Vì sao an táng cụ Minh Hồ ở Phú Thọ chứ không phải Mai Dịch?

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học khẳng định 'UBND TP Hà Nội không có cán bộ nào lại làm trái quyết định của Trung ương' về nơi an táng người đã hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Chiều 14/11, tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, thông tin về lễ tang của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng trong Tuần lễ Vàng năm 1945), ông Phạm Thanh Học – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đến chiều tối qua mọi việc đã xong.

Ông Học cho hay, theo quy định chung cụ Minh Hồ là người có công, cụ hoàn toàn có đủ điều kiện tiêu chí đưa về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Trung ương có quyết định về việc này, thậm chí đã có cả ô mộ số 20 tại nghĩa trang Mai Dịch dành cho cụ.

Nói về quá trình bàn thảo của gia đình với UBND TP về việc tổ chức lễ tang cho cụ, ông Học cho biết: Cụ sinh được 7 người con, 5 con trai và 2 con gái. Trong quá trình gia đình đến họp với thành phố (một cuộc do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì, những cuộc khác do Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì) các con của cụ có ý kiến trái chiều nhau. Theo đó, 5 người muốn đưa cụ về Phú Thọ, 2 người còn lại muốn đưa cụ về nghĩa trang Mai Dịch.

Trước tình thế này, UBND TP đề nghị làm việc với đại diện gia đình. Gia đình cũng đã cử ra con trai trưởng làm người đại diện đến làm việc với Ủy ban và thống nhất cách thức tổ chức tang lễ cho cụ.

Trả lời câu hỏi tại sao Trung ương quyết định đưa cụ về Mai Dịch nhưng lại đưa đi Phú Thọ, phải chăng Hà Nội “cãi lệnh” Trung ương, ông Học nhấn mạnh: “UBND TP Hà Nội không có cán bộ nào lại làm trái quyết định của Trung ương. Hà Nội đã làm rất nghiêm túc việc này. Tuy nhiên, việc các cụ khi mất còn có di chúc, di nguyện của các cụ và con cháu. Căn cứ vào ý nguyện của cụ và của gia đình cho nên cuối cùng quyết định đưa cụ về nghĩa trang ở Phú Thọ.”

Ông Học cũng thông tin thêm: “Trong số 7 người con có một người có vài ý kiến, thậm chí tại ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu ông có làm bức trướng căng từ tầng ba thả xuống có nói một vài việc. Thứ nhất cảm ơn Đảng Nhà nước. Ý thứ hai ông có nói đưa cụ về Phú Thọ là trái với quyết định của Ban Bí thư. Nhưng vì gia đình có những ý kiến không đồng nhất nên buộc UBND TP Hà Nội phải có báo cáo gửi lên Trung ương xin cho ý kiến, thể theo nguyện vọng của cụ và số đông con cháu”.

“Có thể trong nội tình gia đình anh em có những cái không thống nhất. Thì thôi đó là chuyện gia đình, nhất là đối với người đã khuất, nhất là với người có công như cụ. Từ nay anh em báo chí còn viết về cụ thì chỉ nên viết về những cái tốt đẹp, những hành động tốt đẹp của cụ và gia đình đối với đất nước với dân tộc. Bởi ngay cả đến khi cụ mất tiền phúng viếng vẫn được làm những việc nhân nghĩa”- ông Học chia sẻ.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề liên quan đến căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu của gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn chưa được hoàn thiện về mặt pháp lý, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và cũng liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, “thời gian tới, sau khi anh em trong gia đình cụ Hồ thống nhất với nhau, thành phố sẽ tiếp tục giải quyết”.

UBND TP Hà Nội cũng đang đề nghị đặt tên ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) – (chồng của cụ Hoàng Thị Minh Hồ) cho một phố thuộc quận Cầu Giấy. Con phố dự kiến mang tên Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, đoạn từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng một vai trò quan trọng.

Theo lời kể của bà, toàn bộ tài sản gia đình có được đều nhờ tiệm vải Phúc Lợi. Tiệm không chỉ phục vụ người Việt mà còn giao thương khắp khu vực Đông Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ấn Độ... Mùa thu năm 1945, hưởng ứng Tuần lễ vàng, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-an-tang-cu-minh-ho-o-phu-tho-chu-khong-phai-mai-dich-post244582.info