Vì sao giá sữa liên tục tăng?

Người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng tới 80% số lượng sữa nhập ngoại.Đây là nguyên nhân khiến giá sữa liên tục tăng, bất chấp việc Bộ Tài chính có thông tư để quản lý mặt hàng này từ cuối năm 2013.

Tăng giá có phải là việc tất yếu?

Từ ngày 10-2, nhiều hãng sữa trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán hàng loạt sản phẩm.

Bà Năm Tốt, chủ đại lý cùng tên trên đường Tô Vĩnh Diện, quận Thủ Đức cho biết, nhãn sữa Vinamilk tăng giá trung bình khoảng 6% một số loại sữa nước và sữa bột. Một thương hiệu sữa nội khác là Nutifood cũng tăng giá bán từ 6 đến 10%. Mức giá này áp dụng trễ hơn khoảng mười ngày trong hệ thống siêu thị, tính từ ngày 21-2. Trước đó, cuối năm 2013, các đại lý sữa cũng đón nhận hàng loạt thông báo tăng giá từ một số nhãn hàng sữa ngoại, mức tăng từ 6 đến 8% dành cho sữa Abbott, 5 - 7% của Mead Johnson, hay Nestle từ 7-10%...

Đối với mặt hàng sữa, như một quy luật bất thành văn, giá thường tăng vào cuối năm hoặc đầu năm. Như các lần trước, lý do tăng giá sữa đợt này cũng được các doanh nghiệp biện minh là do nguyên liệu đầu vào biến động theo hướng tăng. Trong văn bản kê khai giá nguyên liệu đầu vào gửi Bộ Tài chính mới đây, các hãng sữa cho rằng, từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% đến 57% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sữa bò trong nước mua của nông dân cũng tăng khá mạnh từ cuối năm ngoái. Chẳng hạn như Vinamilk, doanh nghiệp đang dẫn đầu thị phần toàn quốc với 48,7% sữa nước; 30% sữa bột, 75% sữa đặc có đường và sữa chua 90%, tính đến đầu năm 2014, đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013 ( từ 11.175 đồng/kg lên 13.700 đồng/kg).

Rõ ràng, mặc dù được liệt vào một trong số 14 mặt hàng diện bình ổn giá, nhưng sữa vẫn là một trong những sản phẩm được xem là có "ngoại lệ", khó kiểm soát nhất. Cuối năm 2013, Bộ Tài chính có Thông tư 30 yêu cầu thực hiện nghiêm việc quản lý giá sữa; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi... Tuy nhiên, rà soát lại các điều khoản, Thông tư 30 lại đang lộ ra lỗ hổng. Bởi, trong khi thông tư này yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá, nhưng các cơ quan quản lý lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Chưa kể, Luật Giá hiện đang cho phép doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15%- 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày, nên họ vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí một tháng tăng hai lần mà vẫn không sai luật.

Minh bạch chi phí đầu vào, nguyên liệu và giá bán sữa không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong Luật Giá, mà đây còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hàng triệu người tiêu dùng. Thế nhưng, ngoài việc tăng giá đang bị dư luận nghi ngờ có quá nhiều bất hợp lý, thì ngay cả chuyện minh bạch nguồn bột sữa cũng chưa ai quản lý. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Giá cho dù có chặt choe, có tính pháp lý cao, ràng buộc các chủ thể... thì việc đang phải phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập ngoại, cũng rất khó kiềm được giá sữa. Tăng giá sữa trên cơ sở nguyên liệu đầu vào tăng là hợp lý. Nhưng, việc lợi dụng giá nguyên liệu biến động để nâng giá bất hợp lý là trái luật, xem thường người tiêu dùng.

Trong trường hợp này, người dân chỉ còn trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Cục Quản lý giá, Hải quan... triệt để thực hiện các biện pháp quản lý, đối chiếu, phân tích các yếu tố đầu vào để đưa giá sữa về mức hợp lý nhất.

