Vì sao F-35 vẫn được coi là chiến đấu cơ uy lực dù có gần 900 lỗi phần mềm và phần cứng?

Bloomberg trích dẫn một số thông tin trong báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho biết, F-35 hiện có 871 lỗi phần mềm và phần cứng.

Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ đang phối hợp với Lầu Năm Góc sửa chữa các trục trặc về phần mềm và những thách thức kỹ thuật đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Dù từ trước đến nay, tiêm kích này luôn được cho là có hiệu suất chiến đấu cao, khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tốt và đạt hiệu quả về mặt công nghệ.

Tiêm kích F-35. Ảnh: Defense News.

Tiêm kích F-35. Ảnh: Defense News.

Khiếm khuyết không thể tránh khỏi trong quá trình nâng cấp F-35

Bloomberg trích dẫn một số thông tin trong báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho biết, F-35 hiện có 871 lỗi phần mềm và phần cứng. Do báo cáo này chưa được công bố nên vẫn chưa rõ đây là những lỗi nào hoặc ảnh hưởng mà chúng gây ra đối với khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của F-35. Tại thời điểm hiện tại, rất khó đánh giá mức độ nghiêm trọng của những khiếm khuyết nói trên vì một số có khả năng nằm trong danh sách nâng cấp, bảo trì phần mềm và phần cứng thường xuyên.

Ông Brett Ashworth, người phát ngôn của tập đoàn Lockheed Martin cho biết: “Mặc dù chúng tôi chưa xem bản báo cáo của Cơ quan thử nghiệm và đánh giá (DOT&E) thuộc Lầu Năm Góc nhưng chúng tôi đã theo dõi tất cả các báo cáo về lỗi của F-35. Khoảng 70% trong tổng số 871 lỗi được xếp vào loại ưu tiên thấp hoặc đang được Văn phòng Chương trình hỗn hợp F-35 (JPO) xử lý. Hiện không có báo cáo về lỗi CAT 1A (nguy cơ rủi ro đến tính mạng hoặc các bộ phận cơ thể)”.

Một lĩnh vực được chú tâm nhiều nhất là phần mềm của F-35. Quá trình phát triển F-35 đã nhiều lần bị gián đoạn do việc nâng cấp phần mềm, lặp lại hoặc gia giảm công nghệ mới nhằm mục đích mở rộng hiệu suất hoạt động của máy bay. Mỗi đợt nâng cấp phần mềm thành công giúp gia tăng khả năng vận hành vũ khí, tăng cường chức năng xử lý và mở rộng nhiệm vụ của F-35. Lực lượng không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang thao tác với phần mềm Block IV cho phép F-35 sử dụng được các loại vũ khí tiên tiến dành cho máy bay của Mỹ.

Quá trình nâng cấp phần mềm của F-35 đang được đẩy nhanh và đến một mức độ nào đó sẽ bị rút ngắn thời gian. Giải thích về điều này, ông Will Roper, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ về lĩnh vực mua sắm, công nghệ và hậu cần cho biết, việc hiện đại hóa phần mềm sẽ không còn diễn ra một cách dàn trải, thay vì diễn ra mỗi năm một lần hoặc lâu hơn, chúng sẽ được thực hiện một cách liên tục. Chiến lược này sẽ giúp củng cố quá trình hiện đại hóa, tăng cường bảo mật, tích hợp trí tuệ nhân tạo, bảo trì và có lẽ quan trọng nhất là nâng cấp vũ khí.

Do việc nâng cấp được thực hiện thường xuyên hơn nên trong thời gian ngắn không thể tránh khỏi việc phát sinh những lỗi nhỏ và không quá nghiêm trọng. Chúng là một phần của quá trình thử nghiệm, tinh chỉnh và nâng cấp. Đó là lý do sau khi cải tiến phần mềm, tiêm kích F-35 thường được thử nghiệm, chỉnh sửa và sau đó mới đưa vào triển khai để thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với nó. Thực tế này giải thích tại sao nhiều lỗi của F-35 được xếp vào loại ưu tiên thấp, không gây ảnh hưởng hiệu quả hoạt động hay khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

F-35 vẫn là chiến đấu cơ uy lực

Trong nhiều năm qua, F-35 đã trải qua nhiều đợt nâng cấp phần mềm và mỗi đợt nâng cấp lại giúp tiêm kích này sở hữu những khả năng mới. Tuy nhiên, do một số lỗi kỹ thuật trong thời gian gần đây, F-35 có thể bắn chệch hướng tên lửa AIM-9X hoặc một số loại vũ khí khác.

Với phần mềm Block IV hiện đại, trong vài năm tới, tiêm kích F-35 có thể thả bom thông minh Stormbreaker (còn được biết với tên gọi bom đường kính nhỏ II) do tập đoàn quốc phòng Raytheon chế tạo, hiện đang được sử dụng cho tiêm kích F-15E. Điểm nhấn tạo nên sự lợi hại của Stormbreaker chính là công nghệ dò tìm 3 chế độ. Với công nghệ này, Stormbreaker sẽ được dẫn đường bằng radar bước sóng milimet, hình ảnh hồng ngoại và laser bán chủ động.

Theo tập đoàn Raytheon, chế độ dẫn đường bằng radar bước sóng milimet sẽ giúp Stormbreaker hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt chẳng hạn như sương mù, mưa, tuyết hay vượt các rào cản che khuất mục tiêu. Bên cạnh đó, nhờ sở hữu công nghệ liên kết dữ liệu hai chiều, Stormbreaker có thể thay đổi hướng bay hoặc duy trì quỹ đạo hướng tới một mục tiêu đang di chuyển nằm cách xa 40 hải lý.

Ngoài ra, F-35 cũng được tích hợp Hệ thống lái tự động tránh va chạm (Auto-GCAS), được thiết kế để giúp phi công bảo toàn tính mạng bằng cách ngăn chặn một vụ va chạm có thể xảy ra trên mặt đất. Công nghệ Auto-GCAS đã được tích hợp trên các chiến đấu cơ F-16 và được đánh giá hoạt động khá tốt.

Ngoài những khiếm khuyết về phần cứng và phần mềm, chương trình phát triển F-35 đang đối mặt với sự thiếu hụt ngân sách 10 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến đến năm 2025. Chính quyền tổng thống Trump dự chi 78 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, mua sắm và bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng cho F-35 trong giai đoạn này. Nhưng đơn vị phân tích chi phí của Lầu Năm Góc ước tính, chương trình sẽ cần tới 88 tỷ USD.

Bất chấp những khiếm khuyết và hạn chế nói trên, chương trình F-35 với tổng giá trị 398 tỷ USD vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ và các khách hàng ở nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại Lockheed Martin đã chuyển giao hoặc đang trong quá trình chuyển giao 970 chiếc F-35 trên tổng số 3.200 chiếc được đặt hàng.

Theo Hồng Anh/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/vi-sao-f-35-van-duoc-coi-la-chien-dau-co-uy-luc-du-co-gan-900-loi-phan-mem-va-phan-cung/20210122014155901