Vì sao doanh nghiệp khó bảo vệ bản quyền số

Chi phí và quy trình pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ là các rào cản đối với nhiều doanh nghiệp nội dung số trong việc bảo vệ bản quyền.

Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến ở Việt Nam, gây thất thoát hàng trăm triệu USD, theo ước tính của VDCA. Ảnh: Xuân Sang.

“Thay vì bị động tiếp cận nội dung trên truyền hình theo trật tự tuyến tính, khán giả có xu hướng chuyển sang theo dõi nội dung trên môi trường số với lựa chọn nội dung, thời điểm theo yêu cầu, và các nhà sản xuất nội dung buộc phải xuất hiện trên mạng xã hội vì khán giả ở đó”, ông Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm nội dung số VTC Now, cho biết tại Diễn đàn sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và quảng cáo số diễn ra ngày 24/4.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), trong khi số người tiêu thụ nội dung số tăng thì số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền cũng tăng. VDCA ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Đến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

“Mỗi ngày một đơn vị hoặc nhà sáng tạo nội dung có thể tạo ra vài chục hoặc vài trăm nội dung mới, không dễ để có thể rà quét hoặc báo cáo vi phạm. Với các hoạt động xâm phạm như hiện tại, chủ sở hữu phải lập vi bằng, tiêu tốn thời gian và nguồn lực, và nhiều trường hợp phát hiện nhưng e ngại quy trình chứng minh vi phạm”, Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số thuộc VDCA, cho biết.

Đại diện Sconnect, nhà sản xuất video hoạt hình xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội, cho biết sau thời gian đầu không quan tâm nhiều đến vấn đề bản quyền, doanh nghiệp đi đến những thời điểm phải dành 2/3 doanh thu cho việc tổ chức lại các tài sản sở hữu trí tuệ và theo đuổi các vụ kiện bản quyền tại các quốc gia khác nhau.

“Ở giai đoạn đầu, chúng tôi chưa quy hoạch được đâu là những tài sản sở hữu trí tuệ mà mình cần phải bảo vệ, có quyền gì và những quy định, quy trình xử lý vi phạm để bảo vệ tài sản đó. Trong khi đó, mỗi quốc gia, mỗi nền tảng lại có những cách thức xử lý khác nhau”, ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Sconnect, cho biết.

“Đây là tình trạng chung với nhiều doanh nghiệp, tập trung nhiều hơn đến việc kiếm tiền nhanh, chưa quan tâm đến các tài sản đó. Tuy nhiên bản quyền và sở hữu trí tuệ sẽ là vấn đề thiết yếu nếu muốn phát triển bền vững trong lĩnh vực nội dung số”, ông Mạnh Hoàng lưu ý.

Nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất nội dung bảo vệ bản quyền, tại sự kiện ngày 24/4, VDCA ra mắt Trục bản quyền số quốc gia, nền tảng kết nối các nhà sản xuất nội dung, đơn vị cung cấp công nghệ rà quét hình ảnh, âm thanh trên nền tảng số, và cơ quan quản lý. Hệ sinh thái này bao gồm dịch vụ đăng ký bản quyền trực tuyến, kiểm duyệt nội dung và báo cáo vi phạm.

“Chúng tôi mong muốn xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nội dung số phát triển lành mạnh, đúng quy định pháp luật tại Việt Nam và toàn cầu”, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch VDCA, cho biết tại buổi ra mắt công cụ bảo vệ bản quyền.

Hoàng Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-doanh-nghiep-kho-bao-ve-ban-quyen-so-post1424990.html