Vì sao có tên gọi cây gạo?

Cuối xuân là mùa hoa gạo nở, cả ở Hà Nội và các miền quê Bắc Bộ gần xa. Thuở nhỏ từng ngắm cây gạo và nhặt hoa gạo ở bên Đài Nghiên - Tháp Bút, hồ Hoàn Kiếm, trong vườn hoa Bảo tàng Lịch sử, lớn lên từng chiêm ngưỡng cây và hoa gạo dọc suối Yến chùa Hương, quanh chùa Thầy, tôi đã bao lần tự hỏi: Vì sao loài cây có dáng cao vút, có thân gai góc, có hoa năm cánh đỏ, có quả chứa bông mềm ấy, được người Việt gọi là cây gạo?

Cây gạo ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng.

Cây gạo ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng.

Rồi khi trở thành nhà dân tộc học, đến các vùng đất của người Ba Na, Cơ Tu, Gia Rai, Ê Đê…, tìm hiểu và suy ngẫm, đặc biệt về các lễ hội đâm trâu Tây Nguyên, cuối cùng, tôi đã tìm được một câu trả lời.

Ở Tây Nguyên, người ta thường gọi cây gạo là pơ lang. Loài cây đó được coi là một biểu tượng cho người con gái Tây Nguyên. Bài hát “Em là hoa pơ lang” là một trong những bài hát hay nhất về Tây Nguyên.

Tuy nhiên, đó là quan niệm thời hiện đại. Điều tôi quan tâm muốn tìm tòi là ý nghĩa tâm linh của cây pơ lang trong lễ hội cổ truyền của các tộc người ở đây.

Trong hội lễ đâm trâu ở một số nơi người Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng vẫn chôn một thân cây pơ lang trước cửa nhà Rông làm cây cột lễ - cột buộc trâu tế, thường được gọi là cây nêu. Khi đâm trâu, máu trâu một phần sẽ tưới vào gốc cây pơ lang, một phần được rảy quanh làng.

Ở một số nơi khác, người ta dựng cây nêu bằng tre hay bằng thân một loại cây khác, nhưng lại giâm bên cạnh một cành pơ lang. Sau lễ hội, cây pơ lang được dời đến trồng ở một nơi khác. Mọi người tin rằng, nếu cây pơ lang đó mọc lên xanh tốt thì đó là điềm báo hiệu lời nguyện cầu của dân làng năm đó sẽ thành hiện thực.

Trong lễ mừng lúa mới, một nhóm người Ba Na lại trồng một thân cây pơ lang trước nhà Rông, sau đó dân làng từ mọi nhà đem gạo mới vãi vào cây, tiếng gạo rơi trên đất giống tiếng mưa rơi.

Là người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Đông Sơn, văn hóa thời Văn Lang - Âu Lạc - Nam Việt (thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên), tôi tin rằng lễ hội đâm trâu Tây Nguyên có cội nguồn từ lễ hiến tế trâu hay bò để cầu mưa - cầu mùa thời Đông Sơn.

Với người Đông Sơn xưa, cũng như với người Tây Nguyên, trâu bò là vật nuôi chủ yếu dùng trong các lễ hội, chưa phải là con vật kéo cày, là “đầu cơ nghiệp nhà nông” như ở người Việt thời sau này. Hình trâu trên lưng có cò đậu, cảnh trâu đực cưỡi trâu cái và cảnh hiến tế trâu được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn.

Lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên.

Trong tâm thức người Đông Sơn, trâu, loài vật ưa nước, có cặp sừng giống hình trăng khuyết nên là một biểu tượng cho thần nước - thần mưa (người Lạc Việt thời Đông Sơn trồng lúa nước dựa trên con nước lên xuống theo ngày trăng và nhìn trăng biết trời sẽ mưa hay nắng). Trâu chính là một hiện thân cho Ông Tổ Rồng của người Bách Việt.

Trong lễ, trâu được buộc vào cột lễ, là biểu tượng cho Cây Lúa, là Cây Đời - nguồn sống của người trồng lúa, đồng thời là cây thiêng thể hiện trục vũ trụ nối trời với đất, thần với người, con cháu với tổ tiên. Đó cũng là nơi trú ngụ của thần linh trong hội lễ. Trên đỉnh cột có hình chim hay mặt trời, là biểu tượng của Bà Tổ Chim - Mẹ Lúa của người Bách Việt. Trên thân cột có các môtíp hình học, hoa lá, con vật là các biểu tượng cho mặt trời và vạn vật trong vũ trụ.

