Vì sao APEC không ra được tuyên bố chung?

Lần đầu tiên trong lịch sử 29 năm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo 21 nền kinh tế không đạt được tuyên bố chung trong bối cảnh bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về những nguyên tắc thương mại toàn cầu vẫn chưa được thu hẹp.

Lãnh đạo 21 nền kinh tế tham gia Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26. (Ảnh: TTXVN)

Điều đáng nói là ngay cả khi Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26 tại Papua New Guinea đã khép lại từ cuối tuần qua, thì cuộc tranh cãi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho bên còn lại là nguyên nhân khiến bản tuyên bố chung không được đưa ra.

Trong một tuyên bố vừa được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, việc áp đặt chủ nghĩa bảo hộ và những lập trường đơn phương là nguyên nhân chính dẫn tới việc lãnh đạo 21 nền kinh tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26 tại Papua New Guinea không ra được tuyên bố chung.

Trong tuyên bố của mình, ông Vương Nghị chỉ ra rằng, việc lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc mà không ra tuyên bố chung không phải là “một điều tình cờ”. Quan chức này cho biết, nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do một số nền kinh tế trong APEC đã nhấn mạnh vào việc áp đặt luận điểm riêng của họ lên các bên khác, cũng như không chấp nhận những sửa đổi phù hợp do Trung Quốc và các bên khác đề xuất.

Ông Vương Nghị cho rằng, hành vi này không chỉ khiến Trung Quốc và một số nền kinh tế khác không hài lòng, mà còn không phù hợp với nguyên tắc đồng thuận giữa các thành viên APEC. Đại diện ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, việc đưa ra quyết định dựa trên sự nhất trí chung chính là giá trị và nguyên tắc cơ bản của APEC. Đây cũng là lợi ích chung của tất cả các bên liên quan và không thể bị chối bỏ.

Dù chỉ ra một số điểm hạn chế trong Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, song ông Vương Nghị cho rằng, nhìn chung, sự kiện này đã diễn ra thành công. Nhân sự kiện này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất giải pháp của Trung Quốc nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu và nhận được sự hưởng ứng đông đảo lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Naeuert lại đưa ra tuyên bố được coi là “nhằm vào” Trung Quốc. Theo tuyên bố, Mỹ “hoàn toàn sẵn sàng đồng thuận về dự thảo tuyên bố của APEC, nhất trí thúc đẩy thương mại tự do và công bằng”. “Thật không may là không phải tất cả các nền kinh tế đều ủng hộ lập trường này” – tuyên bố của bà Naeuert nêu rõ.

Một quan chức cao cấp khác của Mỹ cho biết, nguyên nhân của căng thẳng giữa nước này và Trung Quốc bắt nguồn từ một câu trong dự thảo tuyên bố chung: “Chúng ta đồng thuận chống lại chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả các biện pháp mậu dịch không công bằng”. Theo quan chức trên thì phía Trung Quốc đã không đồng ý với ngôn từ được sử dụng vì cho là nhằm ám chỉ các biện pháp thương mại của nước này, trong khi 20 nền kinh tế khác đều ủng hộ bản dự thảo tuyên bố chung.

Thủ tướng Papua New Guinea - ông Peter O’Neill phát biểu tại cuộc họp báosau khi Hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc. (Ảnh: Xinhua)

Đối với nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill cho rằng, các vấn đề liên quan tới lập trường khác biệt của Bắc Kinh và Washington về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cản trở các bên đưa ra một tuyên bố chung. “APEC không có hiến chương về WTO. Đây là một thực tế… Các vấn đề này có thể được đưa ra tại WTO”. Và thay vì đưa ra một tuyên bố chung dựa trên sự đồng thuận từ phía tất cả các đại biểu tham dự, cuộc gặp APEC năm nay sẽ đưa ra tuyên bố chủ tịch vào thời gian sau đó.

Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị APEC, trước câu hỏi về việc 21 lãnh đạo nền kinh tế tham dự đã không thể ra tuyên bố chung, ông O’Neill chỉ đưa ra câu trả lời ngắn gọn rằng: “Như các bạn đã biết thì đã có tới 2 người khổng lồ trong phòng họp”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thừa nhận, việc chưa đạt được đồng thuận trong một số vấn đề cụ thể về thương mại đã cản trở các bên đưa ra bản tuyên bố chung.

Theo một số nhà bình luận, sự căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa diễn ra ở Papua New Guinea báo trước những khó khăn mà Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt khi gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina vào cuối tháng này. Có ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/vi-sao-apec-khong-ra-duoc-tuyen-bo-chung-505664.html