Vì sao 'Black Panther' là bom tấn quan trọng nhất Vũ trụ Marvel?

Tác phẩm điện ảnh mới nhất từ Marvel Studios ẩn chứa nhiều thông điệp vượt xa một bộ phim siêu anh hùng thông thường.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Black Panther

Kết nối với lịch sử: Sử dụng yếu tố lịch sử để kể chuyện là điều không hề xa lạ đối với Marvel Studios, nhưng Black Panther là tác phẩm làm tốt hơn tất cả. Wakanda chính là biểu tượng hay giấc mơ của người châu Phi về một lục địa đen hùng mạnh nếu như họ không phải trải qua hàng trăm năm thuộc địa bởi các đế quốc châu Âu. Đây cũng là tác phẩm siêu anh hùng hiếm hoi nhắc tới đề tài phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa đế quốc một cách thông minh, khéo léo. Ở đầu phim, khi có mặt tại một viện bảo tàng Anh quốc, Killmonger (Michael B. Jordan) đã chỉ ra sự vô lý của người da trắng khi đòi quyền sở hữu những cổ vật mà cha ông họ đã dùng vũ lực để cướp đi khỏi lục địa đen nhiều năm về trước.

Killmonger là phản diện tốt của MCU: Không chỉ là nhân vật thú vị nhất của Black Pather, Killmonger còn là một trong những gương mặt phản diện tốt nhất từ trước tới nay của MCU. Kế hoạch của gã có động cơ và mục đích cụ thể. Mất cha từ thuở còn bé, Erik còn chứng kiến sự phân biệt chủng tộc, bất công, và đàn áp mà người da đen phải gánh chịu. Do đó, nhân vật dành nhiều năm trời khổ luyện để chuẩn bị cho ngày trở về Wakanda, không chỉ để trả thù, mà còn là đòi lại công lý. Killmonger cũng không nuôi ý định “hủy diệt thế giới” tầm thường như nhiều ác nhân khác. Điều gã muốn là quy nhân loại về một mối duy nhất để phá bỏ sự bất công hay giúp người gốc Phi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay cả khi bị đánh bại, “đứa con hoang đàng” của Wakanda vẫn khiến T’Challa (Chadwick Boseman) thay đổi suy nghĩ và cách trị vì vương quốc.

“Cô em gái quốc dân” Shuri: Một gương mặt thú vị nữa của Black Panther là Shuri (Letitia Wright). Cô bé thông minh, hài hước và vô cùng sành điệu khi luôn nắm rõ trào lưu tại các nước “đế quốc”. Em gái của T’Challa chính là mẫu “hậu phương” mà bất cứ siêu anh hùng nào cũng muốn có bởi trí tuệ thiên tài cùng khả năng chiến đấu mạnh mẽ. Độ dũng cảm của Shuri là điều không cần bàn cãi khi cô bé dám một mình đối đầu với Killmonger ở cuối phim.

Chất lượng hình ảnh vượt trội: Doctor Strange (2016) là bộ phim mang tới những hiệu ứng hình ảnh cực kỳ ấn tượng. Nhưng xét về yếu tố thẩm mỹ, Black Panther có lẽ mới là tác phẩm đứng đầu MCU lúc này. Rachel Morrison, với một đề cử Oscar cho Mudbound (2017), là người chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh cho bom tấn. Tông màu tím xuất hiện xuyên suốt tác phẩm như ở phân cảnh T’Challa gặp lại tổ tiên hay bộ giáp của Black Panther. Đất nước Wakanda hoành tráng và vô số công nghệ hiện đại, đầy màu sắc cũng là điểm nhấn sáng giá của tác phẩm.

Khơi gợi nhiều vấn đề chính trị: Truyện tranh thực tế không chỉ đơn thuần là công cụ giải trí, mà còn luôn ẩn chứa nhiều hàm ý. Bộ phim Captain America: Winter Soldier (2014) đề cập tới việc giám sát người dân trong thời kỳ Snowden. Trong khi đó, Black Panther lại xoay quanh những vấn đề khác không kém phần quan trọng. Sự can thiệp của mật vụ Everett Ross (Martin Freeman) và kế hoạch tiếm ngôi Wakanda của Killmonger gợi nhắc tới một số kịch bản đảo chính mà CIA từng sử dụng trong quá khứ. Việc T’Challa quyết định “mở cửa” với thế giới dường như là để ám chỉ nhiều chính sách cứng nhắc của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đề cao nữ quyền và người da màu: Black Panther là tác phẩm dũng cảm khi sử dụng dàn diễn viên hầu hết là người da đen. Đây là cột mốc quan trọng nhằm chứng tỏ giá trị của người da màu tại Hollywood, bởi họ vốn bị coi là những kẻ yếu thế trong ngành công nghiệp điện ảnh. Ngoài ra, yếu tố nữ quyền trong phim cũng được đề cao thông qua bộ tứ Shuri, nữ tướng Okoye (Danai Gurira), điệp viên Nakia (Lupita Nyong’o) và nữ hoàng Ramonda (Angela Bassett).

Toan phá vỡ công thức làm phim của Marvel: MCU sở hữu một công thức làm phim chung cho toàn bộ các tác phẩm thuộc vũ trụ của họ. Nhưng Black Panther phần nào đó đã bước ra ngoài cái vòng an toàn ấy. Bộ phim của đạo diễn Ryan Coogler chứa đựng rất ít tình tiết hài hước - yếu tố “thương hiệu” của Marvel. Tác phẩm mang tông màu tối và ẩn chứa nhiều hàm ý hơn các phim trước. Còn thời lượng phim dùng để xây dựng tuyến phản diện và dàn nhân vật phụ cũng là nhiều hơn hẳn.

Yếu tố hành động tuyệt vời: Tuy hơi lạm dụng CGI, nhưng những cảnh chiến đấu trong Black Panther vẫn rất “chất”. Là đạo diễn của Creed (2015), Ryan Coogler biết cách biến một trận cận chiến trở nên kịch tính hơn gấp bội. Những pha ra đòn đều nhanh gọn, mạnh mẽ, và bạo lực hơn các phim Marvel trước. Trận chiến giữa T’Challa với M’Baku (Winston Duke) hay Killmonger đều rất hấp dẫn. Hay đoạn rượt đuổi ở Busan, Hàn Quốc được thực hiện tốt không kém loạt phim tốc độ Fast & Furious.

Mở ra kỷ nguyên mới cho MCU: Những bộ phim về nguồn gốc nhân vật luôn được Marvel Studios thực hiện rất chỉn chu. Tuy nhiên, thế hệ siêu anh hùng cũ nhiều khả năng sẽ chia tay khán giả sau Avengers: Infinity War (2018) và Avengers 4 (2019). Không phải Iron Man (Robert Downey Jr.) hay Captain America (Chris Evans), mà Doctor Strange (Benedict Cumberbatch), Ant-Man (Paul Rudd) hay Black Panther mới là những người sẽ viết tiếp thành công cho MCU. Với sự hòa nhập về công nghệ và văn hóa của Wakanda, toàn bộ vũ trụ điện ảnh sẽ thay đổi. Thành công của Black Panther đồng thời giúp Marvel có thể tự tin đưa lên màn ảnh rộng nhiều siêu anh hùng lạ lẫm hơn, mà trước mắt là Captain Marvel (Brie Larson).

Hạ Tuyết

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-black-panther-la-bom-tan-quan-trong-nhat-vu-tru-marvel-post821436.html