Vì sao Christopher Nolan được gọi là quái kiệt điện ảnh?

Trong sự nghiệp trải dài hơn hai thập kỷ, nhà làm phim người Anh đem tới hàng loạt tác phẩm kinh điển và xác lập cho bản thân vị trí độc tôn tại kinh đô điện ảnh.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Hollywood Reporter, khi được hỏi công việc của một đạo diễn là gì, Christopher Nolan trả lời không chút do dự: “Làm phim, tức là kết hợp các khung hình lại với nhau”.

Câu trả lời đơn giản kiểu hiển nhiên gây bất ngờ, bởi ai cũng biết Nolan nổi tiếng với cách kể chuyện phức tạp vượt xa khuôn khổ điện ảnh thông thường, cũng như cấu trúc điện ảnh lớp lang đầy sáng tạo.

Ở tuổi 50, các bộ phim của Christopher Nolan đã nhận tổng cộng 34 đề cử Oscar, trong đó có 7 lần giành chiến thắng, với tổng doanh thu toàn cầu lên đến 4,7 tỷ USD. Chừng đó con số là đủ để chứng minh Nolan thành công ở cương vị “làm phim”.

Song, sau chừng ấy tác phẩm, sự vĩ đại trong phong cách làm phim của người đạo diễn vẫn rất khó để giải thích như chính cha đẻ chúng. Làm thế nào mà nhà làm phim lại có thể thành công đến thế trong một lĩnh vực đã có quá nhiều cá nhân kỳ tài, quá nhiều công nghệ thuận tiện như điện ảnh hiện đại?

“Đừng ngại để mơ lớn hơn một chút”

Đa số biết tới Christopher Nolan khi ông đã ở đỉnh cao thành công. Lần lượt Inception, bộ ba Dark Knight về Người Dơi, Dunkirk, thực chất là sản phẩm của một quá trình phát triển và học hỏi, thử nghiệm và sai sót của vị đạo diễn. Tính thống nhất được Nolan minh chứng không chỉ trong phong cách điện ảnh, mà ở cả sự cam kết với niềm đam mê vốn đã tồn tại bên con người này từ khi còn là một đứa trẻ.

Sinh ra tại Anh quốc, Christopher Nolan bắt đầu làm phim từ khi mới 7 tuổi sau khi được dẫn đi xem Star Wars 2001: A Space Odyssey. Sử dụng chiếc camera Super 8 của cha mình, cậu bé Nolan ngày đó đã khám phá những bước đầu tiên trong lĩnh vực làm phim.

 Niềm đam mê làm phim tồn tại bên trong Christopher Nolan từ khi ông mới là một cậu bé.

Niềm đam mê làm phim tồn tại bên trong Christopher Nolan từ khi ông mới là một cậu bé.

Giữa những cuộc di chuyển liên tục giữa quê cha London và quê mẹ Chicago, Nolan theo học bộ môn văn học Anh tại Đại học London và bắt đầu thực hiện các dự án phim ngắn. Lý do ông lựa chọn Đại học London? Do cơ sở vật chất của ngôi trường phù hợp với việc quay phim.

Christopher Nolan chưa bao giờ thành công với ngành học mà mình theo đuổi. Giáo sư giảng dạy cho rằng cậu học trò này chưa bao giờ tỏ ra hứng thú. Thứ duy nhất Nolan quan tâm đến là những cơ hội quý giá để làm phim.

Chúng cho phép chàng thanh niên tham gia trực tiếp vào mọi quá trình thực hiện, cân nhắc mọi thứ thật chỉn chu do kinh phí eo hẹp, rèn luyện tinh thần cộng tác cùng người khác. Những tác phẩm phim ngắn như Tarantula, Larceny hay Doodlebug là bước đệm trước khi vị đạo diễn thực sự tiến đến những dự án táo bạo hơn.

“Cú nhảy niềm tin” đầu tiên

Bộ phim đen trắng có thời lượng 70 phút của Nolan - Following (1998) - xoay quanh một nhà văn cô đơn bị ám ảnh với việc bám đuôi người lạ trên phố trước khi gặp gỡ một tên trộm. Kinh phí dự án thuộc dạng “rẻ bèo”: khoảng 6.000 USD.

Đội ngũ trong mơ ngày ấy bao gồm Christopher Nolan trên ghế đạo diễn kiêm dựng phim, Emma Thomas - vợ của Nolan - là nhà sản xuất, nam chính làm việc trong ngành xuất bản, còn Alex Haw là kiến trúc sư. Họ gặp nhau trong các buổi cuối tuần, ghi hình khoảng 1-2 tiếng rồi ai lại về nhà nấy.

Following của Nolan từng tiêu tốn khoản kinh phí chỉ khoảng 6.000 USD.

