Vì sao bé trai 5 tuổi bị co giật trên sân vận động Thiên Trường?

Trong suốt hơn 16 năm công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động, Đại úy Giảng và đồng đội đã đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn cũng như cấp cứu cho nhiều người.

Hình ảnh chiến sỹ CSCĐ nén đau đưa cháu bé lên cơn co giật tới nơi cấp cứu. Ảnh Tiến Tuấn.

Hình ảnh chiến sỹ CSCĐ nén đau đưa cháu bé lên cơn co giật tới nơi cấp cứu. Ảnh Tiến Tuấn.

Chiều ngày 5/8, trao đổi với PV, chị Nguyễn Hồng Nhung (SN 1989, trú tại TP. Nam Định) cho biết, hiện sức khỏe của cháu Trần Minh Nhật (SN 2015, con chị Nhung) đã ổn định, cháu đã có thể đùa nghịch bình thường. “Lúc nãy tôi hỏi con trai là còn muốn đi xem đá bóng nữa không, cháu trả lời vẫn muốn đi”- chị Nhung chia sẻ.

Chị Nhung cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến việc cháu Nhật lên cơn co giật có thể là do sân vận động quá ngột ngạt, chứ không phải do cháu bị sốt mà gia đình vẫn đưa cháu đi như một số bài báo đăng tải.

“Trước đây cháu đã từng lên cơn co giật, nhưng lần này là nặng nhất. May mà có các chiến sỹ CSCĐ kịp thời giúp đỡ, không thì chắc giờ này cháu không thể đùa nghịch được rồi.”- chị Nhung nói.

Cũng trong chiều nay 5/8, Công an tỉnh Nam Định đã mời chị Nhung đến dự buổi tổ chức khen thưởng các chiến sỹ CSCĐ kịp thời đưa cháu Nhật đi cấp cứu. Tại buổi lễ, chị Nhung đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban lãnh đạo công an tỉnh và các chiến sỹ CSCĐ đã giúp đỡ cháu Nhật trong lúc nguy cấp.

Chị Nhung đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các chiến sỹ CSCĐ. Ảnh Sport 5.

Trước đó, vào chiều 4/8, tại sân vận động Thiên Trường, TP Nam Định diễn ra trận đấu giữa Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai thu hút hơn 3 vạn cổ động viên đến sân cổ vũ.

Phút thứ 70 của trận đấu cháu Nhật đã lên cơn co giật, chiến sỹ CSCĐ Trần Đức Giảng đã nhanh trí cho ngón tay vào miệng để bé cắn, tránh trường hợp bé tự cắn vào lưỡi mình. Hình ảnh chiến sỹ CSCĐ sau khi được đăng tải trên các kênh truyền thông đã nhận được rất nhiều lời khen.

Khi biết mọi người đang bày tỏ sự xúc động trước hành động của mình, Đại úy Trần Đức Giảng khiêm tốn nói: "Đó cũng chỉ là việc làm bình thường, không có gì đặc biệt cả”.

Đại úy Giảng kể lại sự việc.

Chia sẻ về khoảnh khắc đưa cháu Nhật tới khu vực nhân viên y tế tiến hành sơ cấp cứu, Đại úy Trần Đức Giảng cho biết, trong suốt hơn 16 năm công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động, anh và đồng đội đã đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn cũng như cấp cứu cho nhiều người, nhưng chưa có trường hợp nào bất ngờ, cấp bách như ngày hôm qua (4/8).

Theo Đại úy Giảng, sự việc trên xảy ra tại khán đài B của sân vận động Thiên Trường, khi hiệp 2 của trận đấu trôi qua được hơn 10 phút, trên khán đài xảy ra nhốn nháo, khi tiến lại kiểm tra thì phát hiện một cháu bé khoảng 4-5 tuổi bị ngất xỉu.

Khi nghe mọi người nói cháu bé bị co giật nên Đại úy Giảng đã nảy ra ý định đưa tay vào để cháu bé cắn, ngăn không cho cháu bé tự cắn lưỡi.

“Tại thời điểm đó, quãng đường ra nơi cấp cứu dài khoảng 100 mét, trước tình thế cấp bách đó không còn cách nào khác tối ưu hơn việc đút chính ngón tay của mình vào miệng cháu bé để tránh cháu cắn vào lưỡi.”- Đại úy Giảng cho biết.

Nguyễn Long - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/vi-sao-be-trai-5-tuoi-bi-co-giat-tren-san-van-dong-thien-truong-71966-3.html