Vì sao gần 300 giáo viên Sóc Sơn nguy cơ mất việc quyết không thi?

256 giáo viên Sóc Sơn có nguy cơ mất việc thà ra khỏi ngành nhưng không tham dự kỳ thi tuyển viên chức lần này vì cho rằng quá bất công và sợ thiếu minh bạch trong thi tuyển.

Giáo viên Sóc Sơn định không tham dự kỳ thi tuyển viên chức 2019.

Giáo viên Sóc Sơn định không tham dự kỳ thi tuyển viên chức 2019.

Ngày 13/4, là hạn cuối để giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức năm 2019.

Thi tuyển là quá bất công

Trao đổi với báo chí đại diện 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn khẳng định, họ vẫn nộp hồ sơ theo đúng quy định để không ảnh hưởng tới trường nhưng sẽ kiên quyết không tham dự kì thi.

“Thà ra khỏi ngành nhưng chúng tôi sẽ không thi. Bởi việc bắt chúng tôi thi thay vì xét tuyển là quá bất công. Việc không xét tuyển cho chúng tôi theo Nghị định 29 mà bắt chúng tôi thi theo Nghị định 161 là sai sót của chính quyền. Không thể bắt chúng tôi hứng chịu cái sai sót đó”, đại diện nhóm giáo viên này nhấn mạnh.

Các giáo viên cho rằng, sở dĩ họ kiên quyết không thi là bởi kỳ thi này là một sự phủ nhận công sức của họ suốt bao nhiêu năm qua. Có những người sắp về hưu, gắn bó gần 30 năm trong nghề nay lại bắt họ thi tuyển cùng với những người mới ra trường thì vừa không hợp tình cũng không hợp lý.

Điều mà các GV cho biết bức xúc nhất là việc suốt 6 năm Nghị định 29/2012/NĐ-CP có hiệu lực tại sao huyện không xét đặc cách cho những GV hợp đồng khối tiểu học và THCS mà chỉ GV mầm mon? Việc làm này đã khiến hàng trăm GV phải khổ sở với thân phận hợp đồng để rồi bây giờ đối mặt với nguy cơ mất việc dù đóng góp của họ không hề thua kém những GV trong biên chế.

“Chính quyền bỏ quên Nghị định 29/2012 (xét đặc cách viên chức) là cái sai của chính quyền mà giờ lại bắt giáo viên phải lãnh hậu quả thì còn đâu tính nhân văn, chúng tôi dạy ai được nữa? Huyện chưa triệt để trong việc giải quyết quyền lợi cho giáo viên hợp đồng. Khi có Nghị định mới là quyết định thực hiện ngay, phủ nhận toàn bộ sự cống hiến của giáo viên”, nhiều giáo viên lên tiếng.

Trả lời trên Báo lao động, ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – thừa nhận, năm 2015, trong thời gian Nghị định 29 của Chính phủ có hiệu lực, huyện đã 2 lần đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét thủ tục để xét đặc cách cho các giáo viên đủ điều kiện, tuy nhiên không nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản về sự việc này.

Trượt mà không biết... vì sao trượt

Không ít GV cho rằng họ không sợ thi mà sợ không công bằng và thiếu minh bạch. Thầy Nguyễn Văn Mạnh, có thâm niên 15 năm dạy nhạc tại Trường THCS Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), bảo đã trải qua 2 kỳ thi tuyển viên chức nhưng đều trượt. Lần đầu vào năm 2012, thi 2 môn là viết giáo án và thi dạy, đạt 9,4/10 điểm cho viết giáo án và 9,5/10 điểm thi dạy nhưng vẫn trượt. Lần thi thứ hai là năm 2015, anh đạt hai điểm 9 và vẫn trượt. "Hai lần thi đều đạt điểm giỏi nhưng vẫn trượt viên chức. Cho nên, tôi rất mất niềm tin vào cuộc thi viên chức này. Chúng tôi không biết phải làm thế nào để trúng tuyển" - thầy Nam bày tỏ.

Ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – thừa nhận, năm 2015, trong thời gian Nghị định 29 của Chính phủ có hiệu lực, huyện đã 2 lần đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét thủ tục để xét đặc cách cho các giáo viên đủ điều kiện, tuy nhiên không nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản về sự việc này.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Anh trường Tiểu học Thanh Xuân A chia sẻ, tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm, khi cô về công tác tại trường trong bối cảnh huyện đang thiếu giáo viên ngoại ngữ. Chính vì vậy, nhà trường từng yêu cầu cô phải viết cam kết với trường.

Bản thân cô Hiền từng đoạt giải 3 trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2013, toàn thành phố phải rà soát toàn bộ giáo viên dạy ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngôn ngữ của khung tham chiếu châu Âu, cả huyện Sóc Sơn chỉ có duy nhất một giáo viên tiểu học đạt yêu cầu là cô Hiền. Cô đã 2 lần được chọn đi thi cô giáo tài năng duyên dáng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhưng 2 lần thi viên chức cô đều không đỗ.

Là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở huyện Sóc Sơn, cô Nguyễn Hương Trà, giáo viên môn Giáo dục Công dân trường THCS Trung Giã, được ghi nhận là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô. Cô Nguyễn Hương Trà cũng thông tin mình đã từng tham gia thi tuyển viên chức, công chức cách đây gần 20 năm, nhưng hoàn toàn thất vọng.

“Năm đó Sở Giáo dục tổ chức thi tuyển công chức, viên chức cho giáo viên, tôi cũng tham gia. Có 2 phần thi là thực hành và lý thuyết. Phần thi thực hành gồm thi soạn giáo án, và vấn đáp trực tiếp. Điểm thi phần thực hành của tôi khá cao được 7,5 điểm, trong khi đó người thi được 8 điểm là cao nhất. Còn phần thi lý thuyết gồm thi luật giáo dục và cách tính điểm cho học sinh. Điểm lý thuyết của tôi được có 4,75 điểm (5 điểm đỗ). Bị đánh trượt, cả tháng tôi buồn và khóc như mưa mà không biết vì sao mình trượt. Ấm ức lắm, mình là dân học luật ra, làm bài rất tốt mà chưa được 5 điểm nên tôi đã làm đơn phúc khảo, nhưng không được xem xét”, cô Trà cho hay.

Còn cô Đào Thị Nga, giáo viên Trường trung học cơ sở Trung Giã cũng cho biết từng tham gia thi tuyển công chức, viên chức năm 2012. “Cách thi, tôi giảng trên bục, còn giám khảo ở dưới chấm. Năm đó tôi không đỗ viên chức. Buổi thi cũng không ghi âm, ghi hình nên tôi không thể phúc khảo. Cách tổ chức thi công chức, viên chức như thế khó đảm bảo công bằng, minh bạch", cô Đào Thị Nga nói.

Theo tập thể 256 giáo viên, việc thi tuyển viên chức cũng nhằm tìm ra người đủ điều kiện để vào ngành, để đứng lớp dạy dỗ học sinh. Trong khi họ, những người đã gắn bó, cống hiến lâu năm với ngành, được xã hội, được phụ huynh và bao thế hệ học trò ghi nhận thì lại bắt họ phải đi thi vào cái mà họ đã làm rất tốt suốt hàng chục năm qua. Như vậy, việc bắt họ thi đang đi ngược lại với mục đích ban đầu của cuộc thi.

Chia sẻ với báo chí, các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bày tỏ mong muốn nhận được một cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các cơ quan hữu quan về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của họ.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhấn mạnh cần áp dụng quy định có lợi cho GV về quy định xét đặc cách. Nếu trước đây trì hoãn thì đối tượng thời điểm đó phải được xem xét. Nếu cần, các cơ quan có liên quan phải báo cáo Thủ tướng. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình đánh giá, tuyển dụng giáo viên.

Châu Anh (t/h)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-sao-gan-300-giao-vien-soc-son-nguy-co-mat-viec-quyet-khong-thi-1402373.tpo