Vì sao Bác Hồ nhiều lần sửa Di chúc?

Trong 4 năm, Bác sửa Di chúc nhiều lần, có những lần chỉ sửa một chữ bởi Người ý thức đây là văn kiện rất quan trọng. Việc sửa cũng cho thấy tư duy của Bác luôn theo kịp thời đại.

Nói về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nhìn nhận văn bản cho thấy Bác Hồ là lãnh tụ có tầm nhìn vượt thời đại. Những gì Bác viết trong Di chúc cách đây 50 năm đúng, bây giờ đúng và có thể thời gian dài về sau nữa vẫn đúng.

Zing.vn ghi lại góc nhìn của nhà sử học Dương Trung Quốc về giá trị khoa học cũng như thực tiễn của bản Di chúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu.

"Mấy lời để lại" mộc mạc nhưng giá trị lớn lao

Di chúc của Bác Hồ được Người gọi đơn giản chỉ là “mấy lời để lại”, đó cũng là mong ước, hy vọng của Bác Hồ vào những thế hệ kế cận.

“Mấy lời để lại” tưởng chừng rất bình thường bởi mỗi người đều có thể có di chúc để lại cho con cháu của mình nhưng với một nhà chính trị, một nguyên thủ quốc gia thì không phải nhiều.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị di chúc từ rất sớm. Bác ý thức được cuộc sống con người có giới hạn, nhưng sự nghiệp con người thì phụ thuộc vào đường đi của những người kế nhiệm.

Bác Hồ viết Di chúc từ năm 1965 - thời điểm cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như một mục tiêu để hoàn thiện thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 còn dang dở. Nhận thức được cuộc đấu tranh này còn lâu dài và gian khổ so với cuộc đời của một con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động và thấy được tính tất yếu của nó.

Điều đó cho thấy Bác là một người tự tin và có lối sống khoa học, biện chứng. Ở tuổi 75, Bác nghĩ “đã là cao rồi”, nhưng lúc này vẫn còn minh mẫn nên phải để lại vài điều cho hậu thế.

Hình ảnh tại triển lãm tư liệu “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở Thư viện quốc gia Việt Nam. Tại đây, hơn 700 tư liệu tiêu biểu được trưng bày, giới thiệu toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Thắng.

Nhìn vào Di chúc thấy Bác viết rất mộc mạc, không có gì cao xa. Ngay cả mục tiêu cách mạng của đất nước, Bác cũng không dùng chữ “Xã hội chủ nghĩa”, dù Bác có một lý tưởng xã hội chủ nghĩa rất rõ ràng.

Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một mô hình mà đến bây giờ đúng, và có lẽ một thời gian rất dài nữa vẫn đúng. Đó là xây dựng nước Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ và giàu mạnh. Mục tiêu nghe đơn giản nhưng đó là cả một sự nghiệp to lớn mà chúng ta vẫn thực hiện dang dở.

Trong lời dặn dò để lại, Bác nhấn mạnh nhân vật trung tâm là con người, vì con người là nhân tố làm nên và quyết định sự nghiệp cách mạng có thành công hay không.

Xây dựng nước Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ và giàu mạnh - mục tiêu nghe đơn giản nhưng đó là cả một sự nghiệp to lớn mà chúng ta vẫn thực hiện dang dở.

Nói về con người, Bác lại nhắc nhiều đến phẩm chất đạo đức của những người thừa kế, đặc biệt là Đảng Cộng sản - đội ngũ Bác đã xây dựng, hy vọng và gửi gắm như một đội ngũ tiên phong.

Nhắc đến chuyện quốc tế, Bác cũng nói rất đơn giản là thăm hỏi, thể hiện sự tri ân, trước sau như một của mình với bè bạn quốc tế đã ủng hộ.

Những thông điệp trong bản Di chúc cho thấy Bác là người tự tại, ung dung đón nhận quy luật tất yếu là sự ra đi về mặt thể xác, với mong muốn để lại một giá trị tinh thần cho thế hệ sau.

Bác Hồ đưa ra mục tiêu không có gì là ghê gớm, xa lạ, nhưng những mục tiêu ấy từng trở thành phẩm chất có giá trị truyền thống trong thời kỳ đất nước giành độc lập dân tộc, bước đầu xây dựng một chế độ mới, xã hội mới.

Tổng kết cuộc đời của người gắn với cả thời đại lịch sử

Di chúc của Bác được chuẩn bị một cách đầy đủ, có giá trị tổng kết cuộc đời một con người - một con người gắn với cả một thời đại lịch sử. Nhất là với mục tiêu giải phóng dân tộc, Bác chính là ngọn cờ tiên phong, là biểu tượng mẫu mực.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch ra các thứ tiếng Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Ảnh: Hoàng Đông.

Đây cũng là bản Di chúc mang tính lịch sử, kể cả về mặt hình thức và nội dung. Cho đến nay, tất cả nội dung được Bác đề cập trong đó không có gì lạc hậu.

Ngay cả với chủ nghĩa cộng sản, Bác là người trong cuộc, từng chứng kiến tất cả sự thành công hay đổ vỡ nhưng từ sự đổ vỡ, Bác đã xoay chuyển đường lối.

Trong Di chúc Bác nhắc đến tầm nhìn quan trọng, đó là một dân tộc muốn phát triển thì phải có nhân dân và một người lãnh đạo. Thước đo cho người lãnh đạo tốt là khả năng tập hợp, đoàn kết nhân dân bằng cương lĩnh và sự gương mẫu của mình.