Ròng rã suốt một năm như thế, với bối cảnh mượn hết từ nhà người bạn này sang nhà người quen khác, tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên, Following cuối cùng cũng hoàn thành như một dự án sinh viên kiểu tiết kiệm.

Giống như viên ngọc chưa được mài giũa, những cạnh thô sắc còn chút vụng về của Following không che giấu được vẻ đẹp của một bộ phim neo-noir chắc tay, cũng như tài nghệ xuất sắc của người kiến tạo. Ở đó, khán giả hẳn sẽ linh cảm thấy những yếu tố sau này làm nên thành công cho nhà làm phim: cách Nolan chơi đùa cùng lối kể chuyện phi tuyến tính, sự ám ảnh với thời gian, những nhân vật hành động táo bạo để thay đổi thực tại…

Christopher Nolan đem Following tới các liên hoan phim, đồng thời cùng em trai Jonathan Nolan lên ý tưởng phác thảo cho dự án tiếp theo mang tên Memento. Họ biết rằng ngay khi nhà sản xuất nào đó có hứng thú với Following, anh có thể giới thiệu kịch bản mới. Đó là nước cờ đón đầu thông minh giúp vạch định ranh giới giữa Nolan và các nhà làm phim non trẻ. Sau khi Following được đón nhận nồng nhiệt, Newmarket Films đã chấp nhận kịch bản của Memento và cấp nguồn kinh phí 4,5 triệu USD.

Những gì sau đó là lịch sử.

“Nolan-esque”

Hậu tố “-ian” hay “-esque” được hiểu như tác phẩm mang phong cách đặc trưng của một người nghệ sĩ. Trong điện ảnh, số ít nhà làm phim với gia tài đồ sộ và phong cách độc đáo được gọi tên như một trường phái, chẳng hạn như Lynchian, Kubrickian, Felliniesque.

Một số người sẽ cảm thấy khập khiễng khi so sánh Nolan với Alfred Hitchcock hay Stanley Kubrick. Tuy nhiên, thể loại phim của ông trải dài từ lịch sử, siêu anh hùng đến khoa học viễn tưởng, và “chất riêng” trong phong cách đạo diễn cùng những đóng góp giúp thay đổi Hollywood hiện đại của Christopher Nolan là điều không thể chối cãi.

Năm 2010, một người hâm mộ vô danh trên mạng Internet định nghĩa “Nolan-esque” như sau: “là bộ phim mang nét đặc trưng bởi một cốt truyện phức tạp. Trong đó, tâm lý nhân vật là động lực thúc đẩy diễn biến. Phong cách đặc trưng bao gồm cấu trúc phi tuyến tính, cốt truyện phức tạp và bất ngờ, các nhân vật bị dày vò. Các chủ đề chính bao gồm sự ám ảnh, tiềm thức, trực giác, cảm giác tội lỗi và lừa dối. Hay nói ngắn gọn, là một bộ phim ‘hại não’”.

"Hại não" là từ mà nhiều khán giả dùng để mô tả phim của Nolan.

Có lẽ “hại não” là tính từ tương đối phổ biến dùng để nói về phim của Nolan. Inception, The Prestige, Insomnia, Memento đều là những tác phẩm đòi hỏi sự tập trung cao độ bởi các sự kiện chồng chéo trong một kịch bản phức tạp. Ngay cả Dunkirk, bộ phim lịch sử về sự kiện quân Đồng minh rút lui, cũng được chia cắt thành ba chiến tuyến (bầu trời, mặt đất, trên biển) với tốc độ thời gian khác nhau.

Cốt truyện phi tuyến tính không phải là thứ mới mẻ, nhưng Nolan đã khéo léo biến chúng thành công cụ kể chuyện thay vì một thế lực chi phối nhân vật. Rất thường xuyên, khán giả bắt đầu cảm thấy có gì đó không đúng ở một thời điểm trong phim, rồi chợt phát hiện ra thứ họ đang thấy không phải là sự kiện đang xảy ra lúc này.

Đột nhiên, người xem cảm thấy mình đang đứng lầm chỗ, rằng tất cả giả thuyết của bản thân về thế giới không ổn. Điều gì là thực? Đâu mới là hiện tại? Quá khứ liệu có đúng như những gì bạn ghi nhớ? Niềm vui khi thưởng thức một bộ phim của Nolan không chỉ nằm trong câu trả lời, mà trong chính mê cung tâm lý bất tận được vẽ ra nhằm khuyến khích khán giả hiểu sai về câu đố.

