Vì sao đảo rác Semakau thu hút khách du lịch?

Singapore được chọn là thành phố xanh nhất châu Á, người dân quốc đảo này luôn giữ gìn vệ sinh môi trường tuyệt vời. Không chỉ người dân, nhiều năm qua Chính phủ Singapore cũng đã hình thành một cơ chế thu gom rác rất hiệu quả: xây dựng hẳn một hòn đảo nhân tạo Semakau để chôn lấp rác thải.

Thật ra Semakau không hoàn toàn là nhân tạo. Nó chính là sự kết hợp của 2 hòn đảo nhỏ là Pulau Semakau và Pulau Sakeng nằm gần nhau. Để tạo ra Semakau, năm 1995, đảo quốc Sư tử bắt đầu cho di dân từ 2 hòn đảo nhỏ này (khá ít dân, nước cạn, rất gần bờ) vào bên trong đất liền và cho xây một bờ kè dài 7km bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm và rò rỉ vây quanh khoảng trống của 2 hòn đảo nhằm khóa chặt nước từ rác thải rỉ ra môi trường nước biển xung quanh.

Phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ. Rác sau khi đốt thành tro được đổ vào các ô này đến khi đầy, hết ô này đến ô khác, hết năm này sang năm khác đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo như một khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch của địa phương rộng đến 3,5 km2, có thể chứa 63 tỷ mét khối rác. Hòn đảo dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của người Singapore đến năm 2035.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999 và là nơi chôn lấp cả nghìn tấn rác thải mỗi năm, nhưng Semakau thật sự là một thiên đường với những thảm cỏ xanh, bông giấy đỏ rực, những rặng dừa mướt mát và san sát các trại nuôi tôm, cá…

Rác của toàn bộ đảo quốc Singapore sau khi lọc lại những thứ không đốt được, các sản phẩm tái chế, còn lại sẽ được đốt để phục vụ các nhà máy biến rác thải thành năng lượng (WTE), tro rác sau đó được mang ra Semakau sau quãng đường dài 33km để chôn.

Bên cạnh đó, Semakau còn “dung nạp” cả những loại rác không thể đốt và không thể tái chế được.

Nằm giữa nhà điều hành và nơi tiếp nhận tro rác chở từ bờ ra là khu nghiên cứu thủy sản của Trường đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU), nơi đang triển khai một số hoạt động nghiên cứu tôm, cá để nuôi trồng trong các trại cá, tôm bên cạnh đảo rác. Bao bọc khu vực này là rất nhiều cây xoài, dừa... cao hơn 5-7m, những bụi bông giấy đỏ rực và thảm cỏ xanh.

Hệ sinh vật ở “bãi rác” Semakau rất phong phú với hơn 700 loại thực vật và động vật, đặc biệt một số loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng sinh sống ở đây, thu hút nhiều khách tham quan, thậm chí cả những cặp đôi chụp ảnh cưới, số khách du lịch đã tăng gấp 3 lần từ 4.000 năm 2005 lên 13.000 lượt người năm 2010.

Ở nhiều quốc gia, bãi rác khiến nhiều người khó chịu khi nhìn vào hoặc đi ngang qua. Nhưng “Hòn đảo này không có mùi hôi rác thải khó chịu. Nơi này không hề làm hại môi trường. Các rạn san hô vẫn còn sống, động vật hoang dã vẫn tồn tại trên đảo và khu rừng vẫn rất xanh. Thậm chí, nhiều người còn đến “bãi rác” này để chụp ảnh cưới”.

Anh chàng Nuseir Yassin đến từ Ảrập-Israel cho biết: “Tôi và bạn gái của mình đã đến nghỉ mát tại một hòn đảo vô cùng xinh đẹp thuộc vùng biển của Singapore. Nơi này thật đẹp, thật sạch sẽ và thật tuyệt vời. Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng hòn đảo xinh đẹp nơi tôi đặt chân đến lại được làm từ rác thì sẽ như thế nào nhỉ?”.

Không chỉ thu hút khách du lịch, nhiều hoạt động tìm hiểu môi trường bền vững như xem chim, ngắm sao, lội nước trong các khu vực sú, vẹt… tìm hiểu môi trường đa dạng sinh học, hay các tour giáo dục cho giới trẻ quan sát toàn bộ quy trình xử lý rác thải cũng tổ chức ở Semakau để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Hy vọng trong tương lai, hình thức xử lý rác này của Singapore sẽ được nhân rộng ở nhiều quốc gia, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường Trái đất.

Thắng Trần

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/vi-sao-dao-rac-semakau-thu-hut-khach-du-lich-520704/