Vì sao chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Các chuyên gia đều thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, vì nếu không thi học sinh sẽ không học. Theo TS Trần Thị Tâm Đan, nên giữ kỳ thi như hiện nay: Thi tại địa phương, có sự tham gia của các trường ĐH, đề thi trong chương trình lớp 12, bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp và phân hóa tạo điều kiện cho việc tuyển sinh...

Ảnh minh họa

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, so với dự Luật Giáo dục đã trình Quốc hội trước đó, dự Luật lần này bổ sung chính sách với nhà giáo và miễn học phí THCS; có chính sách chăm lo cho bậc mầm non, trước mắt là các cháu 5 tuổi (không phân biệt công tư)... Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tính chất công việc, theo vùng…

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các chuyên gia đều thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, vì nếu không thi học sinh sẽ không học. Theo TS Trần Thị Tâm Đan, nên giữ kỳ thi như hiện nay: Thi tại địa phương, có sự tham gia của các trường ĐH, đề thi trong chương trình lớp 12, bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp và phân hóa tạo điều kiện cho việc tuyển sinh. Chấm thi có sự quản lý của Bộ GD&ĐT; tổ chức các cụm chấm thi cho một số tỉnh và huy động giáo viên chấm thi ở các trường ĐH cũng như các địa phương.

Ở bậc ĐH, GS Đặng Ứng Vận - Trường ĐH Hòa Bình cho rằng cần bổ sung 2 nội dung vào Luật Giáo dục ĐH. Đó là kiểm định và việc làm cho sinh viên. Các trường phải công khai vấn đề việc làm cho sinh viên bởi liên quan đến vấn đề chi trả tín dụng của sinh viên. Sinh viên ra trường có việc làm, lương có đủ để chi trả tín dụng đã vay để đi học không?

Về chính sách giáo viên, các ý kiến đều tán đồng lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đồng thời đề nghị giữ chế độ phụ cấp thâm niên vì đây là đặc thù của ngành Giáo dục. Nếu luật hóa được điều này sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã đề xuất bỏ biên chế vĩnh viễn đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công lập. Ông Khang cho rằng việc khó nhất hiện nay là giải quyết hậu quả của hàng chục năm trước để lại bởi biên chế công chức, viên chức quá lớn, người làm được việc thì ít, người yếu kém thì nhiều. Tâm lý bám vào nhà nước còn đang nặng nề.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội lại cho hay nếu bỏ biên chế giáo viên ở thời điểm này là chưa phù hợp vì nhiều lý do. Thực tế lương giáo viên rất thấp, đặc biệt là lương của giáo viên hợp đồng. Trường hợp 400 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị cắt hợp đồng vừa rồi, có người giảng dạy gần 20 năm lương vẫn chưa được đến 1,5 triệu.

Thế nhưng, áp lực cho giáo viên bây giờ là rất lớn khi lương thấp lại chịu áp lực “trên đe, dưới búa” từ thành tích của nhà trường lẫn áp lực từ phụ huynh học sinh, học trò cá biệt… Ở TP, áp lực lớn nhất là làm sao dạy tốt cho một lớp có sĩ số đến 60-70 cháu, trong khi phụ huynh quá kỳ vọng ở nhà trường. Còn ở miền núi vùng cao là làm sao để học sinh vượt qua khó khăn để đến trường.

Cũng theo TS Lâm, khi xóa bỏ biên chế, hiệu trưởng các trường có quyền hạn rất lớn, nếu không có sự đào tạo và tuyển chọn thì rất có khả năng “giao trứng cho ác”, nảy sinh nhiều tiêu cực. Nếu quyền lực tập trung về tay hiệu trưởng, họ có quyền tuyển dụng, quyền sinh quyền sát đối với giáo viên thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc ấy giáo viên có khi phải lo làm sao lấy lòng hiệu trưởng để không bị mất việc còn hơn là lo lên lớp giảng bài cho học sinh.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/vi-sao-chua-the-bo-ky-thi-tot-nghiep-thpt-409272.html