Thiếu chiến lược tự chủ nguyên liệu Chính sách phát triển đàn bò sữa có quá nhiều bất cập được xem là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng đàn bò sữa. Hiện, tổng đàn bò sữa cả nước chỉ có khoảng 160 nghìn con, cho ra khoảng 410 triệu kg sữa/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu trong nước. Điều đáng nói, năng suất sữa trung bình nuôi hộ gia đình khoảng 14,5 kg/con/ngày, cao hơn so với các nước trong khu vực, nhưng lại thấp hơn khá xa so với các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ... Chính vì vậy, mặc dù giá sữa hiện nay mà các công ty thu mua đang ở mức khá cao, nông dân có lợi nhuận nhưng vẫn không góp phần thúc đẩy phát triển đàn bò sữa. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, việc có đến 90% số đàn bò chăn nuôi theo quy mô nhỏ ở các vùng đô thị, chỉ có 10% số hộ chăn nuôi trang trại chuyên nghiệp khiến sản lượng sữa không thể tăng lên. Kỹ năng chăn nuôi của nông dân chưa cao, nguồn thức ăn còn phụ thuộc phần lớn vào thức ăn tinh có giá thành cao, chất lượng không ổn định nên năng suất sữa thấp, cũng là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra, các chính sách vĩ mô phát triển đàn bò sữa như kích cầu vốn, con giống, đầu tư hạ tầng, chuồng trại còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, việc nhập khẩu sữa bột giá thành rẻ, thuận lợi cũng khiến họ không mặn mà đầu tư vào chăn nuôi.

Hiện nay, Vinamilk được coi là doanh nghiệp dẫn đầu về chỉ tiêu nuôi bò và bao tiêu nguyên liệu sữa bò tươi cho nông dân. Giám đốc Makerting ngành hàng Vinamilk Nguyễn Quang Trí cho biết, ngoài đầu tư phát triển năm trang trại hiện đại quy mô công nghiệp với khoảng 8.000 con bò sữa cho 90 tấn/ngày, Vinamilk còn liên kết thêm với hơn 6.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với tổng số 65.000 con, thu mua sản lượng khoảng 450 tấn sữa/ngày (540.000 lít). Công ty TH Milk, mặc dù đến năm 2008 mới triển khai nhập lô bò giống đầu tiên về, nhưng sau 5 năm, "đại gia" này cũng mới chỉ xây dựng trang trại quy mô 32 nghìn con bò sữa ở Nghệ An với sản lượng sữa tươi thu được khoảng 300 tấn/ngày.

Trong khi đó, dù chưa trực tiếp bỏ tiền đầu tư nuôi bò trang trại, nhưng mô hình liên kết bằng việc đầu tư kỹ thuật, nhân giống, hỗ trợ các thiết bị thu mua sữa... nên FrieslandCampina Việt Nam cũng kịp có trong tay lượng sữa bò tươi ở khắp các khu vực bắc, trung, nam và Tây Nguyên với 35 nghìn con bò, tổng sản lượng sữa mỗi ngày khoảng 240 tấn.

Chừng ấy nguyên liệu trong nước là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sữa của hơn 90 triệu dân. Theo phân tích của Euromonitor, tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn từ năm 2006 đến 2011 là từ 21 đến 22%; dự báo giai đoạn 2011-2016 vào khoảng 12%. Trong 5 năm qua, Euromonitor đánh giá mức tiêu thụ sữa tươi của người Việt Nam tăng đáng kể, từ 5 lít/người lên mức 13-15 lít/người/ năm. Tuy nhiên, so với tỷ lệ trung bình của một số nước như Thái-lan là 23 lít/người/năm, Trung Quốc là 25 lít/người/năm... thì con số trên vẫn còn khá khiêm tốn. Do vậy, một khi thu nhập đầu người tăng cùng với điều kiện sống không ngừng được cải thiện, thì mục tiêu tăng trưởng ngành sữa vẫn còn khá cao. Nếu không có định hướng phát triển đàn bò sữa một cách bài bản, tiếp tục phụ thuộc nguyên liệu nhập từ nước ngoài, thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục phải mua sữa với giá cao bất hợp lý.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/22367702-vi-sao-gia-sua-lien-tuc-tang.html