Vì sao châu Âu ủng hộ Ukraine khiêu khích biển Azov?

Các nước châu Âu sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga vì liên quan đến tình hình căng thẳng ở khu vực biển Azov.

Mới đây liên minh châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi các cơ quan chức năng EU áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì tình hình trên biển Azov.

Để giám sát và cập nhật tình hình ở khu vực này họ đã đề nghị bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề Crimea và Donbass, hãng tin RIA Novosti cho biết.

Căng thẳng trên biển Azov tiếp tục leo thang.

Nghị quyết nêu rõ, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa nếu tình hình ở vùng biển Azov ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu nhấn mạnh rằng cầu Kerch được Nga xây dựng trái phép và đề nghị trừng phạt 6 công ty của Nga đã tham gia xây dựng cây cầu này, bao gồm công ty Stroygazmontazh-Most, VAD JSC, Zaliv Shipbuilding Plant, PJSC Mostotrest , Viện Giprostroymost , Croygazmontazh - SGM Group.

Theo đó họ sẽ đóng băng tài sản của các công ty này ở EU và cấm các cá nhân cũng như đại diện của các công ty đăng ký ở Liên minh EU, không cho họ thực hiện chuyển khoản hoặc thanh toán các hợp đồng.

Theo giáo sư, nhà khoa học chính trị Yury Pochta, châu Âu hoàn toàn có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga nhưng điều này sẽ không thay đổi gì cả.

“Châu Âu không muốn thừa nhận rằng Nga là một quốc gia có chủ quyền, rằng nước này có lợi ích riêng và quyền của họ đối với tình hình địa chính trị trên biên giới. Họ muốn Nga chấp nhận và đi theo con đường mà họ vạch ra”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông các chính trị gia phương Tây bắt đầu nhận ra rằng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, châu Âu và Ukraine nhằm chống lại Nga đều không hiệu quả.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, Nga có thể thực hiện bước đi mới nhằm giải quyết vấn đề này, có thể thông qua thỏa thuận Minsk hoặc công nhận các nước cộng hòa Lugansk và Donetsk.

Trong khi đó để tiếp tục gây áp lực lên Nga, Nghị viện châu Âu tuyên bố nếu tình hình biển Azov trở nên trầm trọng hơn thì lỗi là do Nga và họ có lý do để trừng phạt Nga và thậm chí hiện diện của các tàu chiến tới khu vực này.

Azov là một biển nội địa của hai quốc gia Nga và Ukraine nhưng hiện nay Nga đang muốn phong tỏa vùng biển này, họ đã xây dựng một cây cầu, phỏng tỏa Mariupol và Berdyansk. Các tàu chiến của Mỹ và NATO sẽ bị cấm đi vào vùng biển này.

Nhớ lại rằng tình hình trên Biển Azov đã leo thang vào tháng 3/2018, khi Ukraine bắt giữ tàu đánh cá Nord với mười thành viên trên tàu. Thuyền trưởng của tàu phải đối mặt với 5 năm tù giam vì tội xâm phạm trái phép. Vào tháng 8/2018, tàu chở dầu "Mechanic Pogodin" đã bị giam giữ tại cảng Kherson.

Đáp trả các hành động này của Ukraine, Moscow đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đồng thời phong tỏa các cảng biển, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại phiên họp Đại hội đồng LHQ đã cảnh báo Nga dự định chiếm biển Azov.

Nguyễn Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-chau-au-ung-ho-ukraine-khieu-khich-bien-azov-3368093/