Vì sao Bộ Tài chính không ban hành thông tư hướng dẫn triển khai giảm thuế VAT?

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) do không nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế, mặt hàng nào không; hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%. Vì vậy, doanh nghiệp mong Bộ Tài chính sớm ban hàng Thông tư hướng dẫn.

Chị Phan Thị Ngọc, kế toán của một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phân phối khắp cả nước cho biết, hiện doanh nghiệp của chị đang gặp khó khăn trong việc xác định mã sản phẩm áp dụng mức thuế.

Bởi, khi xuất hóa đơn không phải mặt hàng nào cũng được áp mức thuế 8%, thậm chí mỗi khu vực, vùng miền có cách xác định mã sản phẩm khác nhau, nơi thì được áp 8%, nơi giữ nguyên 10%. Điều này khiến chị loay hoay suốt thời gian qua.

"Việc không thống nhất trong cách áp dụng mã sản phẩm ảnh hưởng khá lớn đến doanh nghiệp đang hoạt động. Chúng tôi mong Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra soát chính xác hơn, bảo đảm theo quy định của pháp luật", chị Ngọc nói.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không; hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%.

Vướng mắc mà chị Ngọc gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nguyện vọng của các doanh nghiệp là muốn Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn chi tiết để Nghị định đi vào cuộc sống.

Ngày 3/3, trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Theo đó, về thuế giá trị gia tăng: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ (Các hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế gồm 12 nhóm và quy định chi tiết tại các Phụ lục I, II, III ban hành kèm Theo Nghị định).

Ngay khi Nghị định số 15 được ban hành, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong giai đoạn hiện nay.

"Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán Nhâm Dần, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quy định này", Bộ Tài chính cho hay.

Về phản ánh doanh nghiệp không biết mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT và chi tiết tại 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Về nội dung phản ánh liên quan đến giá của hàng hóa tại các chợ dân sinh: Tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã quy định trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng.

Đối với ý kiến Bộ Tài chính sớm có Thông tư hướng dẫn chi tiết để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ tài chính cho hay: "Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành, do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết".

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/vi-sao-bo-tai-chinh-khong-ban-hanh-thong-tu-huong-dan-trien-khai-giam-thue-vat-1084013.html