Vì sao gần một nửa số tỉnh, thành phố có số vụ tai nạn giao thông tăng cao?

Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, có 30 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng hơn 30% so với cùng kỳ, thậm chí có tỉnh tăng 70%.

Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong quý 1 mặc dù tai nạn giao thông giảm về số vụ và số người bị thương. Tuy nhiên số người chết do tai nạn giao thông lại tăng hơn 2%. Đặc biệt có 30 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng hơn 30% so với cùng kỳ, thậm chí có những tỉnh tăng đến 70%.

Chỉ riêng trong tháng 3 năm nay, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Vụ tai nạn tại Thanh Hóa, ngày 22/3 làm 7 người chết; 2 vụ tai nạn giao thông ngày 16/3 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 5 người chết và 3 người bị thương và vụ tai nạn giao thông ngày 26/3 trên Quốc lộ 3 làm 3 người chết và 1 người bị thương… Đáng chú ý là gần một nửa số tỉnh, thành trên cả nước có số vụ tai nạn giao thông tăng cao.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: Tai nạn giao thông tăng do nhiều nguyên nhân, do hạ tầng, phương tiện, nguyên nhân do con người, trong đó do con người vẫn là chủ yếu.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 7 người chết ở Thanh Hóa.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc khiến 7 người chết ở Thanh Hóa.

“Về ý thức người tham gia giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình hình tai nạn giao thông tăng cao trong quý 1/2021; lái xe sau khi đã uống rượu bia, thậm chí say xỉn khi bị kiểm tra còn chống người thi hành công vụ hành hung cảnh sát giao thông. Xe tải, xe khách chở quá tải trọng, chở quá số người quy định vi phạm các quy định kinh doanh vận tải ô tô. Cùng với đó cấp ủy chính quyền và lực lượng chức năng một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chỉ đạo, kiểm tra và chưa quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông”- ông Khuất Việt Hùng cho biết.

Kết cấu hạ tầng giao thông chưa hợp lý cũng là nguyên nhân quan trọng. Đơn cử như các điểm giao cắt giữa hệ thống đường quốc lộ với hệ thống đường địa phương hầu hết là giao cắt đồng mức, tầm nhìn hạn chế; phương tiện tham gia giao thông về đêm tăng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tuyến đường có dải phân cách giữa nhưng không được đầu tư thiết bị chống chói, đinh phản quang và hệ thống điện chiếu sáng; các tuyến đường miền núi qua những đoạn đèo dốc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

“Giám sát hành trình của xe khách và xe tải là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc rất phức tạp trong giai đoạn vừa qua, các tỉnh chỉ đạo việc này như thế nào. Đối với việc mới có khoảng 20% kiến nghị của các lực lượng để giải quyết các điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông tại sao lại xảy ra như vậy mà năm nào cũng đưa ra những kiến nghị và nếu giải quyết được một cách hiệu quả thì kết quả về phòng ngừa tai nạn ùn tắc sẽ có những cái khả thi hơn”- Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu vấn đề.

Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra khá phổ biến và phức tạp nhất là các tuyến quốc lộ và các tỉnh có các mỏ vật liệu xây dựng. Đặc biệt, nhiều xe khi bị phát hiện chở quá tải trên 200%. Cùng với đó, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe chở quá tải xảy ra điển hình như vụ tai nạn tại Thanh Hóa làm 7 người chết đã chở gấp rưỡi tải trọng cho phép là một ví dụ điển hình. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam đề nghị các tỉnh cần phải tăng cường kiểm tra và giám sát xếp hàng hóa, đặc biệt là những tỉnh có mỏ.

"Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì tình trạng quá tải sẽ tăng lên và phá nát đường, nguy cơ gây tai nạn giao thông sẽ tăng là rất nguy hiểm. Riêng vụ ở Thanh Hóa là chở gấp rưỡi, cho phép được chở 15 tấn mà chở đến 27 tấn, cũng là một hiện tượng quá tải gây tai nạn nghiêm trọng”- ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao có trách nhiệm của chính những địa phương nơi xảy ra tai nạn. Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phê bình 30 tỉnh có số vụ tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ. Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có tai nạn giao thông tăng cao phải chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý 2 và cả năm 2021, đặc biệt yêu cầu các ngành chức năng phải trả lời cho được câu hỏi : "ai chống lưng cho xe quá tải".

“Dư luận xã hội rất bức xúc khi thấy những tuyến đường đầu tư cả trăm cả nghìn tỷ xuống cấp trầm trọng, mặt đường hằn lún, đầy ổ gà, ổ trâu chỉ sau một thời gian ngắn bị xe quá tải lưu thông, tai nạn cũng từ đó mà tăng lên. Cần khẳng định việc chở hàng hóa quá tải trọng cầu đường chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, cần phải xử lý thật nghiêm. Đề nghị lực lượng công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không? Có thì xử lý thật nghiêm, không có thì cũng công bố để dư luận đỡ nghi ngờ”

Chính vì vậy, tăng cường kiểm soát tải trọng xe tải, khẩn trương hoàn thiện quy định và quy chuẩn kỹ thuật các trạm cân xe tự động trên toàn quốc trên các quốc lộ trọng điểm, các tuyến kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, mỏ vật liệu xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đặc biệt, tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông như: Lái xe nghiện ma túy; vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tải trọng xe; các vi phạm vận tải khách về ôtô, môtô không đảm bảo an toàn kỹ thuật; Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến giải pháp hạ tầng giao thông, rà soát hệ thống biển báo, kịp thời xử lý các “điểm đen” tại các tuyến, địa bàn../.

Việt Cường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-gan-mot-nua-so-tinh-thanh-pho-co-so-vu-tai-nan-giao-thong-tang-cao-850251.vov