Vì thế, Bác nhấn mạnh sự gương mẫu, hình tượng cá nhân rất quan trọng. Trong thực tiễn lịch sử, với tư cách là người giữ vai trò lãnh đạo, Bác đúc kết lại thành những điều đơn giản nhưng lại sâu sắc và có giá trị bền vững.

Đọc kỹ Di chúc, dù ngắn thôi, nhưng không thiếu điều gì, tất cả đều logic biện chứng và tác động lẫn nhau.

Về việc riêng, Người muốn thi hài của mình được hỏa táng vì nhiều nguyên nhân. Trước hết là vì những thứ thiết thực như “tốt cho môi trường của người sống” và “đỡ tốn đất, ruộng”. Sâu xa, Người muốn dùng chính thân xác của mình để làm biểu tượng của sự gương mẫu đối với dân tộc, với quốc gia và cả nhân loại thế giới.

Như vậy để thấy, 50 năm trước, Bác đã nhắc đến việc hỏa táng với những mục tiêu rất “hiện đại”. Đến nay, đây là vấn đề lớn mà xã hội vẫn phải đối mặt.

Tức là Bác có khả năng tiên đoán, dùng giải pháp cho mình để làm gương giải quyết vấn đề của đời sống hôm nay và cho cả tương lai.

Điều đó biểu thị tầm nhìn của người đã khuất nhưng vẫn còn soi sáng cho đời sống, cho thời đại của chúng ta.

Tư duy luôn theo kịp thời đại

Tất cả những điều Bác viết hàng năm được Người xem xét lại cho phù hợp với tình hình đất nước, với nhận thức của thời đại. Người hoàn chỉnh Di chúc chỉ vài tháng trước khi mất.

Trong 4 năm, Bác đã sửa Di chúc rất nhiều lần, có những lần chỉ sửa một chữ. Bởi trước hết, Bác ý thức tầm quan trọng của văn kiện. Một điều nữa, việc sửa Di chúc cho thấy tư duy của Bác luôn được cập nhật.

Bác sửa từng câu chữ, từng chi tiết cho cô đọng, dễ hiểu, phù hợp với tầm nhìn dài hạn, không chỉ là răn về những gì đã qua mà là để lại những gì cho hậu thế.

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

Lần đầu tiên năm 1965, Bác tự tay đánh máy Di chúc gồm 3 trang, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là văn bản hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và góc trái có chữ ký người chứng kiến là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.

Năm 1968, Bác bổ sung thêm 6 trang viết tay. Người đã viết lại đoạn mở đầu và thêm một số đoạn khác nói về công việc cần làm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ như chỉnh đốn Đảng, miễn thuế cho các hợp tác xã nông nghiệp, chăm lo cho đời sống nhân dân…

Riêng đoạn nói về việc riêng, năm 1965, Người dặn dò việc hỏa táng, để lại một phần tro xương cho miền Nam. Nhưng năm 1968, Bác viết lại và dặn để tro vào 3 hộp sành để chia cho Bắc - Trung - Nam. Ngoài ra, Bác còn viết bổ sung một đoạn nói về cuộc đời bản thân: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay.

Thông điệp lớn nhất mà Bác Hồ để lại cho chúng ta cô đọng lại trong một nguyên lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Điều đó có giá trị không chỉ cho dân tộc Việt Nam, không chỉ mang ý nghĩa trong chiến tranh giành độc lập mà trong cả công cuộc xây dựng kinh tế, tinh thần độc lập, tự chủ rất quan trọng.

Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, tinh thần là “lấy sức ta giải phóng dân ta”, nếu chúng ta không tự lực, cứ chờ đợi cơ hội thì sẽ dễ mất thời cơ và không bao giờ đạt được điều gì mình muốn một cách trọn vẹn.

Vì thế, ta phải biết chớp thời cơ và phát huy nội lực, phải có sự đoàn kết, sức mạnh toàn dân. Muốn có sức mạnh toàn dân thì Đảng phải gương mẫu, có đường lối đúng. Nguyên lý đó còn nguyên vẹn và còn gắn với chế độ này.

Trong bối cảnh hiện nay, vận động mọi người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì nên tập trung vào những người có chức vụ. Chức càng cao thì càng phải học tập nhiều.

Bác nói nhiều đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng nhìn vào thực trạng hiện nay, với việc phải xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, có cả cán bộ cấp cao thì lý giải duy nhất là chúng ta đã buông lỏng.

Đến bây giờ chúng ta càng ý thức được Di chúc có giá trị quan trọng thế nào. Do đó, phải củng cố tổ chức Đảng vì nó quyết định vận mệnh quốc gia, để từ đó tạo lòng tin cho toàn dân và đoàn kết toàn dân. Đảng mạnh đến mấy mà không lôi kéo, tập hợp được nhân dân thì không giải quyết được việc gì.

Vấn đề đạo đức cũng được Bác Hồ nhấn mạnh. Đạo đức nhiều người có, nhưng đặc trưng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người giữ cương vị cao nhất, nắm quyền lực nhiều nhất mà vẫn giữ được đạo đức.

Trong bối cảnh hiện nay, vận động mọi người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì nên tập trung vào những người có chức vụ. Chức càng cao thì càng phải học tập nhiều.

50 năm đã qua đi, chúng ta học và làm theo Di chúc của Bác không có nghĩa là áp dụng giáo điều, nguyên lý có thể thay đổi theo thời đại. Chính tầm nhìn của Bác đã khẳng định Di chúc của Người mãi có giá trị lâu bền.

Hoài Thu ghi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-bac-ho-nhieu-lan-sua-di-chuc-post982946.html