Thập niên 1990, khi những ranh giới xác định cho điện ảnh và nghệ thuật bị bào mòn, những xáo trộn trong xã hội, văn hóa, lịch sử đã phần nào gây ảnh hưởng đến màn ảnh thời kỳ này. FollowingMemento của Nolan, cùng với Groundhog Day, The Usual Suspects, Eternal Sunshine of the Spotless Mind, Being John Malkovich hay Fight Club là một số đại diện tiêu biểu cho dòng phim đặc trưng trong thời điểm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Chúng không chỉ đặt ra những câu hỏi về thực tại, mà còn cho cả chính cấu trúc điện ảnh bên trong tác phẩm. Cho tới tận bây giờ, các bộ phim của Nolan vẫn tiếp tục khám phá những chủ đề mang tính hiện sinh muôn phần phức tạp như chủ nghĩa duy vật, sự không xác tín của trí nhớ con người, sự tồn tại, bản chất của thời gian, đạo đức, nhân quả, sang chấn tâm lý, sự định danh...

Christopher Nolan trên trường quay bộ phim Inception.

Memento là hành trình tìm kiếm kẻ giết vợ của một người đàn ông mắc chứng mất trí nhớ tạm thời. Inception theo chân một nhóm “kẻ cắp giấc mơ” đi sâu vào những tầng tiềm thức con người. Còn với loạt Dark Knight vốn thuộc thể loại siêu anh hùng, Nolan thực chất đã kéo những gì là siêu nhiên trở lại trong hình hài con người với đầy đủ cung bậc cảm xúc và khiếm khuyết. Sau cùng, thứ “sức mạnh” lớn nhất mà Batman, Joker hay Bane sở hữu hóa ra nằm ở tầm ảnh hưởng xã hội.

Tính nhất quán và bảo vệ những giá trị bền vững luôn là thứ mà người Anh tự hào. Không giống nhiều nhà làm phim trong quá trình dấn thân vào Hollywood đã đánh mất bản sắc tài nghệ, Nolan khăng khăng giữ lấy chúng như một thói quen cố hữu.

Christopher Nolan mang một nửa dòng máu Mỹ, nhưng khí chất Anh quốc không thể che giấu từ cách đi đứng, ăn mặc cho đến thái độ làm việc của ông. Đồng nghiệp kể lại rằng để chuyên tâm vào công việc, Nolan thường chỉ mặc vest lên phim trường “bởi thật tốn năng lượng khi phải nghĩ chuyện mặc gì mỗi ngày”. Ông cũng không dùng điện thoại di động, không có Gmail, trên tay chỉ thường trực tách trà.

Trong khi nhiều người đã chuyển sang sản xuất phim bằng các thiết bị kỹ thuật số, thậm chí như Steven Soderbergh còn làm cả một bộ phim hoàn chỉnh bằng iPhone, thì những cuộn phim “bền vững và đáng tin cậy” vẫn luôn là lựa chọn số một của Nolan.

Hậu trường mỗi dự án của Nolan đều chứa đựng những câu chuyện đặc biệt.

Bên cạnh những chủ đề chung, phương thức làm phim của Nolan cũng chứa đựng những dấu ấn rất đặc biệt được đánh dấu bởi cách dựng song song hai câu chuyện (cross-cutting), sự kết hợp của hình học, biểu đồ, sự cẩn thận trong từng chi tiết, ưa thích sử dụng bối cảnh tự nhiên và hiệu ứng thực tế thay vì CGI.

Như phân đoạn đánh lộn trong thang máy của Inception được dựng bên trong một khung gỗ quay tròn để tạo hiệu ứng mất cân bằng và rơi tự do như trong phim. Tương tự, đoàn làm phim đã trồng hơn 2.000 m2 cánh đồng ngô chỉ để phục vụ quá trình sản xuất của Interstellar.

Giữa bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh bị chi phối bởi các sản phẩm kỹ thuật số, nặng về kỹ xảo, sự cam kết của Christopher Nolan với những giá trị kinh điển đã giúp định hình vị trí và dấu ấn của vị quái kiệt trong lòng khán giả.

Thách thức định nghĩa về điện ảnh

Bắt đầu sự nghiệp bằng những dự án phim ngắn (Following) hay phim cult (Memento), chịu ảnh hưởng từ phim noir, Nolan thực sự nổi danh bằng thể loại phim bom tấn. Sự thành công của nhà làm phim đã thay đổi mãi mãi kỳ vọng của công chúng đối với một dự án kinh phí lớn. Các thể loại điện ảnh quen thuộc như tâm lý, bí ẩn, lịch sử, qua bàn tay nhào nặn của Nolan, đã phá vỡ những ước lệ quy chuẩn thông thường để chạm tới biên giới mới của nghệ thuật.

Bộ ba Dark Knight của Nolan giúp cải cách định nghĩa về dòng phim tưởng như không bao giờ có thể khá hơn Batman của Tim Burton, đem lại chiều sâu cho hệ thống nhân vật vốn nằm rạch ròi ở hai phe thiện - ác, và chứng minh rằng ngay cả siêu anh hùng lỗi lạc nhất cũng đầy thiếu sót. Sự sa ngã của người hùng, không chỉ giới hạn trong ba phim về Người Dơi, là một trong những đặc trưng của “Nolan-esque”.

