Vì sao cam, bưởi ở Hà Tĩnh rụng quả hàng loạt sau mưa lũ?

Sau những trận lũ và mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều diện tích cây ăn quả có múi ở Hương Khê (Hà Tĩnh) như cam, bưởi đã xuất hiện tình trạng rụng quả, gây thiệt hại rất lớn đến thu nhập của bà con nông dân.

Quả cam dễ bị thối sau mưa lũ.

Xã Hương Đô là thủ phủ cam của huyện Hương Khê và cả tỉnh Hà Tĩnh với thương hiệu cam Khe Mây nổi tiếng. Toàn xã hiện có khoảng hơn 250 ha cam, hàng năm đều cho sản lượng hàng nghìn tấn và thu nhập lớn cho bà con. Mùa cam năm nay, thời tiết khá bất lợi nên nhiều diện tích cam ở Hương Đô có hiện tượng rụng quả.

Ông Nguyễn Văn Nam (thôn 1, xã Hương Đô) cho biết: “Hơn 1,5 ha cây cam chanh của gia đình đang vào độ thu hoạch thì liên tiếp gặp mưa và lũ lớn. Riêng trận lũ đầu tháng 9 khiến vườn cam của gia đình tôi ngập nước đến hơn 3 ngày, và từ đó đến nay trời liên tục mưa nên hơn 7 tấn cam quả đã bị thối, rụng. Những ngày đầu cam rụng đến đỏ vườn, cả nhà phải cật lực lắm mới có thể vận chuyển đi tiêu hủy được. Mức thiệt hại ước chừng khoảng 150 triệu đồng nên vụ cam năm nay coi như lỗ vốn, hi vọng số cam còn lại sẽ vớt vát được một ít chi phí phân bón”.

Vườn cam ông Nam thiệt hại gần 60% do rụng quả sau lũ.

Cũng ở thôn 1, xã Hương Đô, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa rụng đến hơn 500 quả sau những đợt mưa lũ vừa qua. Ông Hòa kể, sau lũ, do nhà neo người, quá bận dọn dẹp nên không kịp thu hoạch để nhờ hội nông dân “giải cứu”. Sau khi nước rút thì bưởi liên tục rụng, thiệt hại ước cũng lên đến gần 10 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Đô Nguyễn Hồng Nguyên cho biết, mưa lũ đã “cướp” mất của người nông dân khoảng 30% tổng sản lượng cam toàn xã Hương Đô. Thời tiết vẫn diễn biến bất lợi, mưa nhiều, nên thiệt hại có thể cao hơn trong thời gian tới.

500 quả bưởi của gia đình ông Hòa bị rụng, chỉ để dành làm thức ăn cho bò.

Không chỉ năm nay, mà nhiều năm trước, sau mỗi đợt lũ lụt hay mưa kéo dài, các loại cây ăn quả thường xảy ra hiện tượng rụng trái hàng loạt. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng không thể khắc phục. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu bà con nông dân chăm sóc đúng quy trình thì thiệt hại sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Ông Võ Tá Tài, cán bộ kỹ thuật Cơ sở Bảo tồn và nhân giống bưởi Phúc Trạch cho biết, cam, bưởi rụng quả sau lũ hay mưa lớn là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Nguyên nhân là do quanh phần rễ, lá các loại cây ăn quả thường tồn tại nấm Phytophthora. Mưa lớn sẽ gây ngập úng, tạo điều kiện cho chủng nấm này phát tán nhanh và xâm nhập vào các vết thương của quả khiến quả bị thối và rụng.

Hiện tượng rụng quả có thể được giảm thiểu nếu người nông dân tuân thủ quy trình chăm sóc.

Một nguyên nhân khác nữa là, khi đất bị ngập sẽ dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho rễ hô hấp, cộng với hiện tượng thừa nước, việc thoát nước không kịp của quả trong khi bộ rễ bị rối loạn nên quả dễ rụng.

Về giải pháp, ông Võ Tá Tài lưu ý: Để hạn chế tối đa thiệt hại, người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăm sóc cây ăn quả. Khi trồng cam, bưởi cần trồng nổi, trong vườn phải có đủ hệ thống tưới, tiêu chống úng cục bộ. Trong chăm sóc, tăng cường hàm lượng phân hữu cơ, thường xuyên kiểm tra độ PH trong đất (có thể cân đối bằng cách bón vôi). Nên bón các loại chế phẩm sinh học phòng trừ nấm và các tuyến trùng gây hại trong đất trước mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, cây cần được giữ ẩm thường xuyên, chỉ cần cắt tỉa và không nên xới sạch cỏ ở gốc cây.

"Khi ngập lũ, cần tiến hành tưới rửa bùn ngay khi nước rút, sau đó dùng cào xới nhẹ đất để tăng oxi cho rễ và tiến hành rải vôi trên mặt vườn với tỷ lệ 5 - 7 tạ/1 ha. Trong mùa mưa, người dân cũng không nên bón đạm hoặc phân bón giàu đạm mà nên bón nhiều kali” - ông Võ Tá Tài khuyến cáo thêm.

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/vi-sao-cam-buoi-o-ha-tinh-rung-qua-hang-loat-sau-mua-lu/180924.htm