Vì sao châu Âu nên từ bỏ việc đổi giờ?

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố đề xuất chấm dứt thông lệ đổi giờ mùa đông và mùa hè. Quyết định này được đưa ra sau khi kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có tới 80% công dân EU muốn hủy bỏ thông lệ chuyển đổi giờ theo mùa của EU và ủng hộ giữ giờ dùng cho mùa Hè cho cả năm.

Châu Âu và việc thay đổi giờ

Người đầu tiên gợi ý về quy ước giờ mùa hè là Benjamin Franklin - một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Mỹ. Ông vừa là một chính trị gia, một nhà khoa học, một tác giả, thợ in, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội và một nhà ngoại giao hàng đầu.

Theo AFP, vào năm 1784, ông Benjamin Franklin đã chỉ ra khả năng tiết kiệm nến bằng cách tận dụng ánh sáng ban ngày một cách có hiệu quả. Ý tưởng thực tiễn là giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm, khi tận dụng ánh sáng ban ngày của ngày làm việc từ sớm, giảm chiếu sáng ban đêm nhờ ngủ sớm.

Trong một bức thư gửi đến "Tạp chí Paris" vào tháng 4-1784, Benjamin Franklin đã đưa ra ý tưởng đổi giờ để tiết kiệm năng lượng ở châu Âu. Tuy nhiên, mãi đến năm 1907, chủ đề này mới được kỹ sư người Anh William Willett đem ra thảo luận trong bài viết "Lãng phí ánh sáng ban ngày".

Theo ông, mọi người dành phần lớn thời gian buổi sáng để ngủ nên rất lãng phí ánh sáng. Ông đề xuất điều chỉnh đồng hồ sớm hơn vào mùa hè để mọi người ra khỏi giường sớm hơn. Ý tưởng của William Willet được trình lên Hạ viện nhưng không được thông qua.

Tuy nhiên, sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra, Đức là quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng quy ước đổi giờ. Ở những nước ôn đới như Đức, vào mùa Hè ngày dài, đến 9 giờ tối trời vẫn sáng, trong khi mùa Đông 4 giờ chiều trời đã tối. Do đó, áp dụng đổi giờ để sử dụng ánh sáng ban ngày hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm năng lượng.

Chỉnh giờ tại Tháp đồng hồ Saint Luc de Dresde ở Đức. Ảnh: AFP.

Năm 1916, Đức ban hành quy định giờ tiết kiệm năng lượng. Sau đó, nước Anh cũng nối gót Đức khi thông qua Luật Tiết kiệm Ánh sáng Ban ngày năm 1916.

Tại Pháp, từ năm 1923, quốc gia này căn chỉnh giờ theo kinh tuyến của Greenwich (GMT). Khi xâm chiếm Pháp vào năm 1940, quân đội Đức Quốc xã đã đặt lại "giờ" của họ. Nước Pháp chênh lệch giờ với Đức một giờ do nằm xa hơn về phía đông. Sau khi được giải phóng, Paris không quay trở lại sử dụng giờ GMT mà để nước Pháp sử dụng giờ GMT +1.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, quy ước đổi giờ bị xóa bỏ cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973. Quy ước đổi giờ mùa Đông và mùa Hè chính thức được áp dụng tại đa số các nước châu Âu vào năm 1977, Đức tái áp dụng vào năm 1980. Theo đó, giờ mùa Đông được dùng từ chủ nhật cuối cùng của tháng 10, cũng là lúc kết thúc giờ mùa Hè. Vào lúc 3 giờ sáng, kim đồng hồ sẽ được quay lại 1 giờ, tức từ 3 giờ sang 2 giờ.

Năm 2015, một nghiên cứu được công bố cho thấy việc kéo dài thời gian ban ngày giúp tiết kiệm khoảng 59 triệu USD chi phí xã hội thường niên bởi ánh sáng ban ngày giúp giảm tỷ lệ tội phạm.

