Vì sao Đức có gần 20.000 ca mắc Covid-19, nhưng chỉ có 68 ca tử vong?

Tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức hiện chỉ khoảng 0,3%, thấp hơn nhiều so với Ý, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Nhân viên kiểm dịch ở biên giới Đức. Ảnh: Reuters

Nhân viên kiểm dịch ở biên giới Đức. Ảnh: Reuters

Tờ Daily Mail của Anh viện dẫn số liệu chính thức được công bố bởi Viện Robert Koch (RKI) Đức cho biết: tính đến ngày 19/3, Đức ghi nhận gần 11.000 ca mắc Covid-19, nhưng chỉ có 20 ca tử vong, tỉ lệ tử vong tương ứng chỉ 0,18%.

Con số này thấp hơn nhiều so với Ý (8,3%), Trung Quốc (4%), Anh (3,9%) và Pháp (2,9%).

Hai ngày sau, đến sáng 21/3, Đức đã có tổng cộng 19.848 ca mắc Covid-19, nhưng vẫn chỉ có 68 ca tử vong, với tỉ lệ tử vong là 0,3%.

Chuyên gia Richard Pebody, từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc Đức duy trì tỉ lệ tử vong thấp “có thể nhờ nhiều yếu tố khác nhau). Cụ thể:

Số giường chăm sóc đặc biệt

Đức hiện có 25.000 giường chăm sóc đặc biệt hoàn chỉnh, với thiết bị hỗ trợ hô hấp. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể phục hồi nhanh chóng khi được xác nhận mắc Covid-19.

Chính phủ Đức cũng tuyên bố có kế hoạch tăng gấp đôi con số này trong vài tuần tới để ngăn chặn các bệnh viện trở nên quá tải.

Ngay cả các khách sạn và hội trường công cộng lớn ở Đức cũng sẽ được chuyển thành bệnh viện dã chiến cho những bệnh nhân có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Bệnh viện khi đó chỉ tập trung điều trị cho những người bị bệnh nặng.

Đánh giá một cách tổng thể, Đức được trang bị tốt hơn so với các nước láng giềng châu Âu về điều kiện y tế. Bởi Pháp chỉ có khoảng 7.000 giường chăm sóc đặc biệt, và Italy có khoảng 5.000 giường.

Tại Anh, số liệu mới nhất cho thấy nước này chỉ có 4.000 giường chăm sóc đặc biệt, và 5.000 máy trợ thở có sẵn.

Xét nghiệm sớm

Christian Drosten, Giám đốc Viện Vệ sinh dịch tế tại Bệnh viện Charite (Berlin, Đức), cho rằng việc xét nghiệm sớm cũng có thể là một yếu tố giúp Đức duy trì tỉ lệ tử vong thấp.

“Chúng tôi nhận dạng căn bệnh này từ rất sớm. Chúng tôi đi trước các nước khác về kĩ năng chẩn đoán và phát hiện bệnh”, ông Drosten nói.

Đức có một mạng lưới các phòng thí nghiệm độc lập, nhiều đơn vị trong số đó đã bắt đầu xét nghiệm từ tháng 1, khi số ca bệnh vẫn còn rất thấp.

Việc có nhiều phòng thí nghiệm đã giúp Đức gia tăng khả năng sàng lọc bệnh nhân Covid-19 so với nhiều nước khác. Ước tính, Đức có thể tiến hành xét nghiệm cho 12.000 người mỗi ngày.

Bất cứ ai có triệu chứng, hoặc từng tiếp xúc với một ca bệnh, hoặc trở về từ vùng dịch đều sẽ được xét nghiệm.

Bệnh nhân trẻ tuổi

Virus SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng đến bộ phận dân số trẻ, khỏe mạnh ở Đức.

Chủ tịch RKI - Lothar Wieler cho biết: “Ở Đức, hơn 70 phần trăm những người được xác định nhiễm bệnh có độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi.”

Các ca bệnh đầu tiên ở Đức là những người trở về sau kì nghỉ trượt tuyết ở Áo hoặc Italy.

Tuy nhiên, Đức vốn là quốc gia có một phần tư dân số trên 60 tuổi. Vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại số người tử vong ở Đức sẽ tăng vọt khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng.

Không xét nghiệm những người đã qua đời

Các chuyên gia Ý cho rằng Đức - khác với nhiều quốc gia khác - có xu hướng không xét nghiệm những người đã tử vong.

RKI nói thêm: “Chúng tôi không coi việc xét nghiệm sau khi tử vong là việc quan trọng. Chúng tôi làm việc theo nguyên tắc: bệnh nhân được xét nghiệm trước khi tử vong.”

Điều này cũng có nghĩa, nếu một người tử vong khi cách ly tại nhà và không đến bệnh viện, thì có khả năng cao họ sẽ không được đưa vào thống kê, như Giovanni Maga thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Euronews.

Minh Hạnh

Theo Daily Mail

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/vi-sao-duc-co-gan-20000-ca-mac-covid19-nhung-chi-co-68-ca-tu-vong-1627031.tpo