Vì sao cúng ông Công ông Táo lại chỉ thả cá chép?

Trong các lễ vật cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, không thể thiếu cá chép. Vậy tại sao lại chỉ thả cá chép mà không phải con vật nào khác?

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm là mọi gia đình làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua trình báo với Ngọc Hoàng. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình .

Trước những thắc mắc của nhiều người rằng, tại sao cúng ông Công ông Táo mọi người đều lựa chọn cá chép để thả? Có thể thay bằng con vật khác hay không?, PV báo Người Đưa Tin đã tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa.

Vì sao cúng ông Công ông Táo chỉ thả cá chép? (Ảnh minh họa).

Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: “Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hóa thành rồng được”.

Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hào Hùng nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo: “Cá chép là phương tiện đi lại duy nhất không thể thay thế để Táo quân về trời. Do đó, không thể thay cá chép bằng con vật khác. Huống hồ cá chép đã trở thành biểu tượng của văn hóa: Cá hóa long (hóa rồng), cá vượt vũ môn (tôn vinh sự học thành đạt), thể hiện sự từ bi của người Việt (phóng sinh) đẹp như thế dễ gì thay được”.

Ông Nguyễn Hào Hùng cho biết không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo.

Chính vì thế, theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình. Nhiều gia đình thường lựa chọn sông, suối, hồ nước gần nhà để thả cá. Tuy nhiên, thả cá thế nào cho đúng ý nghĩa cũng là vấn đề được mọi người lưu tâm.

Cùng vấn đề trên, chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh cho biết: “Trong những năm qua, việc thả cá chép được nhiều phương tiện truyền thông phản ánh như có người quăng cá, ném cá có cả túi nilon xuống nước như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn sai ý nghĩa với phong tục cổ truyền thiêng liêng”.

Thả cá chép cần lưu ý thả từ từ để cá có cơ hội sống sót (Ảnh minh họa).

Theo ông Mai Văn Sinh, thả cá chép trong ngày cúng ông Công ông Táo, mọi người nên thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá có cơ hội sống, đó cũng là hành động thể hiện sự thành kính, thiêng liêng, mang lại những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-cung-ong-cong-ong-tao-lai-chi-tha-ca-chep-a312720.html