản. Trạng thái sốc người bệnh da lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ.

Với người bênh ngộ độc dứa bác sĩ Sầm cho biết đến cơ sở y tế xác định ngộ độc dứa bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch theo tình trạng mất nước do nôn mửa và ỉa chảy nhưng cần lưu ý trụy mạch còn do sốc dị ứng, có khi không mất nước mà vẫn trụy mạch. Nếu cần, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương để truyền dịch. Điều trị sốc dị ứng theo phác đồ của Bộ Y tế.

Theo kinh nghiệm dân gian khi chớm bị dị ứng thì phải tránh nước, gió lạnh mà phải ủ ấm và lấy khăn vải hơ nóng mà chườm lên chỗ mẩn ngứa, đồng thời cho uống nước sắc gồm vỏ trái dứa 100g với 20g cam thảo hoặc mộc nhĩ trong 3 bát nước (600ml) còn 1 bát (200ml).

Để phòng ngộ độc dứa, khi mua dứa chỉ nên chọn trái tươi, còn nguyên vẹn, không dập nát, ủng thối. Gọt mắt sâu cho hết và ăn ngay. Không nên ăn nhiều một lúc gây rát lưỡi, nên ăn lúc no để tránh cảm giác cồn cào ruột gan.

Người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa.

Để tránh dị ứng, sau khi gọt vỏ dứa xong hãy cắt thành từng miếng rồi cho vào nước muối nhạt ngâm trong khoảng 10 phút, men phân giải protein sẽ bị ức chế trong nước muối.

Trẻ em khi ăn dứa lần đầu nên ăn với số lượng ít và được bố mẹ theo dõi sát các dấu hiệu dị ứng ở trên.

Những người dị ứng dứa không ăn dứa chưa qua chế biến. Nếu nấu chín kỹ bromelain biến tính có thể ăn được mà không có triệu chứng. Khi bị dị ứng nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu nghi ngờ sốc phản vệ phải được tiêm adrenalin ngay lập tức theo hướng dẫn của bộ y tế.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tac-dung-cua-qua-dua-vi-sao-an-dua-co-the-say-410910.html