Vì sao đường vành đai phía nam chậm tiến độ?

Công trình đường vành đai phía nam từ Hòa Phước - Hòa Khương có điểm khởi đầu từ nút giao đường phía Nam (QL1A-Hòa Phước) tại thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước đến điểm cuối (QL14B) thuộc thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, có tổng chiều dài là 7.768,11m (không bao gồm cầu Quá Giáng và cầu Sông Yên).

Công trình đường vành đai phía nam từ Hòa Phước - Hòa Khương có điểm khởi đầu từ nút giao đường phía Nam (QL1A-Hòa Phước) tại thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước đến điểm cuối (QL14B) thuộc thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, có tổng chiều dài là 7.768,11m (không bao gồm cầu Quá Giáng và cầu Sông Yên). Công trình được khởi công vào tháng 9-2015, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng sau 20 tháng thi công, nhưng đến nay, đã 36 tháng, vẫn còn dang dở. Ngày 26-9-2018, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng ghi nhận từ hiện trường, công trình vẫn còn ngổn ngang đất, đá.

Một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để triển khai đường vành đai phía nam TP Đà Nẵng.

Một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để triển khai đường vành đai phía nam TP Đà Nẵng.

Để thực hiện dự án đường vành đai phía nam, đoạn Hòa Phước-Hòa Khương phải giải tỏa 1.254 hộ, trong đó có 467 trường hợp đất ở, 787 hồ sơ đất nông nghiệp và 632 hồ sơ công trình xây dựng khác. Trong quá trình thực hiện đa số người dân chấp hành tốt chủ trương giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn một ít hộ dân không chịu bàn giao nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho dự án, cụ thể: xã Hòa Phước còn 17 hộ, xã Hòa Tiến 14 hộ và xã Hòa Châu còn 10 hộ.

Trước việc một số người dân chậm bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, ông Bùi Nam Dũng - Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cùng một số cán bộ ở Hội đồng giải phóng mặt bằng phối với cán bộ xã và thôn đến từng hộ dân trực tiếp đối thoại, giải quyết những vướng mắc. Tại buổi đối thoại trực tiếp diễn ra vào ngày 26-9-2018 giữa ông Bùi Nam Dũng với các hộ dân tại Dương Sơn, Hòa Châu, nhiều hộ dân tại đây cam kết nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư và bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Ánh-một hộ dân, trú Dương Sơn, Hòa Châu, phát biểu: Cách giải thích và giải quyết lần này vừa cặn kẽ vừa thỏa đáng nên mọi người đều đồng ý.

Tuy nhiên, theo ông Dũng vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân tại các địa phương còn lại thông hiểu về chính sách bồi thường, tái định cư hiện nay để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công... Mặc dù UBND H. Hòa Vang tổ chức nhiều lần đối thoại với người dân nhưng một số hộ dân yêu cầu Nhà nước bố trí đất tái định cư tại chỗ hoặc bố trí lại đất có diện tích tương ứng với diện tích đất bị thu hồi, yêu cầu tăng mức hỗ trợ... Tuy nhiên, đường vành đai phía Nam là dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, việc đền bù, bố trí tái định cư... phải tuân thủ đúng quy định tại Quyết định 63/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 của UBND thành phố nên không thể đáp ứng mọi yêu cầu của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: UBND xã đã kết hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng H. Hòa Vang vận động người dân nhận tiền, nhận đất và bàn giao mặt bằng song vẫn còn 14 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do một số hộ đưa ra yêu cầu mức tiền đền bù, bố trí đất... quá cao so với quy định.

Một nguyên nhân khác làm chậm tiến độ dự án là trong quá trình thi công phải điều chỉnh quy hoạch. Theo quy hoạch cũ, một số hộ được bố trí tái định cư tại chỗ song khi thực hiện đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, phải điều chỉnh theo hướng giải tỏa trắng nên tốn thời gian làm công tác kiểm định, áp giá...

Theo đánh giá của lãnh đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng: Hội đồng giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất H. Hòa Vang đã nỗ lực rất nhiều trong việc tiếp, giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến việc giải tỏa đền bù tại dự án đường vành đai phía Nam nhưng một số ít hộ vẫn chưa chấp thuận. Tóm lại, tiến độ dự án phần lớn đang phụ thuộc vào sự đồng thuận của người dân.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_195963_vi-sao-duong-vanh-dai-phia-nam-cham-tien-do-.aspx