Vì sao đợt dịch COVID-19 lần này lây lan rộng, kéo dài?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói về những nguyên nhân khiến đợt dịch COVID-19 lần này lây lan rộng và kéo dài.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 15/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt lần này vẫn lây lan rộng, kéo dài là do biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh.

Loại virus này phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Đồng thời, đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn; dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế.

Người đứng đầu ngành y tế cho biết, qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước cho thấy tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.HCM và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai). Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Theo Bộ trưởng Long, mặc dù một số địa phương triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số người mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong khoảng thời gian ngắn, điều này cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu. Một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

Để việc phòng chống dịch hiệu quả hơn, Bộ trưởng Bộ Y tế rút ra 9 bài học kinh nghiệm cho các địa phương.

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai, huy động sức dân, xác định đúng vai trò "mỗi người dân là một chiến sỹ" trong cuộc chiến phòng, chống dịch.

Thứ ba, cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị 16 ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân.

Thứ tư, cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Thứ năm, công tác điều trị phải chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao.

Thứ sáu, đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.

Thứ bảy, công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật.

Thứ tám, nâng cao nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn về điều trị, hồi sức tích cực.

Thứ chín, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược "ngoại giao vaccine".

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-dot-dich-covid-19-lan-nay-lay-lan-rong-keo-dai-ar630892.html