Vì sao chỉ một tin từ YouTube đã 'cuốn phăng' hàng nghìn tỷ của Yeah1?

'Lợi thế của việc kinh doanh dựa vào nền tảng có sẵn là tăng trưởng rất nhanh, nhưng buộc phải tuân thủ luật chơi của các nhà tạo lập sân chơi đó'.

Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán đến nay.

Khởi phát từ thông tin YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.

Điều này dẫn tới việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của mạng đa kênh này. Đồng thời, 2 mạng đa kênh khác thuộc Yeah1 cũng chịu liên đới với chính sách tương tự là Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

Cổ phiếu doanh nghiệp này không chỉ rơi xuống vùng giá thấp nhất lịch sử mà hàng nghìn tỷ vốn hóa cũng đã bị "thổi bay" bởi sự cố lần này.

Nguồn: VNDirect.

Khoản đầu tư chưa tới 116 triệu

Chính lãnh đạo doanh nghiệp này cũng không thể ngờ khoản đầu tư chỉ gần 116 triệu đồng lại là khởi nguồn cho đợt khủng hoảng lớn nhất của mình.

Theo đó, mối quan hệ của Yeah1 và SpringMe mới xuất phát từ năm 2017, khi tập đoàn này chi gần 116 triệu đồng để đổi lấy 16,93% vốn sở hữu và 19% tỷ lệ biểu quyết tại đây.

Tuy không có thông tin về giá trị hợp lý của khoản đầu tư này do SpringMe chưa niêm yết, nhưng ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT tin rằng giá trị hợp lý của SpringMe cao hơn giá trị sổ sách rất nhiều.

Cùng với việc SpringMe tăng vốn trong năm 2018, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư mà Yeah1 rót vào đây cũng tăng lên mức 7,7 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu và tỷ lệ quyền biểu quyết không thay đổi. Như vậy, SpringMe trong năm 2018 đã tăng vốn gấp 66 lần từ mức 685 triệu đồng (2017) lên gần 46 tỷ đồng.

Cũng từ khoản đầu tư gián tiếp này mà 2 mạng đa kênh lớn do Yeah1 sở hữu đang bị áp dụng chính sách tương tự từ nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới - YouTube.

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu của Yeah1 trên sàn chứng khoán đã giảm sàn 10 phiên liên tiếp tính đến nay. Từ mức giá 245.000 đồng (ngày 1/3), hiện tại còn 118.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa tập đoàn này cũng đã bốc hơi gần 4.000 tỷ so với hai tuần trước.

Giữa tháng 1, Yeah1 còn công bố hoàn tất thương vụ mua lại 100% cổ phần ScaleLab LLC thì đến đầu tháng 3, tập đoàn đã phải vội vã bán lại để thu hồi khoản đầu tư 12 triệu USD tại đây.

Nguyên nhân do đâu?

Chia sẻ với PV, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện cho rằng việc bị YouTube chấm dứt thỏa thuận có thể không kéo dài quá lâu, nếu các MCN (multi channel network) của Yeah1 không vi phạm chính sách.

“Đây chỉ là bước đầu của quá trình điều tra vi phạm từ phía YouTube, nếu họ phát hiện sai phạm tại Yeah1 Network và ScaleLab thì chắc chắn hệ thống MCN của Yeah1 sẽ bị xử phạt. Còn trong trường hợp không có sai phạm như lãnh đạo Yeah1 cam kết, YouTube sẽ tiếp tục nối lại thỏa thuận với nhà cung cấp này”, một chuyên gia trong lĩnh vực Adsense cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Huy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DigiPencil, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực digital marketing cho hay nguyên nhân khiến cổ phiếu Yeah1 chịu ảnh hưởng rất lớn từ thông tin này chính là việc truyền thông định vị doanh nghiệp.

Cụ thể, trên thực tế, ngoài mảng MCN, Yeah1 còn có những mảng phát triển nội dung chất lượng khác như kênh truyền hình, điện ảnh, hệ thống các fanpage truyền thông... Nhưng Yeah1 dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực MCN nên thường nhắc đến mảng này khi truyền thông về doanh nghiệp.

“Là công ty đại chúng, có lẽ Yeah1 chọn truyền thông về mảng MCN, là mảng có tỷ trọng doanh thu cao nhất và khả năng tăng trưởng nhanh nhất để định vị mình... Ngay khi mảng này có vấn đề thì ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu là điều dễ hiểu”, ông Huy lý giải.