Đặc biệt, cột lễ - biểu tượng cho Cây Lúa được làm bằng thân một loài cây dễ sống, mọc khỏe, lớn nhanh, thân cao thẳng vút, sống lâu hàng trăm năm, có hoa nở vào mùa mưa, hoa có màu đỏ rực như màu máu - màu của sự sống, cũng là biểu tượng cho Cây Đời, cho sự sống trường tồn thời Đông Sơn.

Trong tiếng trống đồng giống như tiếng sấm gọi mưa, trong tiếng khèn tiếng chuông rộn ràng của các cô gái chàng trai hóa trang thành người - chim nhảy múa vòng tròn quanh cột lễ theo hướng đi của mặt trời, con trâu thiêng được hiến sinh. Sau lễ, máu trâu rơi vào chân cột như mưa rơi gốc cây lúa sau này. Trong lễ, người dâng hiến trâu để tạ ơn thần linh, tổ tiên. Sau lễ, người người hưởng thịt trâu như một cách cộng linh cộng cảm cùng tổ tiên, trời đất. Và người xưa tin rằng sau lễ cúng trâu, trời sẽ mưa thuận nắng hòa, cả lúa và người trồng lúa đều sinh sôi nảy nở.

Vấn đề là, loài cây có thân được dùng làm cột buộc trâu trong lễ cúng trâu thời Đông Sơn, chính là cây sau này người Việt gọi là cây gạo.

Rất có thể, vào thời Đông Sơn, tên gọi gốc của loài cây đó là cây bông, như tên gọi phổ biến của nó trên thế giới như trong tiếng Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp hiện nay. Nhưng khi nó được dùng làm cột lễ - cột cúng trâu - biểu tượng của cây lúa, người Đông Sơn đã gọi nó là cây gạo. Gạo là thành phẩm của cây lúa, gọi là cây gạo để thể hiện ý nghĩa tâm linh của loài cây đó, lại không trùng lặp, lẫn lộn với cây lúa.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, các tộc người Tây Nguyên ngày nay đều là con cháu của nhiều thế hệ di dân từ phương Bắc, thế hệ sớm nhất đến vào cuối thời Đông Sơn. Không ngẫu nhiên, văn hóa cổ truyền của các tộc người Tây Nguyên còn bảo tồn khá nhiều yếu tố của văn hóa Đông Sơn.

Chúng ta có thể thấy, nhà Rông Ba Na, nhà Dài Ê Đê là con cháu hai dạng nhà mái sống lồi sống lõm trên trống Ngọc Lũ. Hình ảnh đoàn người nhảy múa di chuyển quanh cột lễ trong các lễ hội Tây Nguyên cũng gợi nhớ đến cảnh đoàn người - chim nhảy múa quanh hình mặt trời và cò bay trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ...

Trải qua hàng ngàn năm, lễ cúng trâu Đông Sơn đã biến hóa muôn vẻ muôn màu trên đất Tây Nguyên. Tên gọi cây gạo giờ là pơ lang, có lẽ là từ chỉ chim đại bàng, con chim đậu trên nóc cột lễ, biểu tượng cho Mẹ Lúa. Tuy nhiên, mục đích và cách thức của hội lễ cũng như thần thái của biểu tượng cây gạo vẫn le lói đây đó.

Một nhóm Ba Na làm cột lễ bằng tre, nhưng gắn trên thân cây những hình bông hoa gạo. Một nhóm Ê Đê làm hình một bắp chuối trên đỉnh cột, nói đó là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, nhưng rất có thể gốc của nó là hình hạt lúa - hạt gạo thay cho hình chim, theo truyền thuyết là con vật đã giúp người có được hạt lúa đầu tiên từ Trời. Một nhóm Mnông có quan niệm coi cây cột lễ là hình cây ngô, cũng là một Cây Đời - cây nuôi sống người như cây lúa.

Chia sẻ hiểu biết về vai trò của cây gạo trong tâm thức của người Việt thời Đông Sơn xưa, của các tộc người Tây Nguyên nay, tôi muốn mọi người chúng ta hiểu vì sao trong khi nhiều dân tộc trên thế giới gọi loài cây đó là cây bông, chỉ mỗi người Việt chúng ta gọi là cây gạo.

Nhà dân tộc học TẠ ĐỨC

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-co-ten-goi-cay-gao-5714862.html