Vì sao chậm di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô?

'Đến nay, Thành phố đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Tuy nhiên việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm vẫn còn một số khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan'. Đầy là một trong số các nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV trong sáng nay (5/12).

Toàn cảnh buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trong sáng 5/12 (Ảnh: N. Công)

Cụ thể, đại biểu Đoàn Việt Cường nêu vấn đề tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố về việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội đô theo quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay còn chậm. Theo đó đại biểu Cường đề nghị Giám đốc Sở làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở thời gian quan và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới?

Trả lời về nội dung chất vấn nếu trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã ban hành quyết định số 74/2003 về việc di dời. Đến nay Thành phố đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Ngoài ra, Thành phố đã chỉ đạo Sở và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng danh mục các cơ sở tiếp tục phải di dời báo cáo Thành ủy, Thành phố và kỳ họp tới sẽ báo cáo danh mục di dời này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn tại Kỳ họp (Ảnh: N. Công)

Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành xây dựng quy chế về di dời nhưng chưa hoàn thành. Tâm lý các cơ sở cũng ngại di dời vì người lao động ngại đi xa; năng lực tài chính của các đơn vị để đảm bảo sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục rà soát hơn 100 cơ sở sản xuất. Cơ bản các đơn vị cũng thống nhất di dời, bên cạnh đs Sở cũng kiến nghị Thành phố bố trí kinh phí xây dựng các khu, cụm công nghiệp; Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị phải di dời.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-sao-cham-di-doi-co-so-gay-o-nhiem-ra-khoi-noi-do-100612.html