Vì sao đăng ảnh bệnh nhân cần che mặt, xin phép?

Tại nước ngoài, việc đăng tải hình ảnh của bệnh nhân được quy định rõ trong các điều luật và thuộc phạm trù của y đức. Mọi thông tin về bệnh nhân khi đăng tải đều phải được đồng ý.

Sau 10 năm bị đau lưng và không tìm được trang phục phù hợp, Alexis quyết định tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ để thu nhỏ ngực. Thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội, cô quyết định chọn phòng khám của bác sĩ Mayer - một người có hơn 10.000 lượt theo dõi trên mạng.

Qua thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ Mayer đưa lời khuyên và ngỏ ý muốn lưu lại hình ảnh của ca phẫu thuật để chia sẻ trên mạng nhằm mục đích giáo dục. Alexis không lường trước được cụ thể hình ảnh mà bác sĩ sử dụng như thế nào và gồm những gì nên cô đồng ý và ký vào hợp đồng thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật xong, trở về nhà và nhìn thấy những hình ảnh riêng tư như bộ ngực hay khuôn mặt của mình trên mạng, cô gái rất sốc và buồn bã. Alexis lập tức đến gặp bác sĩ và phản hồi gay gắt. Về phần mình, bác sĩ Mayer rất ngạc nhiên bởi thái độ của bệnh nhân khi trước đó đã đồng ý với thỏa thuận.

Cuối cùng, phòng khám gửi lời xin lỗi tới Alexis và xóa toàn bộ video liên quan đến cô trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những đoạn phim đó đã bị sao chép và phát tán trên một số trang khác mà cả hai không thể kiểm soát.

Bệnh nhân có quyền đồng ý hoặc từ chối cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân của mình trên phương tiện truyền thông xã hội. Ảnh: Freepik.

Sự việc trên là một trong những vấn đề luôn gây tranh cãi liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân trên các phương tiện mạng xã hội và thông tin đại chúng. Nó không chỉ là hình ảnh về tình trạng bệnh, phim X-quang, ca phẫu thuật mà còn liên quan đến thông tin cá nhân hay danh tính của người bệnh. Các quy định được ghi chi tiết trong Đạo luật về trách nhiệm giải trình và trách nhiệm bảo hiểm y tế Mỹ (HIPAA). Bộ luật này ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ thông tin sức khỏe của bệnh nhân.

HIPAA quy định đăng ảnh bệnh nhân lên phương tiện truyền thông xã hội là hành vi vi phạm. Hành động hay bức ảnh có thể vô hại, không đề cập đến tên tuổi cụ thể của bệnh nhân. Nhưng khi một ai đó nhận ra danh tính của người bệnh, người đăng tải sẽ phải chịu trách nhiệm vì vi phạm quyền riêng tư.

Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của Anh đưa ra 39 điều khoản, quy định cụ thể cho các nhân viên y tế làm việc tại đây. Trong đó, điều số 20 yêu cầu nhân viên y tế không được đăng tải hình ảnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào có sự xuất hiện của bệnh nhân trên mạng xã hội. Điều đó có nghĩa việc chụp ảnh khi đang khám chữa bệnh hay selfie trong một ca mổ mà không được sự đồng ý của bệnh nhân là điều cấm kỵ.

Ở điều số 21 và 23, NHS cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, thông tin cá nhân của người bệnh. Nó bao gồm tuyệt đối không tiết lộ danh tính, tên tuổi hay nơi ở, khuôn mặt của bệnh nhân cho một bên thứ ba hoặc trên truyền thông, báo chí mà chưa có sự cho phép từ bệnh nhân. Đây là một nghĩa vụ pháp lý dựa trên quy định của pháp luật và thuộc về đạo đức nghề y của người làm nghề. Nếu vi phạm quy tắc này, nhân viên sẽ bị kỷ luật hoặc sa thải.

Chính sách của NHS cũng yêu cầu mọi sự đồng ý khai thác hình ảnh của bệnh nhân trước truyền thông phải được thỏa thuận bằng văn bản. Người bệnh có quyền từ chối nếu không cảm thấy thoải mái hoặc có bất kỳ lý do nào.

Cùng quy định như trên, trong sổ tay nhân viên của Hội đồng Điều dưỡng của Hội đồng Quốc gia Mỹ, y tá hay bác sĩ nào chăm sóc, điều trị cho bất kỳ bệnh nhân nào cũng phải có trách nhiệm giữ kín, bảo vệ thông tin cá nhân của người đó. Thông tin đó chỉ có thể được tiết lộ cho các thành viên khác trong nhóm chăm sóc sức khỏe với mục đích điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Ngoài ra, thông tin bí mật chỉ được chia sẻ với bên thứ ba (truyền thông, báo chí hay các tạp chí học thuật) khi bệnh nhân đồng ý và thỏa thuận bằng văn bản.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-dang-anh-benh-nhan-can-che-mat-xin-phep-post1105949.html