Vì sao cổ phiếu VPBank không thể bứt phá?

Toàn bộ thời gian của phiên giao dịch ngày 18/8, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm giá.

Chốt phiên, VPB giảm 1.800 đồng/cp (4,6%) còn 37.200 đồng/cp. Giao dịch của NĐT nước ngoài cân bằng đến mức kinh ngạc với 9.561.000 cổ phiếu được mua và bán. Trong khi đó, VN-Index tăng 1,38 điểm (0,18%) lên 768,97 điểm.

Đây là ngày giao dịch thứ hai của cổ phiếu VPB, trong ngày giao dịch đầu tiên 17/8, có thời điểm VPB giảm sâu đến hơn 15%. Chỉ đến cuối phiên VPB mới trở về được mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu.

Việc VPB không thể đóng cửa trong sắc xanh là một bất ngờ lớn bởi các cổ phiếu lớn thường tăng mạnh về giá trong ngày giao dịch đầu tiên. Đặc biệt với VPB, trong đợt phát hành riêng lẻ trước khi niêm yết số lượng cổ phiếu đặt mua vượt nhiều so với số lượng chào bán.

Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), với mức giá tham chiếu 39.000 đồng, giá cổ phiếu VPB có vẻ đã phản ánh hết giá trị, và việc giá cổ phiếu này đã tăng mạnh trên thị trường OTC từ đầu năm có lẽ đã ảnh hưởng đến cầu đối với cổ phiếu này.

Lý do quan trọng hơn cả, theo HSC, là room cho NĐT nước ngoài của cổ phiếu VPB đã đầy ngay trong phiên giao dịch xác định giá mở cửa. Điều này đã làm mất đi nhu cầu chính đối với cổ phiếu VPB nên giá cổ phiếu chỉ còn phụ thuộc vào NĐT nội.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, room cho khối ngoại tại các Ngân hàng TMCP là 30%. Tuy nhiên VPB đã chủ động “khóa” room ở mức 25% để nhường dư địa 5% cho việc chuyển đổi khoản vay của IFC sang cổ phiếu VPB thường (giá trị khoản vay là 57 triệu USD, tương đương 1.300 tỷ đồng). Trước ngày chào sàn, room cho khối ngoại đã là 22,34%. Do đó, room trống chỉ còn 2,66%, tương đương 37 triệu cổ phiếu, và ngay lập tức đã được lấp đầy sau khi mở cửa.

Trên bảng giao dịch điện tử của Công ty Chứng khoán SSI, cổ phiếu VPB được đẩy lên đầu bảng để NĐT tiện theo dõi.

Mặc dù là ngân hàng thứ 12 niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, sản phẩm dịch vụ và khách hàng mục tiêu của VPB hoàn toàn khác biệt với các ngân hàng truyền thống. Do vậy, cổ phiếu VPB vẫn đang được kỳ vọng sẽ là lựa chọn hoàn toàn mới dành cho NĐT quan tâm cổ phiếu ngành ngân hàng. Khác biệt lớn nhất của VPBank là ngân hàng đã không còn tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thay vào đó là tập trung vào mảng cho vay tiêu dùng thông qua công ty con FE Credit.

Kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ VPBank 6 tháng đầu năm 2017 có sự cải thiện mạnh, lợi nhuận sau thuế tăng gần 5 lần và đạt 3.244 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu không tính lợi nhuận từ FE Credit chuyển sang ngân hàng mẹ thông qua một phương pháp kế toán chỉ có tính danh nghĩa (1.685 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế “chỉ” tăng gấp đôi lên 1.559 tỷ đồng.

VPBank tập trung cho vay khu vực tư nhân và cho vay cá nhân lần lượt chiếm 44% và 51% tổng dư nợ cho vay. Chỉ có 3% dư nợ là cho vay DNNN và 1% là cho vay doanh nghiệp FDI.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-co-phieu-vpbank-khong-the-but-pha-post234737.info