Để vượt qua được những thay đổi không có lợi cho đồng hồ sinh học, các nhà khoa học khuyên người dân nên tập thể dục, chạy bộ hoặc đi dạo để cơ thể thích ứng với nhịp điệu mới một cách dễ dàng. Trong thời gian vài tuần đầu từ lúc đổi giờ, người khó ngủ cũng không nên uống nhiều rượu và cà phê vì các chất này sẽ khiến họ tỉnh hơn.

Người dân châu Âu mệt mỏi do tác động của việc đổi giờ. Ảnh: lesoir.be.

Những bất cập cần thay đổi

Lãnh thổ 28 nước EU trải rộng trên 3 múi giờ. Tuy nhiên, theo thông lệ, công dân tại tất cả 28 nước thành viên phải điều chỉnh đồng hồ tăng thêm 1 giờ vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và quay trở về giờ mùa Đông vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10.

Ngay từ khi áp dụng, nhiều nước vẫn cho rằng, việc chỉnh đồng hồ là "con dao hai lưỡi". Mặc dù có thể sử dụng nhiều ánh sáng ban ngày, tiết kiệm điện vào buổi tối, nhưng bù lại, buổi sáng phải sưởi nhiều hơn, đặc biệt vào các tháng lạnh như tháng 3, 4 và tháng 10; qua đó, năng lượng tiêu thụ thậm chí cao hơn.

Những năm gần đây, các cuộc tranh luận về việc chuyển đổi giờ đã xuất hiện ngày một nhiều trong cộng đồng các nước châu Âu. Phần Lan, quốc gia có thủ đô nằm ở cực Bắc của khu vực đã kêu gọi EU chấm dứt thông lệ chuyển đổi giờ theo mùa vì cho rằng, quy định này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi.

Tại Pháp, tỷ lệ người dân ủng hộ từ bỏ việc đổi giờ cũng tăng cao. "Tôi nghĩ đây là một thông tin tốt với người dân bởi việc thường xuyên chỉnh giờ như vậy thực sự tác động không tốt đến đồng hồ sinh học của con người", một người dân Pháp bày tỏ.

Theo kết quả khảo sát gần đây, có tới 80% công dân EU muốn hủy bỏ thông lệ chuyển đổi giờ theo mùa của EU và ủng hộ giữ giờ dùng cho mùa Hè cho cả năm. Có ba lý do chính mà khiến công dân EU muốn từ bỏ quy ước này.

Thứ nhất, đây là một hệ thống không phổ biến và khó hiểu. Theo báo Le Monde, hiện nay chỉ có 70 quốc gia trên thế giới đổi giờ hai lần/năm. Ở châu Âu, đổi giờ là sự thay đổi thời gian hài hòa cho tất cả các nước thành viên EU kể từ năm 1998 để tạo thuận lợi cho viễn thông và giao thông. Tuy nhiên, khi việc đổi giờ không còn mang lại nhiều lợi ích, một số nước đã quyết định từ bỏ nó, điển hình là một số nước châu Âu ngoài EU.

Vào tháng 2-2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitrij Medvedev đã hủy bỏ việc đổi giờ. Vì có những ràng buộc chung về hải quan với Nga và Kazakhstan, Belarus cũng đã thông qua quyết định bãi bỏ việc đổi giờ vào thứ sáu 21-10-2011. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland cũng đã chấm dứt việc chuyển đổi giờ giữa mùa Hè và mùa Đông.

Thứ hai, lý do để ủng hộ việc đổi giờ nhằm mục đích kéo dài ban ngày trong mùa Hè và đem tới ánh sáng sớm hơn khi mùa Đông đến, từ đó tiết kiệm năng lượng và mang lại nhiều lợi ích khác. Nhưng sau này, khi nến thắp sáng đã được thay thế bằng điện, người ta nhận ra rằng, cách này không hề giúp tiết kiệm năng lượng một chút nào. Trong các hộ gia đình, hệ thống sưởi và làm mát tiêu thụ nhiều điện hơn hệ thống chiếu sáng. Việc người dân phải dậy sớm hơn đồng nghĩa với việc họ bật hệ thống sưởi và dùng điện nhiều hơn.

Người dân châu Âu chỉnh lại giờ trên đồng hồ đeo tay mỗi khi châu Âu đổi giờ. Ảnh: lematin.ma.

