Vì sao biểu tượng của đảng Dân chủ là con lừa còn đảng Cộng hòa là con voi?

Trong lúc hàng triệu người Mỹ đang bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội, rất nhiều tranh minh họa về con lừa và con voi đã xuất hiện trên các trang báo, mạng internet và trang phục của rất nhiều người.

Hình ảnh con lừa đại diện cho đảng Dân chủ và con voi đại diện cho đảng Cộng hòa đến nay đã quá quen thuộc đối với người dân Mỹ, giống như ông già Nô-en hay Chú Sam vậy. Tuy nhiên phần lớn mọi người đều không biết rằng biểu tượng của hai đảng chính trị cũng như ông già Nô-en và Chú Sam đều do một người phổ biến rộng rãi.

Đó là họa sĩ Thomas Nast và trong suốt thời gian làm việc cho báo Harper’s Weekly từ năm 1862 đến 1886, ông trở thành người vẽ tranh biếm họa chính trị đầu tiên của nước Mỹ. Trong hàng loạt những bức tranh khắc trên gỗ của mình, ông đã đề cập đến cuộc Nội chiến Mỹ, những vấn đề của công cuộc Tái thiết sau chiến tranh, vấn đề di dân và nhiều vấn đề khác.

Trong tranh biếm họa này của ông Nast, một "con lừa" đại diện cho nghị sĩ đảng Dân chủ đang thổi "bong bóng tài chính" trước Quốc hội.

Trong tranh biếm họa này của ông Nast, một "con lừa" đại diện cho nghị sĩ đảng Dân chủ đang thổi "bong bóng tài chính" trước Quốc hội.

Nhiều nhà sử học khẳng định ông Nast đã lớn lên ở thành phố New York trong những năm 1840 và 1850 và bị bắt nạt liên tục. Thực tế, hai chủ đề chính trong các tác phẩm của ông đó là sự căm ghét những kẻ bắt nạt và sự cảm thông đối với những nạn nhân của hành vi bắt nạt.

Tại báo Harper’s Weekly, hai chủ đề này được ông thể hiện rất rõ ràng. Trong tranh biếm họa “Worse Than Slavery” vẽ năm 1874, một gia đình người da đen không có khả năng phản kháng cúi mình trước một thành viên đảng KKK đang cười nhe răng. Một bức tranh khác mang tên “They Are Swallowing Each Other” vẽ hình hai gã đàn ông trợn mặt nuốt hai đầu thân thể của nhau giống như hình tượng con rắn Uroboros của Hy Lạp cổ, có ý nghĩa mô tả mối liên kết giữa đảng KKK phân biệt chủng tộc và bộ máy chính trị của Mỹ.

Tranh của ông Nast mô tả chiến thắng của đảng Cộng hòa khi "con voi" đang chà đạp lên đảng Dân chủ, ở đây được ví với con hổ.

Ngày nay, tranh biếm họa trên các báo thường được vẽ một cách đơn giản để người đọc có thể lướt qua trong vài giây và hiểu ngay ý nghĩa của nó khi chuẩn bị đọc sang những tin tức khác. Thế nhưng, tác phẩm của Nast rất chi tiết và nó giống như một bài viết được gói gọn trong một bức tranh để người đọc nghiền ngẫm ẩn ý đằng sau.

Bức biếm họa “Third Term Panic” vẽ năm 1874 của Nast được coi là đã giúp hình ảnh con voi gắn liền với đảng Cộng hòa. Trong những tháng trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra, báo New York Herald, vào thời điểm đó đang ủng hộ một loạt những ứng cử viên thống đốc bang của đảng Dân chủ, đã đăng những tin đồn rằng Tổng thống Mỹ khi đó là ông Ulysses S. Grant, một thành viên đảng Cộng hòa, đang xem xét vận động để có nhiệm kỳ thứ ba làm Tổng thống vào năm 1876. Mặc dù vào thời điểm đó đây là một hành động chính trị hợp pháp, song rất nhiều người dân không hài lòng với hành động này.

Là người ủng hộ đảng Cộng hòa nhiệt thành vì đây là đảng của cựu Tổng thống Abraham Lincoln, ông Nast đã vẽ báo New York Herald là một con cừu được bọc trong da sư tử, dùng những lời đồn đại không hay về ông Grant để dọa nạt các loài động vật khác. Trong số những loài vật có mặt có một con voi rất lớn được ghi dòng chữ “lá phiếu đảng Cộng hòa” trong giống như sắp ngã xuống một khe vực gần đó.

Bức biếm họa "Third Term Panic" của Thomas Nast.

Ông Nast không phải là tác giả đầu tiên so sánh con người với các loài muông thú khác, khi câu chuyện con lừa mặc bộ da sư tử đã bắt nguồn từ truyện ngụ ngôn của Aesop. Ông cũng không phải là họa sĩ đầu tiên so sánh đảng Cộng hòa với một loài vật nào đó, khi ít nhất một thập kỷ trước người ta đã kêu gọi sự ủng hộ đối với đảng này bằng khẩu hiệu “hãy nhìn con voi”, một từ lóng của thời đó với ý nghĩa thúc giục các binh lính “hãy chiến đấu dũng cảm”. Mặc dù ông Nast đã ví đảng Dân chủ với con lừa nhiều lần (mặc dù trong “Third Term Panic” ông dùng con cáo), song từ nửa thế kỷ trước người ta đã có liên hệ với hai hình tượng này.

Tuy nhiên dưới con mắt của Nast, chính trị nước Mỹ hiện ra giống như một bầy thú trong một gánh xiếc khổng lồ. Mặc dù ủng hộ đảng Cộng hòa, song rất nhiều lần ông đã chế giễu đảng này. Ông thường miêu tả đảng Cộng hòa giống như một con vật yếu đuối, luôn lo sợ và liên tục hướng về những hướng đi sai lầm.

Hình ảnh “con lừa” cũng không khá hơn. Trong một bức tranh năm 1879, ông Nast đã vẽ hình ảnh “con lừa” đang sắp ngã xuống khe vực của “khủng hoảng tài chính”. Tranh biếm họa của ông thường miêu tả con voi và con lừa luôn trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, qua đó cho thấy quan điểm của ông về hai đảng chính trị trong một thời đại mà nước Mỹ vẫn còn bất ổn.

Bức tranh mô tả "con lừa" đang lao xuống khe vực "khủng hoảng tài chính".

Đến thập niên 1880, ông Nast là họa sĩ khiến rất nhiều người lo sợ, và ông trở thành kẻ thù của rất nhiều chính trị gia thời đó. Thế nhưng đến gần cuối thập kỷ này, ông trở thành nạn nhân của một âm mưu lừa đảo và mất toàn bộ gia tài của mình. Năm 1890 ông tìm cách xây dựng lại sự nghiệp bằng cách xuất bản một cuốn sách về lễ Giáng sinh. Tuy nhiên lúc này dường như ông đã không còn nhiệt huyết sáng tác giống như trước nữa, và cho đến khi qua đời ông luôn trong tình trạng sức khỏe kém.

Dù vậy, hình ảnh con voi và con lừa đã trở thành những biểu tượng chính trị tiêu biểu nhờ những bức tranh của ông Nast. Ngày nay, con voi là biểu tượng chính thức của đảng Cộng hòa, và mặc dù đảng Dân chủ không chính thức công nhận con lừa, song rất nhiều người ủng hộ đã dùng biểu tượng này một cách tự do.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-bieu-tuong-cua-dang-dan-chu-la-con-lua-con-dang-cong-hoa-la-con-voi-post281109.info