Vì sao chấp thuận yêu cầu không công khai bản án của Phan Văn Vĩnh?

Việc bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) yêu cầu không công bố bản án sơ thẩm trên cổng thông tin điện tử của tòa án và được HĐXX chấp thuận đã dấy lên một cuộc tranh luận về tính pháp lý.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chủ tọa phiên tòa (đứng) cùng Hội đồng xét xử.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chủ tọa phiên tòa (đứng) cùng Hội đồng xét xử.

Trong ngày xét xử đầu tiên, 12/11, trước khi kết thúc phiên xét xử buổi sáng, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (Chủ tọa phiên tòa) cho hay: “Theo quy định của Tòa án Nhân dân Tối cao hiện nay, bản án có hiệu lực sẽ được công bố lên cổng trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn có quyền từ chối công bố bản án vì lý do cá nhân”.

Trước ý kiến của Chủ tọa, ông Phan Văn Vĩnh ngay lập tức đề nghị được quyền từ chối công bố bản án lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án sau khi có bản án.

Đề nghị này của cựu Trung tướng công an được Chủ tọa chấp thuận, đồng thời cho rằng một khi đã có một trong số các bị cáo đề nghị không công khai bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa án thì không cần thiết phải hỏi các bị cáo còn lại.

Được biết, việc đăng tải bản án có hiệu lực lên cổng thông tin điện tử của tòa án đã được quy định tại Nghị quyết 03/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, thẩm phán Nam Hà (TAND TP Hà Nội, người từng là Chủ tọa phiên tòa xét xử đại án OceanBank) cho biết: Ở tất cả các vụ án, các bị cáo đều được đưa ra quyền lựa chọn này bởi đây là quy định mới theo Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán.

Theo đó, kể từ 01/7/2017, các bản án có hiệu lực đều công bố trên cổng thông tin điện tử. Nghĩa vụ của Thẩm phán là phải giải thích quyền lợi cho các bị cáo. Tuy nhiên, nếu bị cáo từ chối thì phải nói rõ lý do. Hơn nữa, với một bản án sơ thẩm có thể chưa có hiệu lực pháp luật nếu có kháng cáo, kháng nghị của bị cáo.

“Các bản án đều được mã hóa trước khi công bố. Thẩm phán phải giải thích về quyền lợi của các bị cáo việc công bố hay không và các bị cáo phải đưa ra lý do phù hợp quy định. Thêm nữa, bản án sơ thẩm có thể sẽ chưa có hiệu lực pháp luật nếu có kháng cáo, kháng nghị”, thẩm phán Trần Nam Hà nói.

Trong trường hợp của ông Phan Văn Vĩnh, khi TAND tỉnh Phú Thọ công bố bản án, cũng mới chỉ là bản án sơ thẩm. Ông Vĩnh và đồng phạm có thể có kháng cáo hay không chưa thể biết. Trong ngày hôm qua, ông Vĩnh không nói lý do vì sao đưa ra đề nghị trên, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cũng không đặt câu hỏi vì sao đối với bị cáo.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh được dẫn giải vào tòa.

Cũng trong buổi xét xử đầu tiên, sáng 12/11, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh) cho rằng ông Vĩnh trước đây là tướng Công an, nhưng việc bị đưa ra xét xử là cá nhân ông Vĩnh, không phải là đại diện cho cơ quan nào, nên đề nghị HĐXX yêu cầu các cơ quan báo chí "không có phát ngôn tiêu cực, tránh tình trạng các thành phần thù địch có cơ hội lấy ý kiến tiêu cực nhằm chống phá Đảng và Nhà nước".

Luật sư này cũng đề nghị HĐXX bố trí đội ngũ y tế túc trực tại phiên tòa do thân chủ của bà sức khỏe yếu, phòng lúc ông Vĩnh "không chịu đựng được".

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang.

Đáp lại ý kiến của luật sư Huyền Trang, Chủ tọa Thùy Hương khẳng định các bị cáo đều được đối xử bình đẳng như nhau. HĐXX đã bố trí sẵn nhân viên y tế túc trực trong thời gian diễn ra phiên tòa. Chủ tọa cũng cho rằng các cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp theo Luật báo chí hiện hành.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-chap-thuan-yeu-cau-khong-cong-khai-ban-an-cua-phan-van-vinh-post281691.info