Vì sao còn ít tác phẩm sân khấu đỉnh cao ?

Bên cạnh những vở diễn duy trì hoạt động thường xuyên, thỉnh thoảng mới có một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao ra đời, dù thực tế Sân khấu TP.HCM đang sở hữu nhiều nghệ sĩ tài năng và tâm huyết.

Nhạc kịch Tiên Nga vừa khép lại mùa diễn sau khi được giải nhất (lĩnh vực sân khấu) của Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM lần 2 (2012-2017). Với 37 suất diễn thu hút hơn 20.000 khán giả chỉ sau hơn một năm kể từ ngày công diễn, Tiên Nga còn là vở nhạc kịch 100% “made in Việt Nam”, từ nội dung đến chất liệu âm nhạc và lần đầu tiên có dàn nhạc sống, dàn hợp xướng cùng biểu diễn trực tiếp.

Được khán giả và giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm sân khấu đỉnh cao, nhưng mỗi buổi diễn Tiên Nga phải bán được ít nhất 650 vé thì mới đủ trang trải. Và sau 37 suất diễn hiện đơn vị tổ chức - Sân khấu kịch Idecaf vẫn còn lỗ 1,5 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu.

 Ảnh minh họa: Cảnh trong vở Nhật thực.

Ảnh minh họa: Cảnh trong vở Nhật thực.

Mới đây, Nhật thực (Nhà hát Thể nghiệm Thế Giới Trẻ và Sân khấu xã hội hóa Sen Việt thực hiện), được Hội đồng chuyên môn và báo giới nhận định là đã “thắp lửa” cho nghệ thuật cải lương, tìm ra con đường mới để có thể tiếp cận được với giới trẻ.

Nhật thực chuyển thể từ vở Diễn kịch một mình của soạn giả Lê Duy Hạnh, 20 năm ttrước ừng khuấy đảo Sân khấu nhỏ 5B với tài năng diễn xuất của NSND Bạch Tuyết. Nhật thực có đưa một chút rock, world music... cộng hưởng với đờn kìm trên nền nhạc giao hưởng nhẹ nhàng, cùng diễn xuất điêu luyện của NSƯT Lê Trung Thảo, Thành Tây, Hoàng Quốc Thanh đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Cũng như Tiên Nga, ê kíp thực hiện Nhật thực phải tự bơi từ việc đầu tư kinh phí, đến tự tổ chức biểu diễn, tự tìm nhà hát để lưu diễn…. Thế nên đầu tư tác phẩm sân khấu đỉnh cao vẫn là “cuộc chơi” tốn kém và đầy rủi ro, cần có sự chung tay để các nghệ sĩ không đơn độc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/vi-sao-con-it-tac-pham-san-khau-dinh-cao-163443.html