Vị chuyên gia cũng cho biết thực tế mô hình hoạt động của Yeah1 không mới tại Việt Nam, nhưng trước tập đoàn này chưa từng có sự sáp nhập nào để trở thành tập đoàn rồi niêm yết trên sàn chứng khoán như Yeah1.

Cái giá của việc phụ thuộc vào YouTube?

Phân tích về việc các doanh nghiệp như Yeah1 hoạt động gắn với nền tảng lớn, có sẵn trên thế giới (như YouTube, Google, Facebook…), ông Huy cho biết ưu điểm chính là khả năng tăng trưởng nhanh vì được "đứng trên vai người khổng lồ".

"Tuy nhiên, tập trung làm việc với các nền tảng quốc tế, buộc doanh nghiệp Việt phải tuân theo luật của họ và trong mọi luật chơi đều ghi rằng quyết định cuối cùng thuộc về nhà tổ chức sân chơi. Đó là nhược điểm", ông Huy cho hay.

Quay trở lại trường hợp của Yeah1, việc tập đoàn này quyết định chiến lược tập trung vào mảng MCN, thì chắc chắn ban lãnh đạo đã có đánh giá ưu, nhược điểm.

Vị chuyên gia cũng cho biết một phần cuộc khủng hoảng của Yeah1 cũng đến từ việc các công ty công nghệ khổng lồ đều đang bị áp lực về vấn đề an toàn thông tin.

Trong khi Facebook phải điều trần về bảo mật thông tin cá nhân, thì YouTube chịu sức ép về nguy cơ nội dung không an toàn.

Vấn đề này ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nên họ (YouTube - PV) cần phải hành động mạnh mẽ, đặc biệt với các đối tác của mình như Yeah1.

Nguồn: BCTC Yeah1 2018

Về việc, Yeah1 vội vã bán đi ScaleLab, ông Huy cho rằng động thái này như một lời khẳng định thái độ của MCN đối với vi phạm của mình. Cao hơn là nhằm mục đích xây dựng lại niềm tin đối với nền tảng YouTube và cộng đồng nhà đầu tư.

Trong khi đó, việc bán đứt ScaleLab giúp mạng đa kênh này thoát khỏi liên đới trước đó với SpringMe sẽ phụ thuộc vào những trao đổi riêng giữa các bên.

Ông Huy cũng khẳng định nếu nhìn vào cốt lõi hoạt động kinh doanh và sản xuất nội dung thì có thể thấy rằng cơ hội phát triển vẫn còn đó. Và sau giai đoạn này, chắc sẽ có nhiều bài học được rút ra và một chiến lược phát triển doanh thu bền vững hơn sẽ được đưa ra với Yeah1.

“Bài học quan trọng ở đây không chỉ là trách nhiệm quản lý các kênh nội dung số của MCN như Yeah1 cam kết với YouTube, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng mạng nói chung. Để đảm bảo cho một không gian mạng an toàn, đặc biệt là cho trẻ em”, ông Huy nhấn mạnh.

Sau khi sự cố với YouTube diễn ra, ban lãnh đạo Yeah1 cho biết đã làm việc với YouTube và sẽ cập nhật thông tin kết quả làm việc muộn nhất vào ngày 11/3.

Tuy nhiên, đến nay, Yeah1 chưa công bố thông tin liên quan tới kết quả làm việc với YouTube. Nguồn tin cho biết Yeah1 đã thất bại trong các cuộc đàm phán này.

Đến sáng ngày 14/3, danh sách kênh thuộc network của Yeah1 chỉ còn hơn 600 kênh, giảm gần 1.000 kênh so với thời điểm đầu tháng 3, theo số liệu trên trang thống kê Kedoo. Điều này cho thấy các kênh hoặc đã bị đá khỏi hệ thống Yeah1 Network, hoặc đã được "chuyển nhượng" sang network mới.

Trong khi các lãnh đạo và cổ đông doanh nghiệp đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu, nhưng YEG vẫn liên tục giảm sàn suốt 10 phiên giao dịch gần nhất. Hiện vẫn còn hơn 2,2 triệu cổ phiếu (hơn 7% vốn cổ phần) đang bị rao bán ở mức giá 118.800 đồng/cổ phiếu.

Theo Zing News

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/vi-sao-chi-mot-tin-tu-youtube-da-cuon-phang-hang-nghin-ty-cua-yeah1-3498102.html