Vì sao du lịch MICE Việt Nam chưa bắt kịp các nước?

Tiềm năng du lịch MICE từ các sự kiện hội chợ, triển lãm quốc tế là rất lớn. Nhiều nước như Thái Lan, Singapore… đã khai thác tốt vấn đề này còn Việt Nam do những rào cản về hạ tầng đang khiến nhiều doanh nghiệp nuối tiếc khi không thể đáp ứng được dịch vụ cho du khách.

Từ thành công của Singapore

Tổng cục Du lịch Singapore (Singapore Tourism Board - STB) cho biết, năm 2018, lượng khách tham quan và tổng doanh thu ngành công nghiệp du lịch BTMICE (Business Traveler, Meetings, Incentives, Conventions and Exhibitions - Du lịch thương mại, gặp gỡ, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, từ tháng 1 - 9/2018, Singapore đã chào đón 2 triệu lượt khách BTMICE, tăng 10%, ước tính thu về 3,44 tỷ SGD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Melissa Ow - Phó Tổng cục trưởng STB - cho biết: “Các sự kiện quy mô lớn trong năm 2018 như Hội nghị thượng đỉnh DPRK-USA tại Singapore hay Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế. Đồng thời, các sự kiện này còn giúp quảng bá thị trường công nghệ du lịch BTMICE của Singapore đến với khách hàng. Qua đó, chúng tôi mong muốn khẳng định Singapore như một lựa chọn tuyệt vời dành cho hội nghị và sự kiện doanh nghiệp”.

Cũng theo bà Ow, từ năm 2019, Singapore sẽ chào đón hàng loạt các sự kiện dành cho lĩnh vực Dịch vụ chuyên nghiệp (Professional Services), Công nghệ thông tin (Technology) cùng Thực phẩm & đồ uống (F&B). Đây đồng thời cũng là những mảng kinh tế quan trọng được phát triển mạnh mẽ tại Đảo quốc Sư tử, vì thế STB tin rằng Singapore sẽ mở ra hàng loạt cơ hội trên con đường đi tìm định hướng của các nhà lãnh đạo hay các đơn vị tổ chức sự kiện.

Với những hoạt động diễn ra liên tiếp, Singapore dự kiến sẽ chào đón hàng ngàn đại biểu quốc tế tham dự, thậm chí có những sự kiện có tới vài chục ngàn đại biểu.

Tuy nhiên, để có thể chào đón và phục vụ hàng ngàn khách tham quan, Singapore đã có sự đầu tư bài bản từ hạ tầng giao thông, hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cho tới khu triển lãm hiện đại… đủ tầm để tiếp đón các đoàn doanh nghiệp.

Cùng như Singapore, du lịch MICE của Thái Lan đạt mức tăng trưởng 35,9% trong năm 2018, cao nhất trong 14 năm qua. Loại hình này đang đóng góp 10% vào doanh thu ngành du lịch Thái Lan. Sự hấp dẫn của du lịch MICE Thái Lan chính là hạ tầng cơ sở phát triển, không ngừng mở rộng đến sẵn sàng đón khách với một số lượng lớn.

Theo bà Nichapa Yoswee - Phó Chủ tịch cao cấp của Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan - mảng thương mại (TCEB), mỗi năm quốc gia này tổ chức hơn 1.000 sự kiện, triển lãm khác nhau. Để làm việc này, Chính phủ Thái Lan cùng ngồi lại với các doanh nghiệp tư nhân, kết nối cơ sở hạ tầng từ hãng hàng không, sân bay đến khách sạn, nhà hàng cũng như điểm đến phối hợp cùng chia sẻ dịch vụ.

Chính vì thế, cả Singapore và Thái Lan đều có thể phục cùng một lúc lượng khách lên đến gần 50.000 người trong cùng một sự kiện.

 Sự kiện Diễn đàn Pháp lý Liên minh hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút nhiều hợp tác xã từ các nước tới Việt Nam. Những sự kiện như thế này được đánh giá là tạo cơ hội cho du lịch MICE phát triển

Sự kiện Diễn đàn Pháp lý Liên minh hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút nhiều hợp tác xã từ các nước tới Việt Nam. Những sự kiện như thế này được đánh giá là tạo cơ hội cho du lịch MICE phát triển

Du lịch MICE Việt cần cải thiện gì?

Tại Việt Nam, hiện lượng khách du lịch MICE đến nước ta kết hợp sự kiện, hội nghị, khảo sát thị trường ngày càng tăng. Thống kê của Saigontourist cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã phục vụ 5.100 khách quốc tế đến Việt Nam tham gia các hành trình MICE. Có thể kể như đoàn 250 khách đa quốc tịch đến Đà Nẵng tham dự hội nghị tim mạch; đoàn 1.200 khách tham dự hội chợ du lịch quốc tế ATF & Travex tại Hạ Long. Ngoài ra, Saigontourist cũng phục vụ thành công gần 3.000 khách quốc tế và phóng viên toàn cầu đến Hà Nội tham gia đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi cuối tháng 2 năm nay.

Tuy vậy, nhiều ý kiến nhận xét rằng đa phần quy mô đón khách của các doanh nghiệp trong nước vẫn ở mức vài trăm đến dưới 1.000 khách/đoàn nên khó cạnh tranh với các nước xung quanh.

Thêm vào đó vấn đề cơ sở hạ tầng, nhất là các trung tâm triển lãm đủ sức đón lượng khách lớn còn thiếu, chưa đủ tầm. Ngay cả TP. Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước song đến nay vẫn chỉ có 1 trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế. Trong nhiều lần chia sẻ với báo giới, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho rằng, mỗi năm hội này thường tổ chức vài triển lãm, hội chợ và đều phải đăng ký trước với Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) ít nhất là 1 năm, có khi 2 năm. Dù các triển lãm VIFA Expo ngày càng thu hút doanh nghiệp quốc tế đăng ký tham dự, trưng bày nhưng HAWA đều phải lắc đầu từ chối vì… không thể tăng thêm diện tích triển lãm.

“Chúng tôi đã kiến nghị với thành phố nhiều lần là phải nhanh chóng xây thêm 1 trung tâm triển lãm mới nhưng tới nay vẫn chưa có gì tiến triển” - ông Hạnh nói.

Không chỉ thiếu trung tâm triển lãm, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành cũng được nhận định là không đủ sức phục vụ các đoàn doanh nghiệp lớn lên đến vài ngàn, cùng với đó là dịch vụ và hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, để ngành du lịch MICE Việt Nam phát triển, tận dụng được lợi thế “bùng nổ” các hội chợ, triển lãm ngày càng gia tăng như hiện nay thì phải nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mở thêm trung tâm triển lãm xứng tầm khu vực.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-du-lich-mice-viet-nam-chua-bat-kip-cac-nuoc-118541.html