Vì sao bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng cả nước?

Không khí Tết đã đến với làng nấu bánh chưng nổi tiếng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tết sớm

Làng Tranh Khúc những ngày đầu năm dương lịch 2017, xe tải chờ lá dong, bánh chưng vào ra nhộn nhịp. Người người, già trẻ lớn bé, kẻ rửa lá, người gói bánh, người nấu…, không khí nhộn nhịp, mang đầy phong vị Tết cổ truyền - điều rất khó tìm thấy ở nơi phố phường chật hẹp. Tết ở đây luôn đến sớm hơn các địa phương khác cả tháng.

Ngay triền đê đầu làng, lá dong được ô tô chở về từ nhiều miền quê khắp cả nước tập kết thành một bãi lớn. Chị Nguyễn Thị Thủy, người làng Tranh Khúc đang chọn lá, cho biết: "Một ngày mới bắt đầu bằng việc cho bánh ra lò rồi xuất bánh, ra đê nhận lá dong, trưa về đãi nếp, đỗ và rửa lá, đầu giờ chiều bắt đầu gói. Cuối giờ chiều đem bánh vào nồi và nấu cho đến sáng, mùa vụ đến phải "lăn ra mà làm". Vòng quay làm việc của người dân làm bánh chưng dường như không một phút ngơi nghỉ.

Lá dong tập kết đầu làng. Ảnh: HP

Tranh Khúc có 215 hộ làm bánh. Số lượng hộ làm bánh khá ổn định. Tuy nhiên, cũng có một số hộ trước đây làm bánh nhưng giờ đã bỏ vì lý do sức khỏe, nhà thiếu người làm, vì điều kiện buôn bán cạnh tranh, khó khăn hơn.

Nhưng đó là số nhỏ. Nhiều gia đinh vẫn gắn bó với nghề, đầu tư cả trăm triệu đồng cho hệ thống nồi hơi để đảm bảo sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Việc luộc bánh chưng bằng than củi đã chuyển sang luộc bằng nồi điện và nồi hơi. Một số hộ còn đầu tư cả máy ép chân không.

Tranh Khúc hối hả những ngày giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: HP

Mười năm trước, chúng tôi tìm về làng nấu bánh chưng nổi tiếng Hà Nội. Thời ấy, Tranh Khúc mai một khi chỉ còn một số nhà còn giữ nghề. Người được "bầu" là "vua bánh chưng" lại là ông Nguyễn Minh Tần. Ông Tần hồi đó mới ngoài 50 tuổi nhưng đã có đến 30 năm làm bánh.

Tưởng như đó là vị “vua” cuối cùng. Thế nhưng mùa xuân này, về Tranh Khúc tìm những gia đình khá lên nhờ nghề bánh, nhiều người chỉ đến gặp vợ chồng Bảo - Ngân, Thúy Phương… Những cái tên cứ nhiều lên.

Bánh chưng Tranh Khúc đã lên mạng, được đặt hàng qua điện thoại, được ship tận nơi trong nội thành Hà Nội nếu mua với số lượng tương đối, đi nước ngoài.

Bí quyết

Để có một chiếc bánh chưng ngon, cần lựa chọn nguyên liệu kỹ. Muốn vậy phải đặt mua từ nhiều vùng miền của đất nước. Người nấu bánh chưng Tranh Khúc thường chọn lá dong ở Tràng Cát (Hà Nội), thậm chí nhập về từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc ở vùng cao Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang.

Loại giang để chẻ lạt buộc bánh được ưa thích là ở vùng núi Lương Sơn (Hòa Bình). Nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu, Nam Định luôn được các nhà làm bánh chưng ở Triều Khúc lựa chọn.

Bánh chưng Tranh Khúc được gói thủ công và không dùng khuôn. Ảnh:HP

Theo các hộ làm bánh, mặc dù năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nhưng giá bánh hầu như tăng không đáng kể, nhiều hộ cam kết không tăng giá.

Một chiếc bánh chưng trung bình 1,2kg có giá khoảng 50.000 đồng/chiếc. Bánh chưng gấc giá 70.000-80.000 đồng/chiếc. Những chiếc bánh lớn hơn, tùy theo yêu cầu của người đặt, có loại lên đến 100.000 đồng/chiếc. Loại bánh được đóng gói hút chân không thường đắt hơn từ 5 - 10.000 đồng/chiếc.

Chị Thúy, người làng Tranh Khúc bật mí sỡ dĩ bánh chưng được nấu ở ngôi làng này ngon là bởi nơi đây có nguồn nước rất sạch.

"Làng Tranh Khúc được ông trời ban cho địa thế rất đẹp nằm ven sông hồng, hàng năm cát, sỏi bồi đắp liên tục vì thế tạo ra nguồn nước ngầm cho người dân nơi đây vô cùng sạch, thậm chí không cần lọc có thể uống trực tiếp. Những nghệ nhân nơi đây có thâm niên hàng chục năm nên họ gói ra những chiếc bánh rất đều tay, vuông thành sắt cạnh, không cần dùng khuôn mà mỗi tiếng gói được 80 chiếc vuông, chặt", chị Thúy tự hào.

Hà Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-sao-banh-chung-tranh-khuc-noi-tieng-ca-nuoc-20170111102440303.htm