Vì sao dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất về tay ACV?

Trước một số ý kiến lùm xùm xung quanh việc chỉ định dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, các bên liên quan đã lên tiếng lý giải.

Ủng hộ tư nhân làm hạ tầng hàng không nhưng vẫn để cửa cho DN nhà nước

Trao đổi với báo Lao Động, Chủ tịch HĐQT Lại Xuân Thanh – Tổng công ty Cảng HKVN – CTCP (ACV) cho rằng khi xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, cần tránh tình trạng dự án nào dễ sinh lời thì kêu gọi vốn đầu tư, còn dự án nào khó “nhằn” mới để doanh nghiệp (DN) Nhà nước tham gia. Điều đó vô tình tạo ra sự bất bình đẳng, đẩy doanh nghiệp nhà nước vào thế khó.

Theo ông Thanh, từ năm 1995 đã có DN có vốn đầu tư nước ngoài làm kho hàng hóa Tân Sơn Nhất và từ trước đến nay, ACV chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu là khu bay, nhà ga và các công trình công cộng khác như đường giao thông nội cảng, công trình điện, cấp thoát nước, công trình bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Các hạng mục khác mang tính thương mại như suất ăn, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, dịch vụ phục vụ mặt đất, xăng dầu hàng không… đều do các DN cổ phần đầu tư, quản lý khai thác.

"Tuy nhiên, trong quá trình xã hội hóa, cần có cơ chế đặc thù để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của DN nhà nước như ACV. DN Nhà nước và tư nhân phải song hành, bình đẳng”, ông Thanh nhận định.

Cũng theo đại diện ACV, hiện ACV quản lý hệ thống 22 CHK, trong đó đa số các CHK địa phương không có lợi nhuận tài chính, chủ yếu mang tính cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng, địa phương. Bên cạnh đó, việc xé lẻ xã hội hóa các công trình mang tính thương mại, và chỉ để lại ACV đầu tư quản lý khu bay, nơi không thể thương mại là không công bằng.

Có 25.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi, ACV đủ lực xây T3 và Long Thành giai đoạn 1

Trước những ý kiến lo ngại về nguy cơ lãng phí khi mở rộng cả sân bay Tân Sơn Nhất lẫn xây mới sân bay Long Thành, đại diện ACV cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang quá tải.

Công suất thiết kế của TSN là 28 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2018 đã đạt 38,3 triệu khách và dự báo, lưu lượng hành khách thông qua Tân Sơn Nhất năm 2019 sẽ đạt hơn 40 triệu hành khách, tức đạt ngưỡng cho phép.

Nếu không được nâng cấp, CHK này sẽ “đóng băng” tại giới hạn tiêu chuẩn cho phép và việc mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ bao gồm cả việc xây mới một đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh, mở rộng sân đỗ tàu bay.

Liên quan tới một số nghi ngại về năng lực ACV, đại diện Tổng công này khẳng định ACV đủ năng lực triển khai nếu được Chính phủ cho phép, ACV sẽ vừa đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, vừa làm giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành.

Được biết, ACV có khoảng 25.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi gửi trong ngân hàng và dự kiến, giai đoạn 2019 - 2025, ACV tích lũy thêm được nguồn vốn cho đầu tư khoảng 85.000 - 87.000 tỉ đồng, hoàn toàn có khả năng đảm bảo việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống CHK, cùng với giai đoạn 1 của Dự án CHKQT Long Thành.

Theo một số chuyên gia, sẽ không có sự lãng phí công suất bay nếu triển khai cùng lúc cả 2 dự án bởi hai Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành là cụm cảng phục vụ cho thị trường vận tải hàng không khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam và tư vấn quốc tế, đến năm 2025 nhu cầu thị trường của cụm cảng này là 65 triệu hành khách, đến năm 2030 là 85 triệu hành khách trong khi đến năm 2025, tổng công suất thiết kế của cụm cảng Tân Sơn Nhất - Long Thành là 75 triệu hành khách.

Trước đó, cả Bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất về việc chọn ACV là đơn vị đầu tư xây dựng nhà ga T3 để bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có.

Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-thong/vi-sao-du-an-nha-ga-t3-tan-son-nhat-ve-tay-acv-728421.ldo