Vì sao Bình Dương chưa tăng học phí?

Trong bối cảnh giá hàng hóa dịch vụ tăng cao, tình trạng thất nghiệp xu hướng tăng... tỉnh Bình Dương đã quyết định chưa tăng học phí.

Ngày 13/11, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương công bố các ý kiến góp ý của sở, ban ngành liên quan và người dân trên địa bàn về dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.

Theo đó, mức học phí lấy ý kiến cao hơn 3 lần so với năm học 2021-2022. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, mức thu học phí năm học 2022-2023 mà cơ quan này soạn thảo đề xuất áp dụng bằng mức sàn (mức thấp nhất) khung học phí theo quy định.

Sau khi lấy ý kiến góp ý, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương nhận được văn bản góp ý của 6 sở, ban ngành; 4 UBND huyện, thị xã, thành phố và nhiều ý kiến đóng góp của người dân.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, ngành chức năng trước khi áp dụng cần nghiên cứu kỹ các quy định, căn cứ vào bối cảnh hiện tại để đưa ra quyết định “hợp tình hợp lý”.

Người dân Bình Dương lo lắng con em nguy cơ bỏ học nếu học phí tăng thêm.

Người dân Bình Dương lo lắng con em nguy cơ bỏ học nếu học phí tăng thêm.

Theo các ý kiến đóng góp, lực lượng lao động chủ yếu của Bình Dương là công nhân. Hiện nay, hầu như mọi hàng hóa dịch vụ đều tăng, trong khi không ít doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Bình Dương còn là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, kinh tế sớm có bước phục hồi nhưng với điều kiện hiện tại của đại đa số người dân thì việc tăng học phí là chưa đúng lúc.

Anh Võ Phước Phong (phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho rằng, hiện nay người dân gặp không ít khó khăn, việc tăng học phí sẽ gây sốc cho phụ huynh.

“Ngoài việc phải cân nhắc khi tăng học phí vào thời điểm này, theo tôi nên miễn học phí cấp THCS. Thực tế học phí không cao đối với người có điều kiện nhưng sẽ là áp lực cho người đang gặp khó khăn”, anh Phong nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nga (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ, hiện nay không ít phụ huynh vì điều kiện khó khăn đã nghĩ đến việc cho con ngưng học để đi làm. “Mọi thứ đều tăng, mỗi lương không tăng và hiện nay còn có nguy cơ mất việc. Nhà có 3 con đi học, vợ chồng đi làm hàng chục ki lô mét, nếu học phí tăng, nguy cơ nhiều con em công nhân lao động nghỉ học giữa chừng”, chị Nga lo lắng.

Hiện nay, học phí với cấp mầm non là 180.000 đồng/tháng đối với trường chuẩn; 90.000 đồng/tháng cho trường học chưa đạt chuẩn. Đối với bậc trung học cơ sở là 60.000 đồng/tháng, trung học phổ thông là 80.000 đồng/tháng. Theo người dân, mặc dù chưa có quy định tăng nhưng không ít trường đã thu học phí cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 381 phòng học tăng thêm. Bình Dương có 742 trường, trong đó 393 trường công lập, 349 trường ngoài công lập (tăng 11 trường, gồm 1 trường công lập và 10 trường ngoài công lập). Tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh khoảng 527.102 học sinh, tăng thêm khoảng 29.922 học sinh so với năm học 2021-2022.

Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Đoàn Văn Thành cho biết, sau khi lấy ý kiến, xét thấy trong điều kiện hiện nay, địa phương quyết định chưa tăng học phí và các khoản thu dịch vụ đối với tất cả bậc học.

(Nguồn: tienphong.vn)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-binh-duong-chua-tang-hoc-phi-ar713516.html