Vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ?

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 được cho là tích cực, kịp thời, quyết liệt song DN lại khó tiếp cận. Vì sao có nghịch lý này?

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 được cho là tích cực, kịp thời, quyết liệt song DN lại khó tiếp cận. Vì sao có nghịch lý này?

Nhiều DN dù rất khó khăn vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động nhưng lại không được hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn về lao động.

Nhiều DN dù rất khó khăn vẫn nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động nhưng lại không được hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn về lao động.

Điều kiện bất cập

DN tại Đà Nẵng phản ánh rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà có tiếp cận được cũng rất “nhỏ giọt”. Tại tọa đàm góc nhìn thực tế của DN với các chính sách hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi Covid-19 do VCCI Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhiều DN rất bức xúc vì những “rào cản” vô lý. Ông Trần Minh Dõng - Chủ tịch HĐQT Viettronimex Đà Nẵng cho biết, Cty vẫn đảm bảo việc làm cho 50% người lao động dù gặp muôn vàn khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19. Tuy vượt khó, đảm bảo việc làm cho người lao động nhưng Cty lại không được thụ hưởng bất kỳ một chính sách nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động. Ông Dõng bảo, DN đang dao động niềm tin vào việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này. Và, không phải chính sách dở mà con người thực hiện có vấn đề. Tương tự, đại diện Cty Dệt may Hòa Thọ cho biết, Cty đã nỗ lực đảm bảo việc làm cho 12 ngàn lao động trong điều kiện rất khó khăn. Như vậy đúng ra DN phải được ghi nhận là có năng lực, có tính bền vững, phải được hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động để tạo điểm tựa vực dậy. Thế nhưng, thực tế DN không hề được hưởng hỗ trợ. Ông Trịnh Bằng Có - Giám đốc Cty Phương Đông Việt thì nói ngắn gọn, rằng DN đang mất dần uy tín với người lao động. Bởi lẽ, theo quy định, để được hưởng chính sách hỗ trợ cho lao động nghỉ việc thì người lao động phải nghỉ việc từ ngày 1-4-2020. Trong khi đó, các DN du lịch đã phải đóng cửa tạm dừng hoạt động từ 2 tháng trước đó.

Nhiều DN cho rằng, các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động không hợp lý, không công bằng giữa các DN, có những điều kiện còn vô lý. Chẳng hạn điều kiện phải “làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của DN, số dư đến ngày 31-3-2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”. Điều kiện này được cho là bất hợp lý, DN nào chẳng cố gắng có doanh thu, chỉ DN “chết” rồi mới không có doanh thu. Đúng ra phải hỗ trợ các DN còn nỗ lực duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Chứ quy định như vậy, chẳng DN nào tiếp cận được.

Hỗ trợ có chọn lọc

Hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi nguồn lực hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất thì có hạn, do vậy việc hỗ trợ cũng cần chọn lọc. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình cho biết, cần phải xác định rõ DN, nhóm DN cụ thể cần tập trung hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên những DN có năng lực, khả năng phục hồi nhanh, tạo việc làm tốt. Cụ thể hơn, các nhóm DN đang phải xoay xở, duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động cần được hỗ trợ sớm để tạo nguồn thu, giảm lỗ, như vậy mới từng bước vượt qua được khó khăn.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cũng cho rằng, việc hỗ trợ DN phải hiểu được sức khỏe của DN thế nào. Nguồn lực của Nhà nước không thể cứu được tất cả, do đó chính sách hỗ trợ khi ban hành cũng mang tính chọn lọc, ưu tiên những DN có tính bền vững, khả năng chống chịu, thích ứng và phục hồi nhanh. Tuy vậy, khi thực hiện, khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn những rào cản nhất định. “Có những chính sách hỗ trợ ban hành với điều kiện tiếp cận rất cao vô hình chung tạo ra rào cản mà không DN nào có thể tiếp cận được dù rất muốn”, ông Quang nói.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết, Sở đã 3 lần gửi kiến nghị Bộ đề nghị giải quyết hỗ trợ cho người lao động trong các DN nghỉ việc từ tháng 2-2020, nhưng Bộ trả lời phải tính từ tháng 4-2020. Tương tự với chính sách BHXH cho người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện còn những vướng mắc giữa các Bộ, nên Sở dù nỗ lực cũng đành chịu. Đơn cử, Sở nhận tới 119 hồ sơ song chỉ giải quyết được 16 hồ sơ, xót xa lắm, nhưng quy định từ Bộ nên đành chịu.

Có thể thấy, chủ trương về các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 là tích cực, kịp thời, nhưng thực tiễn DN rất khó tiếp cận. Tác động tích cực từ các chính sách này tới DN vẫn không thấm thía gì, phần đa DN vẫn phải tự xoay xở, tự cứu mình. Để các chính sách hỗ trợ DN thực sự phát huy hiệu quả, đạt được mục đích phục hồi sản xuất kinh doanh, vực dậy kinh tế thì những “rào cản” như phản ảnh của DN phải sớm xóa bỏ.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_228484_vi-sao-doanh-nghiep-kho-tiep-can-cac-chinh-sach-ho-tro-.aspx