Vì sao cha mẹ nên dạy con phản kháng khi bị bắt nạt?

Cha mẹ dù rất nghiêm khắc nhưng vẫn sẽ ủng hộ con phản kháng lại những kẻ bắt nạt.

Đề cập đến nạn bạo lực học đường, Glory - Vinh quang trong thù hận - là câu chuyện đầy nước mắt về nữ chính Moon Dong Eun.

Khi còn là học sinh, Dong Eun bị bạn học bắt nạt dã man, để lại trên thân thể và tâm trí em những vết sẹo không bao giờ lành. Có lúc tận cùng bi thương, cô bé đã nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời bên dòng sông Hàn.

Nhà trường cần nghiêm khắc cảnh cáo, kỷ luật đối với những hành vi bắt nạt, bạo lực trong môi trường giáo dục. Ảnh minh họa

Nhà trường cần nghiêm khắc cảnh cáo, kỷ luật đối với những hành vi bắt nạt, bạo lực trong môi trường giáo dục. Ảnh minh họa

Lớn lên, Dong Eun luôn ám ảnh và khao khát trả thù những người đã bắt nạt mình, từ nhóm bạn học đến các giáo viên dung túng đám học sinh nhà giàu lộng hành. Phim quy tụ dàn ngôi sao đình đám của Hàn Quốc, Song Hye Kyo đảm nhận vai nữ chính lúc trưởng thành. Do đó không khó hiểu khi bộ phim gây sốt ngay từ tập đầu phát sóng.

Trở lại câu chuyện của mình, tôi cũng từng bị bắt nạt, chế giễu khi còn nhỏ vì khác biệt với số đông. Tuy đồng cảm với Dong Eun nhưng thú thực tôi thực sự ghét cách nữ chính trả thù.

Nhớ hồi lớp 3, tôi học thêm toán của một thầy giáo rất giỏi, ở TP Vinh ai cũng tự hào khi có con theo học giáo viên này. Thầy giỏi và nổi tiếng nghiêm khắc. Trong một lần chữa bài tập, tôi xung phong giải bài toán bằng cách khác ngắn hơn 1/2 cách của thầy. Kết quả là tôi nhận ngay cái tát như trời giáng trước khi bị đuổi học.

Mẹ tôi biết chuyện liền nhờ vợ thầy tác động để tôi tiếp tục được theo học. “Dù thầy có nói gì thì con cũng phải xin lỗi. Mục đích gặp thầy là để xin cho con đi học lại, con nhớ chưa?”, mẹ tôi dặn dò.

Tôi đến nhà thầy với tâm thế mình không có lỗi nên ngồi im trong lúc mẹ nói chuyện. Không rõ hai người nói những gì, chỉ biết bà đã thực sự nổi khùng khi vị thầy giáo liên tục miệt thị con mình. Bà tức giận kéo tôi về.

Sau lần đó, tôi theo học lớp toán của các giáo viên khác và tất nhiên họ chưa bao giờ nhục mạ tôi như vậy. Thậm chí, nhiều lần tôi được các thầy khen vì có cách giải khác ngắn gọn hơn cách của thầy.

Lớn hơn chút, tôi thường xuyên bị cậu con trai cùng xóm, hơn tuổi trêu chọc. Một lần nọ, cậu ta xô tôi suýt chút nữa thì ngã xuống ao. Tôi điên máu nhổ luôn cây tre gần đó đánh trả. Cậu em trai lập tức chạy đến bênh anh, em gái tôi cũng vội vã lao tới bảo vệ chị. Chắc do chị em tôi phản kháng dữ quá, hai anh em họ cuối cùng chạy mất dép.

Chúng tôi không mách với bố mẹ vì nghĩ đó là chuyện trẻ con. Thế nhưng, mẹ cậu bạn hàng xóm đã tìm gặp mẹ tôi để “tố cáo” mọi chuyện. Nghe xong, bà chỉ nhẹ nhàng cười: “Hai con trai chị, một đứa lớp 5, một đứa lớp 3, đều lớn hơn hai đứa con gái nhà tôi. Chị nhìn thử coi, hai đứa con chị to cao, còn chị em nó bé tẹo thế kia thì gây sự được với ai? Chuyện này ai đúng ai sai chị tự nhận thức được”.

