Vì sao công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng?

LTS: Năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Đ.X, viết tác phẩm 'Thường thức Chính trị', gồm 50 mục, được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu năm 1954. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân trích đăng mục thứ 12 của tác phẩm 'Thường thức Chính trị', với tiêu đề 'Vì sao công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng?'.

"Tất cả những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động mà sống, là công nhân. Bất kỳ họ lao động trong công nghệ hay là trong nông nghiệp, bất kỳ họ làm nghề gì, cũng đều thuộc về giai cấp công nhân.

Chủ chốt của giai cấp ấy, là những công nhân ở các xí nghiệp như: Nhà máy, hầm mỏ, xe lửa, v.v.. Những công nhân thủ công nghệ, những người làm thuê ở các cửa hàng, những cố nông, v.v.., cũng thuộc về giai cấp công nhân. Nhưng chỉ công nhân công nghệ là hoàn toàn đại biểu cho cái đặc tính của giai cấp công nhân.

 Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1 - 1964. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1 - 1964. Ảnh: Tư liệu

Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo.

Có người nói: Giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng.

Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay là không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp. Giai cấp công nhân có Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến. Lại có những phần tử trí thức tham gia cách mạng và vô sản hóa. Thành thử đội ngũ chính trị của giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Mai sau, công nghệ của ta ngày càng phát triển, thì số công nhân ngày càng tăng thêm.

Tuy hiện nay ở nước ta giai cấp công nhân còn nhỏ, song ở thế giới thì giai cấp công nhân rất to lớn. Cho nên quyền lãnh đạo cách mạng chỉ do giai cấp công nhân nắm".

HỒ CHÍ MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/vi-sao-cong-nhan-la-giai-cap-lanh-dao-cach-mang-583518