Nolan có lần phát biểu: “Phá vỡ luật lệ không thú vị gì. Thú vị phải là tạo ra thứ gì đó mới để người ta cảm thấy lôi cuốn”.

Thành công về mặt thương mại hòa quyện ngọt ngào với những lời tán dương nghệ thuật. Trong một thập kỷ qua, Nolan đã chứng minh tài năng của bản thân trong việc thu hút sự chú ý của khán giả vào những ý tưởng lớn, bất kể chúng trừu tượng và khó hiểu đến đâu. Điều đó quả không dễ dàng trong kỷ nguyên “mỳ ăn liền” của vô số phim hậu truyện, tiền truyện, ngoại truyện… Tồn tại giữa bối cảnh đó, Nolan dường như chỉ hứng thú với những ý tưởng nguyên bản.

Inception và loạt Dark Knight được nhiều người biết tới hơn, Dunkirk có lẽ mới là tác phẩm mang đúng tầm vóc của Nolan nhất từ trước tới nay. Bộ phim hội tụ sự đột phá trong cách kể chuyện, tính nhất quán, khả năng kể chuyện bằng hình ảnh (show, don’t tell), sự thao túng bằng âm thanh và âm nhạc... Tất cả làm rõ tư duy của vị đạo diễn coi điện ảnh như một loại hình nghệ thuật phức tạp, thay vì chỉ kể một câu chuyện thú vị.

Nolan ý thức rằng điện ảnh không chỉ có kịch bản, mà là tổ hợp của âm thanh, ánh sáng, khung hình, cốt truyện, diễn xuất... và muôn vàn chiều kích khác. Cảm xúc dâng trào, hồi hộp, buồn bã, nghi hoặc và phấn khích của khán giả mỗi khi tới rạp thưởng thức phim của Nolan, chính là phần thưởng cho cố gắng hoàn thiện từng mảng miếng nhỏ trong bản giao hưởng điện ảnh ấy.

Cho đến giờ, Nolan dường như vẫn nằm ngoài dòng chảy của Hollywood, nhưng luôn gặt hái thành công.

Đó có lẽ là lý do Christopher Nolan tiếp tục làm việc với những đồng nghiệp lâu năm, từ nam diễn viên gạo cội Michael Caine, nhà soạn nhạc Hans Zimmer, cho tới nhà sản xuất và cũng là người vợ sát cánh trong hơn hai thập kỷ Emma Thomas. Họ là các cá nhân kiệt xuất thấu hiểu cách làm việc và tầm nhìn của vị đạo diễn, và giống như những thành phần không thể thiếu trong trải nghiệm điện ảnh mà Nolan tạo ra.

Mang âm hưởng của James Bond, bộ phim mới nhất của Nolan mang tên Tenet dù chưa ra mắt đã trở thành phép thử với thời gian cả ở trên và phía sau màn ảnh. Hãng Warner Bros. liên tục phải lùi ngày ra mắt tác phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

Quyết định táo bạo chiếu phim vào cuối tháng 8, khi hầu hết bom tấn khác đều chưa rõ số phận ra sao, đặt Tenet vào sứ mệnh bất đắc dĩ. Liệu bộ phim tiêu tốn 200 triệu USD có đủ sức giúp hồi sinh ngành công nghiệp phim chiếu rạp sau thời kỳ dài đóng cửa vì dịch bệnh? Liệu chất lượng của bộ phim có vượt kỳ vọng công chúng để khuyến khích họ ra rạp? Còn nếu thất bại, những dự án phim gốc táo bạo và độc đáo như của Nolan có tiếp tục được khuyến khích tại Hollywood?

Cây bút nổi tiếng David Ehrlich từng nhận xét: “Nolan đã làm nên sự nghiệp bằng cách phơi bày sự nghèo nàn của nền điện ảnh bom tấn”. Điều này càng đúng trong bối cảnh hiện tại, khi toàn bộ phim bom tấn vắng bóng ngoài rạp, để lại cơ hội và thách thức lớn lao cho Tenet. Vị đạo diễn tài danh từng góp phần thay đổi bộ mặt của Hollywood, nay đứng trước trách nhiệm giải cứu ngành công nghiệp điện ảnh thời kỳ dịch bệnh.

Trailer của bộ phim 'Tenet' Bom tấn khoa học viễn tưởng có kinh phí sản xuất gần 200 triệu USD của đạo diễn Christopher Nolan.

Như Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-christopher-nolan-duoc-goi-la-quai-kiet-dien-anh-post1122850.html