Mẹ tôi nổi tiếng hiền lành, thương người và vô cùng nhẫn nhịn ở Vinh - nơi mà người ta bảo thủ sống với rất nhiều thành kiến. Nhưng khi cần phản kháng để bảo vệ con mình, bà như thành người khác, mạnh mẽ và dũng cảm. Bởi thời đó con cái của những gia đình tri thức phải có tiếng là ngoan ngoãn, không bao giờ được “vượt rào” hay có điều tiếng bên ngoài. Thậm chí, nếu bị hàng xóm phàn nàn, bố mẹ có thể lôi con ra “tẩn” ngay mà chưa cần biết đúng sai.

Tôi hiểu, dù bố mẹ rất nghiêm khắc nhưng vẫn sẽ ủng hộ con phản kháng lại kẻ bắt nạt.

Chuyện bắt nạt học đường tưởng nhỏ nhưng hẳn không phải là nhỏ. Đầu tiên có thể chỉ là những lời nói, hành động nho nhỏ nhưng nếu nạn nhân không phản kháng thì nó sẽ biến thành bạo lực. Người bị bắt nạt nhiều năm sinh ra tâm lý ức chế, tiêu cực, chán ghét hay thậm chí hận thù với bạn bè, thầy cô, gia đình và cả xã hội.

Chẳng hạn như hồi xưa, nếu mẹ không phản kháng thì tôi có thể sẽ trở thành đứa trẻ lầm lì, ít nói, thù hận hoặc kiểu người chấp nhận, sống cam chịu. Thế nhưng mẹ hiểu và đồng ý với ứng xử của tôi, thậm chí cùng con phản kháng lại bất công để giữ cho sự trong sáng, yên bình.

Hết cấp 1, tôi học cấp 2 trường năng khiếu rồi theo học chuyên toán Trường THPT Chuyên ĐH Vinh. Rời ghế phổ thông, tôi trở thành sinh viên Ngoại thương và nhận học bổng 100% từ ĐH Quốc gia Singapore. Tôi luôn có thành tích học tập tốt mà không cần đến ông thầy bạo lực, vô lý năm nào. Tôi cũng chẳng cần chấp nhận cho người khác đánh, véo má, chê bai ngoại hình của mình để được tiếng con ngoan, trò giỏi.

Tôi sống là chính mình và phát triển lành mạnh

Sau này, tôi vẫn gặp lại hai anh em nhà hàng xóm bắt nạt mình hồi nhỏ. Họ không còn nhớ gì, mình cũng quên hết ký ức không vui vì hành động bắt nạt được dừng lại đúng lúc. Mọi người đều vui vẻ khi gặp lại nhau. Thậm chí cậu bạn còn nửa đùa nửa thật bảo: “Ước gì bố mẹ nghiêm khắc với anh hơn. Nếu thế thì có lẽ anh đã bớt lông bông và học hành tử tế như em”.

Giống như mẹ, khi có con và nuôi dạy con gái, tôi ngầm ủng hộ Emily tự phản kháng trong những trường hợp an toàn để bảo vệ bản thân. Ở hệ thống trường học của mình, tôi cũng khuyến khích học sinh có động thái tương tự trước những hành vi bắt nạt.

Chúng tôi hướng học sinh tiếp cận vấn đề theo hai chiều, không chỉ trừng phạt kẻ bắt nạt mà còn hướng dẫn các em cách phản kháng và tránh bị bắt nạt.

Ví dụ, trong tình huống bị bắt nạt, học sinh hãy phản kháng an toàn bằng việc nói “Tôi không thích bạn làm điều đó”, “Bạn phải dừng lại, tránh xa tôi ra”, “Tôi không muốn làm điều này nhưng nếu bạn tiếp tục tôi sẽ phản kháng”.

Chiều thứ hai là đào tạo giải thích để cô và trò tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của nhau, yêu thương lẫn nhau.

Gia đình, nhà trường cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình, cần nghiêm khắc cảnh cáo, kỷ luật đối với những hành vi bắt nạt, bạo lực trong môi trường giáo dục.

Có thế kẻ bắt nạt mới kịp thời thức tỉnh để không có những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.

Có thế người bị bắt nạt mới không ấm ức, hận thù hay thu mình trở thành kẻ cam chịu, hèn nhát.

Và có thế trên đời thực này mới không có những bộ phim như Glory hay những vụ bạo lực học đường rúng động dư luận thời gian qua.

HẢI YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-cha-me-nen-day-con-phan-khang-khi-bi-bat-nat-post735233.html