Vì sao đối thoại Mỹ - Triều Tiên sẽ thất bại?

Liệu Triều Tiên, đất nước vẫn luôn mang trong mình sự dè chừng với Mỹ và các đồng minh có dễ dàng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình?

Sau các cuộc đàm phán song phương giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kèm theo những bức ảnh vui nhộn được cánh báo chí chia sẻ về 2 nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in, giới truyền thông và phần lớn công chúng bên ngoài Hàn Quốc đã kỳ vọng về một giai đoạn hòa bình được lập lại ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra.

Hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae In bắt tay nhau tại đường biên giới hai nước ở Bàn Môn Điếm

Trước đó, nỗ lực tạo dựng hòa bình giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu với Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Trong suốt kì Thế vận hội, các vận động viên Triều Tiên không chỉ thi đấu mà còn cùng với các vận động viên Hàn Quốc xuất hiện dưới một lá cờ chung.

Nhưng với Washington, câu chuyện có thể sẽ không dễ dàng như thế.

Sự trái ngược trong quan điểm

Tại sao cuộc nói chuyện giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên cần phải có sự nỗ lực? Theo cách nói của Church Chill cựu thủ tướng Anh thì ít nhất “buôn dưa lê còn đỡ hơn là chiến tranh bất tận”.

Dự kiến cuộc họp của ông Kim và ông Trump sẽ diễn ra trong tháng Năm hoặc tháng Sáu. Tuy nhiên mọi nỗ lực sẽ không có kết quả nếu chương trình nghị sự, mục tiêu đàm phán và nguy cơ rủi ro không được hiểu một cách đầy đủ nhất. Bởi ngay cả từ “phi hạt nhân hóa” giờ đây cũng bị Donald Trump phớt lờ đi giống như Triều Tiên và Hàn Quốc.

Vậy thì chính xác phi hạt nhân hóa là gì?

Đối với Hoa Kỳ, nó có nghĩa là tiêu hủy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tháo dỡ các cơ sở, giao cho IAEA (Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế) bảo vệ các vật liệu phân hạch, kiểm tra thường xuyên và buộc CHDCND Triều Tiên phải tái gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Những hành vi tìm hiểu về cách chế tạo vũ khí hạt nhân hay bất cứ điều gì liên quan có thể được coi là hành động nguy hiểm và sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước.

Tuy nhiên, đối với Triều Tiên việc hủy bỏ vũ khí hạt nhân đồng nghĩa phía Hoa Kỳ cũng phải từ bỏ chính sách duy trì chiếc ô hạt nhân trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản vì vũ khí hạt nhân của Mỹ luôn có tầm bắn và mục tiêu nhắm đến CHDCND Triều Tiên.

Nhưng rõ ràng, yêu cầu đấy sẽ dẫn đến sự thay đổi về chính sách an ninh của Mỹ, điều mà Mỹ không bao giờ có thể đồng ý.

Hôm 22/4, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng Triều Tiên “đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân.” Trên thực tế, có thể Triều Tiên không hề có ý định như vậy.

Bình luận về câu chuyện này, tác giả Yukari Easton - một nghiên cứu sinh của Trung tâm nghiên cứu Đông Á (ĐH Nam California) cho rằng những gì ông Kim Jong-un đã đồng ý là đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Nhưng sau 6 lần thử nghiệm thì liệu Triều Tiên có cần thử nghiệm thêm nữa hay không? Khi mà có lẽ Kim Jong-un đã tiến hành kiểm tra hết tất cả những gì ông ta cần.

Thời điểm này có thể xem là thích hợp để đề nghị Triều Tiên tháo dỡ vũ khí hạt nhân. Nhưng Mỹ sẽ thuyết phục Triều Tiên như thế nào khi vũ khí hạt nhân là công cụ đảm bảo an ninh quốc gia của Triều Tiên? Hơn nữa khi nhìn vào sự sụp đổ của chế độ Gaddafi ở Libya vào năm 2011, sau khi Muammar Gaddafi quyết định từ bỏ các chương trình WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt) theo đề nghị của các nước phương Tây thì tấm gương sừng sững đấy liệu có ảnh hướng đến quyết định của ông Kim Jong un?

Ngay cả Iran, qua các cuộc thanh sát của IAEA, mặc dù tôn trọng tất cả các cam kết trong hiệp ước nhưng cũng phải mất đến 12 năm đàm phán với Mỹ và đồng minh thì liệu Triều Tiên đất nước vẫn luôn mang trong mình sự dè chừng với các nước phương Tây có dễ dàng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình?

Và cuối cùng, hãy nhìn lại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mĩ với Nga như SALT I và II, nơi mà quy mô và sự phức tạp của các hiệp ước cần đến bộ não nhạy bén của hơn 100 con người mỗi bên thì với một người được đánh giá là tay ngang, không có kinh nghiệm và thiếu thận trọng như Trump liệu có đáng kì vọng?

Tất nhiên, trong triển vọng lạc quan nhất, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ hoặc một hiệp ước hòa bình giữa hai miền Nam Bắc là có thể xảy ra. Và thế giới sẽ phải chấp nhận một cách miễn cưỡng một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân như trường hợp của Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng Triều Tiên sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương vì mục đích chính của vũ khí là phòng thủ, để đảm bảo sự sống còn của chế độ chứ không phải là xâm lược như những nước khác.

Mỹ Linh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-doi-thoai-my-trieu-tien-se-that-bai-post261134.info