Một nghiên cứu của Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng (Ademe) của Pháp cho thấy, việc đổi giờ mùa hè dẫn tới việc tiêu thụ điện cao hơn vào buổi sáng, cao điểm là 6 giờ (tương đương là 5 giờ, giờ mùa đông). Trong khi đó, tiêu thụ năng lượng vào buổi tối lại ít hơn, đặc biệt là từ 20 giờ đến 21 giờ (tương đương với khoảng thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ vào mùa đông). Nói một cách khác, các hộ gia đình trả tiền điện nhiều hơn vào buổi sáng nhưng cuối cùng lại tiết kiệm vào buổi tối.

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2009 của Ademe, cơ quan này chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng điện lúc 19 giờ đã giảm 3,5 gigawatt (GW). Tổng cộng, tiết kiệm năng lượng năm đó ở Pháp đạt được ở mức 440 gigawatt/giờ (GWh), chủ yếu từ việc chiếu sáng nơi công cộng.

Còn nhà kinh tế Séc Tomas Havranek vài năm trước đã công bố nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng khi áp dụng giờ mùa Hè. Kết quả cho thấy, mức tiết kiệm vào thời điểm hiện tại là tối thiểu. "Với giờ mùa Hè, mỗi năm Séc tiết kiệm được khoảng 30 triệu korun, nghĩa là khoảng 0,0007% GDP. Mức tiết kiệm này tương tự như khi mỗi người Séc một năm làm việc nhiều thêm một phút. Và trong đó chưa tính đến nhiều hậu quả tiêu cực của việc đổi giờ", ông Michal Skorepa nói.

Lý do thứ ba là xung đột về tai nạn giao thông đường bộ. Hiệp hội chống lại đổi giờ kép (Ached) cho rằng, thay đổi giờ làm tăng các vụ tai nạn giao thông. Dựa trên những thống kê từ năm 1976-năm áp dụng lại quy ước đổi giờ - Ached cho biết, trung bình có thêm 661 ca tử vong trên đường từ tháng 4 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm 1975.

Lí do cuối cùng và cũng là thuyết phục nhất khiến việc đổi giờ không được hoan nghênh, đó là việc các nhịp điệu sinh học của con người không thể thích ứng ngay với giờ mới. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự thay đổi thời gian gây rối loạn thời gian ngủ và có thể ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc. Khoảng 25% con người thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, sự tập trung, cảm thấy mệt và đau đầu khi thời gian biểu bị xê dịch.

Theo các nghiên cứu khoa học của Australia được thực hiện vào năm 2008, việc đổi giờ còn ảnh hưởng tới tâm lý con người, khiến số lượng người tự tử trong vòng 1 tuần kể từ lúc đổi giờ tăng vọt. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Canada cũng phát hiện ra rằng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thời khắc đổi giờ cũng tăng đến 8% so với thông thường. Với các tai nạn lao động xảy ra trong ngày đầu tiên sau khi đổi giờ thì con số này là 6%. Hãng bảo hiểm Đức DAK qua nghiên cứu khảo sát của mình cho biết, vì thay đổi giờ, tới 1/5 dân chúng có vấn đề về tâm lý và thể lực.

Năm 2008, một nghiên cứu của Thụy Điển đăng trên tờ New England Journal of Medicine dựa trên những thống kê trong nước giữa năm 1987 đến 2006 chỉ ra rằng, "sự gia tăng đáng kể về nguy cơ đau tim" ngay trong tuần đổi giờ mùa Đông sang mùa Hè.

Trước sự phản đối việc đổi giờ của phần lớn người dân châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, ông sẽ đề xuất kế hoạch này ra thảo luận trong Ủy ban châu Âu, sau đó sẽ là lấy ý kiến của chính phủ các nước thành viên EU bởi bất kì sự thay đổi nào cũng cần phải được Chính phủ mỗi nước thành viên và Nghị viên châu Âu thông qua trước khi trở thành luật.

Yên Phúc

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/vi-sao-chau-au-nen-tu-bo-viec-doi-gio-509400/